Thực hư vụ phá rừng làm dự án khu du lịch sinh thái Thác Bạc – Suối Sao?

Trái với thông tin Công ty CP Du lịch KOVA phá rừng để xây dựng khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao tại 2 xã Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận. Cơ quan chức năng và người dân địa phương cho đến nay vẫn không phát hiện bất cứ dấu hiệu phá rừng.

Không có chuyện phá rừng

Dự án khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao tại xã Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội) do Công ty TNHH Phú Bình (nay là Công ty CP Du lịch KOVA) làm chủ đầu tư và được triển khai thực hiện từ năm 2002. Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có mô 59,2ha; giai đoạn 2 có quy mô là 233 ha và được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt nhiệm vụ chi tiết tỷ lệ 1/500.

Quá trình thực hiện thủ tục pháp lý giai đoạn 2, do chuyển đổi địa lý, 2 xã Yên Trung và Yên Bình sáp nhập về huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Giai đoạn 2 của dự án phải tạm hoãn từ năm 2008 cho đến nay để chờ khớp nối với quy hoạch chung Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án này vướng vào tin đồn phá rừng để xây dựng các công trình tâm linh, ảnh hưởng đến quy hoạch cũng như tác động đến môi trường rừng.

Để làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã về các xã Yên Bình, Yên Trung – nơi dự án này đang tọa lạc. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thu thập thông tin, ghi nhận ý kiến từ người dân và các cơ quan chức năng vẫn không ghi nhận được bất cứ thông tin nào về tình trạng phá rừng diễn ra tại dự án này.

Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao là dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế xã hội khu vực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh kết hợp du lịch cho nhân dân phía Tây Thủ đô

Ông Cấn Đức Hồng – Phó Trưởng thôn Xuống (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) khẳng định không có chuyện khai phá rừng trái phép diễn ra ở dự án: “Tôi làm công tác thôn nên tôi nắm bắt rõ rừng mét đất rừng. Làm gì có chuyện phá rừng diễn ra ở đây? Từ ngày xã này còn thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình cho đến nay, tôi không thấy diện tích rừng có gì thay đổi. Thậm chí, nếu so sánh với trước kia, độ che phủ rừng ở khu vực này còn có độ bao phủ tốt hơn trước kia”.

Ông Cấn Đức Hồng – Phó Trưởng thôn Xuống, xã Yên Bình.

Làm gì có chuyện phá rừng diễn ra ở đây? Từ ngày xã này còn thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình cho đến nay, tôi không thấy diện tích rừng có gì thay đổi. Thậm chí, nếu so sánh với trước kia, độ che phủ rừng ở khu vực này còn có độ bao phủ tốt hơn trước kia.

Lý giải về việc này, ông Hồng cho rằng: “Đây là rừng sản xuất, trước khi có dự án người dân cứ trồng rồi lại khai thác, nhiều khi hiệu quả kinh tế không tốt, nhiều hộ gia đình còn bỏ hoang, đất trống, đồi núi trọc. Từ khi, dự án này triển khai, công ty bố trí người chăm sóc, trồng thêm nhiều loại cây để tạo cảnh quan sinh thái nên độ che phủ tốt hơn xưa nhiều”.

Ông Hồng còn cho biết thêm rằng: “Nói không phải khen, từ khi công ty về đây, ít nhiều cũng tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhiều người trong thôn này được công ty sắp xếp cho làm bảo vệ, làm nhân viên vệ sinh, trồng và chăm sóc cây nên đời sống cũng ổn hơn xưa nhiều. Nếu khu du lịch được kết nối, hoàn thiện các giai đoạn sớm hơn thì sẽ trở thành điểm nhấn của khu vực, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm thêm cho người dân vùng núi như chúng tôi”.

Ông Nguyễn Văn Chung – Trưởng thôn Đồng Sủng (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) cũng khẳng định không thấy chuyện phá rừng: “Dự án khu du lịch sinh thái có từ lâu rồi! Từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, chúng tôi không thấy hiện tượng phá rừng. Trước đây, đất này chủ yếu là đất trống, đồi trọc, người dân chủ yếu sử dụng trồng sắn. Sau khi công ty thực hiện dự án, đầu tư vào thì thêm nhiều cây xanh, nhiều loại gỗ quý hiếm được gieo trồng. Mật độ che phủ tốt, xóa đất trắng đồi trọc, hạn chế việc xâm hại, phá rừng hơn xưa nhiều. Hơn nữa, từ khi công ty về, người dân ngoài nông lâm nghiệp thì còn tạo công ăn việc làm, riêng thôn này có 40 người đang làm cho công ty, có mức thu nhập ổn định”.

Một góc khu du lịch sinh thái Thác Bạc - Suối Sao gần gũi, thân thiện với môi trường rừng sản xuất

Ông Chung cũng cho biết thêm: “Chúng tôi rất mong khu du lịch sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác chính thức để tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân. Chứ người dân ở đây công việc chủ yếu là trồng rừng sản xuất, thời gian trống vẫn nhiều, thu nhập còn thấp, nếu khu du lịch đưa vào khai thác tôi nghĩ ngoài việc kinh tế địa phương phát triển hơn, đời sống người dân cũng thay đổi theo hướng tốt hơn”.

Ông Nguyễn Văn Chung – Trưởng thôn Đồng Sủng, xã Yên Trung.

Đất này trước kia chủ yếu là đất trống, đồi trọc, người dân chủ yếu sử dụng trồng sắn. Sau khi công ty thực hiện dự án, đầu tư vào thì thêm nhiều cây xanh, nhiều loại gỗ quý hiếm được gieo trồng. Mật độ che phủ tốt, xóa đất trắng đồi trọc, hạn chế việc xâm hại, phá rừng hơn xưa nhiều.

Từ phía cơ quan quản lý rừng, Chi cục kiểm lâm sau khi tiếp nhận thông tin phá rừng đã tiến hành kiểm tra, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, sau quá trình kiểm tra vẫn không phát hiện dấu hiệu nào của việc phá và khai thác rừng trái phép.

Cụ thể, ngày 19/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã có văn bản 1135/SNN-KL về việc chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng của Công ty cổ phần du lịch KOVA tại xã Yên Trung và Yên Bình. Kết quả kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Sơn Tây (Chi cục Kiểm lâm) cho thấy tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện hành vi phá rừng và khai thác rừng trái phép của công ty này.

Trồng và bảo vệ rừng là chiến lược phát triển

Trao đổi với PLVN, đại diện Công ty CP Du lịch KOVA cho biết: Khu Du lịch Thác Bạc Suối Sao là Khu du lịch văn hóa tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Để phục vụ mục đích đầu tư, khai thác Dự án, tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch, Công ty CP Du lịch KOVA có chủ trương chỉ trồng rừng và phát triển rừng để khai thác môi trường sinh thái, không khai thác cây rừng. Kể từ năm 2010 đến nay, ngoài việc tiếp tục duy trì, bảo vệ, chăm sóc cây rừng đã có, Công ty CP Du lịch KOVA tiếp tục phát triển tăng mật độ cây xanh cho dự án, trồng bổ sung 1 số loại cây và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ rừng theo quy định.

Dẫn chứng về việc chỉ trồng thêm rừng chứ không phá rừng, đại diện Công ty CP Du lịch KOVA cho biết: Công ty đã liên tục trồng thêm 4,5 ha cây Giáng Hương: 4.5 ha, 9 ha Sao Đen, 15 ha Xà Cừ, 20 ha Re, 3 ha Chiêu Liêu, 5 ha Giổi, 3 ha Trò... đồng thời, thực hiện dự án chuyển đổi cây bạch đàn, keo bằng cây Lát, Mít, Trám, Sấu trên diện tích 12,5ha... Tất cả các loại cây đã trồng đều có tuổi thọ từ 3 - 7 năm, có tuổi thọ cao, có giá trị kinh tế và giá trị sinh thái cao, trồng rừng có độ che phủ tốt, tán đẹp, xanh quanh năm, giữ nước chống xói mòn.

Ngoài ra, công ty CP Du lịch KOVA còn trồng thêm các loại cây hoa, thảo dược như Đinh Lăng, Xạ Đen làm băng xanh cản lửa phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), vừa làm dược liệu phục vụ cho khu du lịch sinh thái.

Từ năm 2010 đến nay, Công ty CP Du lịch KOVA liên tục phát triển tăng mật độ cây xanh cho dự án, trồng bổ sung hàng loạt cây gỗ quý hiếm trên diện tích hàng chục ha.

Để bảo vệ, phát triển rừng, ngoài việc chăm sóc, trồng mới, Công ty CP Du lịch KOVA còn trú trọng, tập trung cho công tác PCCCR. Hiện nay, công ty đã lập đội bảo vệ rừng gồm 12 người có nhiệm vụ kiểm tra, canh gác rừng 24/24h. Hằng năm vào mùa khô, công ty tổ chức thực hiện phát băng cản lửa PCCCR. Đồng thời, xây dựng, kè một số hồ nước nhân tạo, bể nước phục vụ công tác trồng rừng và PCCCR. Ngoài ra, hằng năm, công ty phố hợp với lực lượng chức năng, tổ chức tập huấn PCCCR, lập phương án PCCCR…

Để phục vụ mục đích đầu tư, tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch, Công ty CP Du lịch KOVA chủ trương chỉ trồng rừng và phát triển rừng để khai thác môi trường sinh thái, không khai thác cây rừng

Dự định sắp tới, công ty CP Du lịch KoVA sẽ trồng phủ xanh tiếp khoảng 15 ha đất rừng thuộc sự quản lý của Công ty bằng các loài cây lâu năm và chuyển đổi 5 ha rừng keo già đang chết dần sang trồng các loài cây có tuổi thọ cao, có giá trị kinh tế, cảnh quan tốt hơn.

“ Việc phát triển rừng là mục tiêu then chốt nhằm tạo cảnh quan, môi trường bền vững để phục vụ du khách. Vì vậy, chúng tôi chỉ trồng thêm rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng để phục vụ khai thác sinh thái theo hướng bền vững và lâu dài. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng mật độ cây rừng bằng việc khai thác tán rừng để trồng cây phù hợp có giá trị cao như cây dược liệu, hình thành các khu vực rừng cây nhiều lớp, mật độ phủ xanh có thể đạt 150 – 180%”, đại diện công ty CP Du lịch KOVA nói.

Quan Thanh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/thuc-hu-vu-pha-rung-lam-du-an-khu-du-lich-sinh-thai-thac-bac-suoi-sao-d98393.html