Thực hư về Bức tranh 'CHÙA THÁP PHỔ MINH' đã từng bị hạ xuống làm bàn đánh bóng bàn

Ngày Ba tôi còn sống, đã từng cấm tiệt tôi chơi bời, làm việc gì với sở Văn hóa 18. Vì Ba có vài lần bị sở VHTT (lúc ấy còn gọi là Ty Văn hóa) mượn tác phẩm trưng bày triển lãm của thành phố. Hứa rằng triển lãm xong rồi trả, nhưng "triển lãm xong đã lâu vẫn chưa biết người bê đi đâu".

Chùa tháp Phổ Minh - Tác giả: Nguyễn Sáng - Chất liệu: Sơn mài - Kích thước: 130.3 x 200.2 cm - Thời gian sáng tác: 1966 (ko thấy bảo tàng chú thích là phiên bản 2)

Tôi là dân 18 chính hiệu nhưng mấy chục năm xa quê hương nhiều khi mang máng nhớ lời ba dặn thế nhưng cũng thường độ lượng cho một vài điều "sơ xuất" của ai đó mà vẫn yêu da diết cái nơi mình đã sinh ra. Vì yêu nên hay lắng nghe mọi chuyện dính dáng đến quê mình, kiểu như người con gái lúc nào cũng hóng chuyện về người yêu ấy.

Và một trong số chuyện ấy là về bức tranh Tháp Phổ Minh của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những cây đại thụ sơn mài của Việt Nam, sánh cùng Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm. Ông cũng là một trong Tứ kiệt của Hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái... đóng góp đáng kể cho hội họa Việt Nam những tác phẩm "để đời". Trong đó có tác phẩm "Tháp Phổ Minh" vẽ lại ngôi tháp nổi tiếng trong khu vực đền Trần, Nam Định quê tôi.

Họa sĩ Nguyễn Sáng được mời về Nam Định. Trung ương và địa phương (khi ấy là đích thân bí thư Phan Điền) đề nghị họa sĩ phải làm thế nào vẽ được ra cái chất Nam Định để động viên quê hương thành phố Dệt thi đua cùng cả nước trên con đường đổi mới và phát triển. Cuộc họp kéo dài đầy đủ đại diện các phòng ban vẫn chưa thống nhất được chủ đề gì cho họa sĩ thể hiện. Sở nào cũng đưa ra các hình ảnh điển hình, thế mạnh của mình. Người bảo vẽ nhà máy dệt, người bảo vẽ cánh đồng... đại khái rất nhiều ý kiến. Họa sĩ Nguyễn Sáng nghe xong bèn nói: Các anh muốn thế thì tốt nhất là vẽ cái bản đồ Nam Định mới đáp ứng được yêu cầu. Đến lúc ấy các sở mới thấy mình hơi "lố" vì đã cầm đèn chạy trước tư tưởng của họa sĩ Nguyễn Sâng - vốn được coi là người giàu tính tư tưởng trong nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Sáng lúc ấy mới nói, tôi sẽ vẽ Tháp Phổ Minh... đấy mới là biểu tượng minh triết cho quê hương Nam Định. Cả hội trường đương nhiên vỗ tay tán thán.

2. Đấy là sự tích ra đời bức sơn mài Tháp Phổ Minh. Nhưng số phận bức tranh của họa sĩ nổi tiếng này thì sao?

Sau một thời gian, bức tranh được treo ở Sở Văn hóa Thành phố được tiếng lành đồn xa đến tai Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng MTVN mới cử người về đàm phán với Sở VHTT Nam Định cho phép bê bức tranh mang về Bảo tàng MTVN trưng bày để cả nước và cả thế giới biết đến bức tranh đẹp này. Nhưng Nam Định nhất định không chịu, nói họa sĩ đã vẽ cho Nam Định thì bây giờ Tháp Phổ Minh là tài sản riêng của Nam Định, không bê đi đâu sất. Bảo tàng MTVN phải nghe thôi, song lại lóe lên sáng kiến. Không cho bê đi thì xin chép lại một bản y chang vậy. Đến nước này thì Nam Định buộc phải gật đầu. Bèn lật bức tranh lại đóng kính thưa các loại dấu và chữ ký các sở coi như niêm phong bản chính. Bây giờ ở bảo tàng MTVN có bức tranh tháp Phổ Minh vẫn đang treo ở đó nhưng là bức chép lại do chính họa sĩ Nguyễn Sáng và họa sĩ Hoàng Đình Tài - học trò của Nguyễn Sáng - thực hiện. Bản chép này được cho là không thể nào xuất sắc bằng bản chính. Bản chính khổ nhỏ hơn, cảm xúc nhiều hơn.

Năm 1996, có hai ông họa sĩ quyết định về Nam Định xem thực hư ra sao. Vì có tin đồn bức tranh Tháp Phổ Minh bị hạ xuống kê làm bàn đánh bóng bàn cho cán bộ. Không thể nào tin được người ta mang một "tài sản riêng của tỉnh Nam Định, một báu vật quốc gia" đi làm bàn đánh bóng bao giờ.

Về đến nơi, hai ông họa sĩ phi thẳng đến hiện trường thì may quá bức tranh đã được treo lại đúng ở phòng khách của Nhà khách Tỉnh ủy. Còn ở một phòng khác trong Nhà khách là bàn bóng mới toanh. Bức tranh thì đen thui vì bụi bám dày. Hỏi: Đã bao giờ vệ sinh bảo quản tranh chưa? Ông giám đốc Nhà khách Tỉnh ủy rất thật thà nói chưa, vì không dám động vào, sợ làm không đúng thì hỏng mất tranh. Hai ông họa sĩ nhờ tìm cái khăn bông mềm thấm nước, lau chùi một hồi thì bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng lại sáng bừng lên đẹp đẽ. Thấy cả vết véc ni người ta đánh bóng khi làm không tháo khung ra mà để nguyên cả khung để đánh véc ni.

Lần này, hai ông họa sĩ (sau này khá nổi tiếng về tranh sơn mài) đề nghị chuyển tranh về Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định chứ để thế này ở Nhà khách Tỉnh ủy thì số phận một bức tranh quý sẽ chẳng biết ra sao. Phí lắm.

Rồi thì những họa sĩ cũng lại phải về Hà Nội, vì chuyện tài sản riêng của tỉnh Nam Định chỉ có Nam Định mới quyết định được. Sau còn nhiều chuyện về bức tranh này, có cả chuyện thương lượng giá bao nhiêu thì mới được khuân tranh đi. Nhưng thôi, chỉ nói sơ sơ vậy để hiểu mỗi bức tranh nổi tiếng đều có số phận bảy nổi ba chìm hệt như người đàn bà nhan sắc.

Từ đó đến nay đã mấy chục năm. Vừa rồi mới được nghe thêm một lần nữa về bức Tháp Phổ Minh này. Đã có nhiều lần vào bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xem tranh nhưng do trình kém nên không chụp lại được bức nào tử tế. Phải nhờ cụ Phạm Long, nhà nghiên cứu mỹ thuật, tìm hộ một bức ảnh. Chứ nhờ ông Gu Gồ cũng không thấy. Kể ra cũng hơi lạ cho một tác phẩm quý.

Ước gì mấy ông bạn vàng đang là lãnh đạo Thành phố Nam Định khi nào đó mở cửa cho tôi xem lại tác phẩm chính thì hay biết mấy. Nhỉ? Quyết định số phận một bức tranh quý hiếm nằm trong tay các ông lãnh đạo nơi này cả. Nhiều khi công hay tội với một tác phẩm nghệ thuật cũng chỉ là một khoảnh khắc quyết định thôi. Chỉ là có dám quyết không?

Thủy Hướng Dương - Phạm Quang Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thuc-hu-ve-buc-tranh-chua-thap-pho-minh-da-tung-bi-ha-xuong-lam-ban-danh-bong-ban-72936