Thực hư việc ăn chay chữa được ung thư

Hiện nay, các báo cáo đánh giá tác động của của chế độ ăn chay đối với nguy cơ ung thư còn nhiều bất đồng, do đó cần có nhiều nghiên cứu để có thể làm rõ hơn.

Trên thực tế, chưa thể kết luận một cách chắc chắn rằng ăn chay có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư. Nguồn: yourveganfamily.

Hiện nay, số người theo chế độ ăn chay ngày càng nhiều, kéo theo việc tìm kiếm thông tin cho chế độ ăn này cũng đặc biệt được quan tâm. Bên cạnh những người ăn chay theo tôn giáo, văn hóa hoặc các vấn đề đạo đức, nhiều người cho rằng ăn chay có thể cải thiện sức khỏe, đặc biệt là trong việc phòng và điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng một cách khoa học chế độ ăn này cũng như đánh giá đúng lợi ích của nó lên sức khỏe vẫn còn hạn chế.

Người ăn chay (vegetarian) được định nghĩa là những người không ăn thịt, gia cầm hay cá. Tuy nhiên, chế độ ăn này cũng được phân ra thành nhiều nhóm phụ như: chỉ ăn rau và hoa quả (vegetarian diet); chỉ ăn rau quả và các sản phẩm của động vật như trứng, sữa (lacto-ovo-vegetarian diet); chỉ ăn rau quả và cá (pesco- vegetarian diet).

Ngoài ra cũng có thể phân chia thành hai nhóm chính là chế độ ăn chay loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ động vật và chế độ ăn dựa trên thực vật (vẫn tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật nhưng với tỷ lệ nhỏ).

Ăn chay và ung thư

Chế độ ăn chay và ung thư

Có nhiều ý kiến khác nhau về tác động tích cực của ăn chay đối với ung thư. Năm 2016, một nghiên cứu tổng hợp của nhóm các nhà khoa học Ý đã kết luận: Việc loại bỏ hoàn toàn bất kỳ nguồn protein nào từ khẩu phần ăn đều không mang lại lợi ích về sức khỏe (ở đây là nguy cơ ung thư) mà nên ăn nhiều rau, quả, hạt và bổ sung một lượng protein từ động vật”.

Bài nghiên cứu được thực hiện từ 6 nhóm độc lập với khoảng 686.629 người tham gia, trong đó có các bệnh nhân ung thư vú (3.441 người), ung thư đại trực tràng (4.062 người) và ung thư tuyến tiền liệt (1.935 người), cho thấy không có mối liên quan đáng kể nào giữa việc giảm nguy cơ của 3 loại ung thư trên giữa người ăn chay (chỉ ăn rau, quả, hạt) và không ăn chay.

Tuy nhiên, nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn ở 2 nhóm lacto- ovo-vegetarian (ăn chủ yếu là rau và có bổ sung trứng sữa) và nhóm pesco-vegetarian (ăn nhiều rau và cá) khi so sánh với nhóm ăn thịt 2).

Một nghiên cứu khác được khảo sát trên quần thể người dân Anh (khoảng 60.310 người) so sánh số lượng người tử vong giữa nhóm ăn chay và nhóm không ăn chay, thông qua đó đánh giá sự ảnh hưởng của chế độ ăn đến các bệnh lý như ung thư, tuần hoàn, hô hấp.

Theo kết quả, nghiên cứu đã kết luận rằng: Mặc dù kết quả không có sự khác biệt đáng kể nếu gom chung các yếu tố nguy cơ, nhưng ở từng loại riêng biệt lại cho thấy nhóm ăn chay hay nhóm ăn ít thịt có nguy cơ thấp hơn ở một số loại ung thư như ung thư tuyến tụy và ung thư máu khi so với nhóm ăn thịt.

Bên cạnh các ý kiến cho rằng ăn chay có tác động tích cực, cũng có nghiên cứu cho thấy việc ăn chay cũng cần phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến di truyền. Có thể xem xét đến nghiên cứu giữa quần thể người dân Mỹ với chế độ ăn thịt và quần thể người dân Ấn Độ ăn chay qua nhiều thế hệ cho thấy có sự khác biệt về gene FADS2 và FADS1 (nhũng gene chịu trách nhiệm mã hóa các enzyme tổng hợp các acid béo mạch dài chưa bão hòa như Arachidonic acid -ARA).

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, người ăn chay duy trì hàm lượng ARA cao hơn người ăn thịt. ARA có khả năng kích hoạt các phản ứng viêm và các con đường tín hiệu cho phép tế bào ung thư phát triển. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng người ăn chay có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người ăn thịt. Đây là một trong các báo cáo cho thấy chế độ dinh dưỡng có khả năng tác động đến di truyền và con người sẽ hình thành các đặc điểm thích nghi phù hợp với lối sống.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh khả năng là tổn thương đến sức khỏe sẽ tăng lên nếu như đột ngột thay đổi chế độ từ ăn chay sang thịt ở những người ăn chay qua nhiều thế hệ).

Chế độ ăn chay có nên áp dụng cho bệnh nhân ung thư đang điều trị hoặc phục hồi?

Theo khuyến cáo về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư của The European Society for Clinical Nutrition and Metabolism - ESPEN (Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng và Chuyển hóa Châu Âu) và European Partnership Action Against Cancer (Hiệp hội Chống ung thư Châu Âu): Nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư và không khuyến khích sử dụng chế độ ăn keto hay bỏ đói cơ thể.

Ngoài ra, hướng dẫn cũng đề cập đến việc bệnh nhân tự ý sử dụng vitamin hay vi khoáng liều cao có thể làm tăng nguy cơ tử vong hoặc đáp ứng điều trị kém. EPSEN khuyến khích mọi người nên tăng cường ăn nhiều rau, quả, các loại hạt, cá, protein từ trứng, sữa và dầu cá. Cần tiêu thụ ít các loại thịt đỏ, đồ uống có cồn và thức ăn nhanh.

Cũng có khuyến cáo tương tự với ESPEN, Hiệp hội Dinh dưỡng Tiêu hóa và Ngoài tiêu hóa Hoa Kỳ (American Society for Parenteral and Enteral Nutrition – ASPEN) cho biết chưa có các bằng chứng cụ thể cho thấy rằng liệu pháp dựa trên chế độ ăn (therapeutic diets) hiệu quả và an toàn trong việc điều trị ung thư. Có các chế độ thực dưỡng sau:

- Chế độ ăn thực dưỡng (rất ít chất béo, ăn nhiều chất xơ, giảm calorie).

- Chế độ ăn Gonzalez Regimen (uống liều cao các men tụy, các chất dinh dưỡng bổ sung, áp dụng các biện pháp thải độc, và chế độ ăn hữu cơ).

- Chế độ ăn Gerson (ăn chay cỏ sử dụng các thực phẩm từ động vật như trứng, sữa; thấp natri, béo, protein, cao kali, rau quả sống/nước ép trái cây; và thải độc bằng cà phê.

Hiện tại không có bất kỳ công bố có giá trị nào ở thời điểm này cho thấy tính hiệu quả và an toàn của các phương pháp này trong điều trị ung thư. Chính xác hơn, các phương pháp này có thể mang lại kết quả xấu do sai khác đáng kể với các khuyến cáo dinh dưỡng vì vậy, các chế độ ăn này được xem như là những nhận định sai lầm và dinh dưỡng” đang được phổ biến đến bệnh nhân.

ASPEN cũng cho rằng việc bổ sung acid béo omega-3 có thể giúp ổn định cân nặng và giảm các phản ứng viêm cho bệnh nhân ung thư).

Trên thực tế, chưa thể kết luận một cách chắc chắn rằng ăn chay có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư. Người khỏe mạnh và bệnh nhân ung thư cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh bên cạnh chế độ ăn đầy đủ với chế độ ăn nhiều rau xanh, quả và hạt. Không có một khuyến cáo nào cho việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ động vật như thịt, cá hay các sản phẩm từ sữa đối với bệnh nhân ung thư.

Dầu cá bổ sung acid béo omega-3 được khuyến khích trong khẩu phần ăn của bệnh nhân ung thư. Hơn thế nữa, nhiều khuyến cáo từ các tổ chức dinh dưỡng trên thế giới cho thấy rằng, áp dụng ăn kiêng trong quá trình điều trị ung thư có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đáp ứng điều trị.

Mặt khác, cần cân nhắc tình hình sức khỏe bản thân và ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ khi áp dụng chế độ ăn chay, đặc biệt trong trường hợp đang mắc bệnh hoặc đang mang thai.

Ruy băng tím - Nguyễn Thái Anh Thư / Sài Gòn Books - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-hu-viec-an-chay-chua-duoc-ung-thu-post1363630.html