Thực lực quân sự Mỹ - Iran

Iran tuy thua kém Mỹ về tiềm lực quân sự nhưng giới chuyên gia nhận định Tehran sẽ dựa vào các lực lượng ủy nhiệm và bán vũ trang để chiến đấu trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

Lược đồ phân bổ lực lượng Mỹ và Iran trong khu vực - Ảnh: Nguồn: Graphic News/Đồ họa: Thái Nguyên/Phúc Duy

Vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái (UAV) của Mỹ tại vùng Vịnh mới đây đã khiến tình hình khu vực leo thang căng thẳng, đẩy nguy cơ chiến tranh lên mức báo động. Tổng thống Mỹ Donald Trump dù hoãn lại kế hoạch tấn công đáp trả nhưng cũng tuyên bố rằng phương án hành động quân sự đối với Iran vẫn còn nằm trên bàn.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận cùng oanh tạc cơ B-52 tại biển Ả Rập hồi đầu tháng 6 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Sức mạnh quân sự của Mỹ

Theo bảng xếp hạng thực lực quân sự của Global Fire Power, Mỹ hiện đứng vị trí số 1 trong tổng số 137 nước được xếp hạng với ngân sách quốc phòng 716 tỉ USD.

Quân đội Mỹ có 1.281.900 lính cùng 860.000 lính dự bị. Tổng số máy bay là 13.398 trong đó có 5.193 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, 6.287 xe tăng, 39.223 xe chiến đấu bộ binh, 1.856 khẩu pháo. Hải quân có 415 tàu trong đó có 24 tàu sân bay (tính luôn các tàu đổ bộ chở trực thăng), 68 tàu ngầm, 68 tàu khu trục, 22 tàu hộ tống...

Theo trang tin hải quân Mỹ USNI News, hải quân Mỹ hiện triển khai 28.000 lính tại khu vực Trung Đông, nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác. Hồi tháng 5, Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Linncoln, oanh tạc cơ B-52, tên lửa phòng không Patriot và mới đây là nhóm tàu tấn công đổ bộ USS Boxer đến khu vực. Ngoài ra, Mỹ còn có lực lượng binh lính đồn trú tại nhiều căn cứ ở các nước quanh Iran.

Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer đi qua Thái Bình Dương hồi tháng 3 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Sức mạnh quân sự của Iran

Trong khi đó, Iran hiện xếp thứ 14 trên bảng xếp hạng của Global Fire Power với ngân sách quốc phòng 6,3 tỉ USD. Quân đội Iran hiện có 523.000 lính cùng 350.000 lính dự bị.

Nước này sở hữu 509 máy bay trong đó có 307 máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ, 1.634 xe tăng, 2.698 khẩu pháo. Hải quân Iran có 398 tàu trong đó có 34 tàu ngầm và 9 tàu hộ tống. Ngoài ra, Iran được cho là còn hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở nhiều nước trong khu vực như Afghanistan, Iraq, Li Băng, Syria, Yemen...

Tên lửa đạn đạo Shahab 3 của Iran, có tầm bắn 2.000 km - Ảnh: Reuters

Mặc dù thua kém tiềm lực so với Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực, nhưng Iran vẫn được xem là mối đe dọa nguy hiểm vì nước này dựa vào chiến lược chiến tranh không cân xứng.

Một điểm trọng tâm trong chiến lược phòng thủ của Iran là “phòng thủ tuyến đầu” (forward defense), được lực lượng đặc nhiệm Quds Force của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đảm trách, theo Đài Deutsche Welle.

Tên lửa hành trình Soumar có tầm bắn lên tới 2.500 km - Ảnh chụp màn hình The Times of Israel

Cách thức là sử dụng các lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn ở các nước trong khu vực, còn gọi là “trục kháng chiến” để làm suy yếu, ngăn cản và đưa các cuộc chiến ra xa lãnh thổ Iran.

Những lực lượng đáng kể trong nhóm này gồm lực lượng PMU đang chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq; lực lượng bán quân sự người Shiite ở Syria; phong trào Hezbollah ở Li Băng; lực lượng Houthi ở Yemen và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) cùng phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chịu trách nhiệm thiết lập các phòng tuyến ở bên ngoài lãnh thổ nước này - Ảnh: AFP

Trọng tâm thứ hai trong chiến lược phòng thủ của Iran là kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung có khả năng đánh trúng mọi đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, thậm chí là một phần của châu Âu. Theo AP, Iran là một trong những nước sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông với gần 1.000 tên lửa tầm ngắn và trung được triển khai trong đó tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab 3 có tầm bắn 2.000 km trong khi tên lửa hành trình Soumar có tầm bắn 2.500 km.

Vi Trân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/thuc-luc-quan-su-my-iran-1096577.html