'Thực nghiệm giáo dục gì đến mấy chục năm!'

Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng về sử dụng lãng phí sách giáo khoa, chương trình thực nghiệm…

Ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về một dự án luật được dư luận hết sức quan tâm: Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu (ĐB) QH bày tỏ những băn khoăn, lo lắng xung quanh vấn đề “quốc sách hàng đầu” này.

Mỗi năm tốn 1.000 tỉ đồng cho sách giáo khoa

Quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa (SGK), Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri phản đối việc sử dụng SGK một lần, rất lãng phí. Bà Hải dẫn chứng năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK, số sách này năm sau không được sử dụng. “Mỗi năm phụ huynh phải chi trung bình 1.000 tỉ đồng để mua SGK nhưng chỉ sử dụng một lần. Ví dụ như tiểu học mua ít nhất sáu cuốn, mỗi cuốn giá 45.000-78.000 đồng; THCS 7-13 cuốn, mỗi cuốn 97.000-144.000 đồng” - bà Hải dẫn chứng chi tiết.

Theo bà Hải, đây là vấn đề cử tri nói rất nhiều lần, ĐBQH cũng nói với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhiều lần. “Đề nghị Bộ trưởng quan tâm vấn đề này. Đây cũng là vấn đề cử tri viết thư, nhắn tin, gọi điện thoại liên tục cho tôi” - Trưởng ban Dân nguyện nói.

Cũng liên quan đến câu chuyện SGK, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm nên thống nhất một loại SGK, không thể trường thích chọn SGK nào thì chọn, địa phương thích chọn SGK nào thì chọn. Vì nếu làm vậy sẽ dẫn đến cục bộ và giáo dục đó là không toàn diện.

“Không thể SGK do nhà trường tự lựa chọn, một môn học có nhiều SGK. Điều này có thể xảy ra tiêu cực rất lớn. Giáo viên gợi ý thì học sinh (HS) phải mua” - ông Tỵ nói và cho rằng chương trình giáo dục hiện nay đang gây áp lực cho HS.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ và Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (từ trái sang) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN-VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ và Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (từ trái sang) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN-VGP

HS không có hè, không có tuổi thơ...

Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần nghiên cứu giảm tải ngay các chương trình trong môn học phổ thông, để HS có thời gian vui chơi, giúp gia đình. Những môn mang tính chất hàn lâm có thể đưa ra khỏi chương trình. “Học gắn với thực hành, học mà chơi, chơi mà học. Đọc Dế mèn phiêu lưu ký cũng phải biết con dế mèn là gì. Nhìn các cháu học mà thương các cháu, tí tuổi đầu đã cận thị. Chứ cứ nhồi nhét, các cháu thì đua nhau, phụ huynh đua nhau, con người ta học, con mình không học, về khóc lóc sợ cô giáo không cho đến lớp… cũng chết” - ông Tỵ chia sẻ.

“Tôi thấy rất thương trẻ con, HS bây giờ học rất khổ sở” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ. Bà Ngân kể thế hệ của bà học cách đây 50-60 năm nhưng kiến thức không quên gì, trong khi ba tháng hè vẫn trọn vẹn. “Bây giờ làm gì có hè! Không có hè, không có tuổi thơ, không có vui chơi” - Chủ tịch QH nói.

Theo Chủ tịch QH, cải cách như thế nào phải đổi mới căn bản, toàn diện nhưng sau khi đổi mới phải có tính ổn định và tính thống nhất, đồng bộ, không thể có SGK tự chọn, trường này muốn học sách này, trường khác lại học sách khác.

“Thực nghiệm gì mấy chục năm rồi anh Nhạ (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ) ơi! Thời anh còn là sinh viên chắc đã thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mấy chục năm rồi mà vẫn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm. Khổ lắm!... Thực nghiệm, đổi mới nhiều quá mà không biết kinh nghiệm ở đâu, làm khổ HS” - Chủ tịch QH nói.

Trình xin nguyên tắc miễn học phí

Một vị phó chủ tịch QH khác, ông Phùng Quốc Hiển, đặt câu hỏi: “Nghị quyết QH nêu rõ trong thời gian trước mắt không ban hành chính sách nhưng tôi đọc dự luật thấy có nhiều chính sách mới. Nếu thực hiện các chính sách này thì dự toán kinh phí ra sao trong tình hình ngân sách đang eo hẹp, bội chi cao, nợ công tăng?”.

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết khi chuyển từ việc sửa đổi một số điều sang sửa toàn diện Luật Giáo dục, có hai nội dung Bộ cân nhắc kỹ. Thứ nhất là chính sách miễn học phí cho trẻ em năm tuổi và THCS; thứ hai là chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập. “Báo cáo tác động có phân tích, số tiền để miễn học phí và cấp hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập vẫn nằm trong giới hạn 20% ngân sách nhà nước” - ông Nhạ nói.

Trả lời về chính sách tài chính trong giáo dục phổ thông nói chung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Nguyên lý của giáo dục phổ thông trên thế giới là nhà nước lo phần giáo dục căn bản, phổ cập. Phần bồi dưỡng tài năng, năng khiếu đặc biệt có sự tham gia nhiều của xã hội, còn phân khúc giáo dục chất lượng cao ở các nước chủ yếu do các trường được thành lập bởi tư nhân. Trong khi đó, tại Việt Nam, các trường chuyên, lớp chọn, giáo dục chất lượng cao hầu hết đều thuộc công lập. Vì vậy, chi ngân sách cho giáo dục chiếm tới 20% nhưng chi thường xuyên, tiền lương cơ bản đã lên đến 80%-90% của số này rồi.

“Việc sửa luật lần này cần huy động thêm nguồn lực xã hội vào các trường phổ thông nhưng không thể tư nhân hóa, bằng cách giao tự chủ, tự quản trị trong các trường phổ thông, bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội đi học, nhất là trong diện phổ cập” - Phó Thủ tướng nói.

Đối với việc miễn học phí, ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện ở cấp học được phổ cập. Tại Việt Nam, hiện chúng ta đã hoàn thành phổ cập THCS và đang có lộ trình hoàn thành phổ cập THPT, tuy nhiên mới chỉ miễn học phí bậc tiểu học.

Phó Thủ tướng cho biết vấn đề này đã được đưa ra bàn nhiều lần trong Chính phủ và đi đến quyết định trình UBTVQH về nguyên tắc miễn học phí. Còn lộ trình thực hiện tùy thuộc vào trình độ phát triển và khả năng cân đối ngân sách nhưng không vượt quá 20% chi ngân sách cho giáo dục.

Với dự án luật có phạm vi tác động sâu rộng như Luật Giáo dục, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phải sắp xếp thời gian để tiếp tục thảo luận.

Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập đến chuyện thí điểm, thực nghiệm và hỏi: “Làm thử có thành công, có thất bại nhưng thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là trong cải cách tiếng Việt, tôi muốn biết quan điểm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong việc này như thế nào?”.

Trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giáo dục là vấn đề xã hội luôn quan tâm, khi có một sự kiện giáo dục thì cộng đồng xã hội quan tâm góp ý. “Tôi cho rằng đó là điều rất tốt” - Phó Thủ tướng nói. Ông cũng nhắc việc gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học, hay năm trước là chuyện về công trình nghiên cứu của nhà khoa học Bùi Hiền.

“Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Tranh luận vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, phát âm cho trẻ lúc mới bắt đầu chứ không phải cải cách tiếng Việt” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, liên quan đến giáo dục, dù quốc tế đánh giá tốt thì không có nghĩa mình không đổi mới. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới liên quan đến vấn đề thử nghiệm trong giáo dục, chúng ta phải làm rất thận trọng… “Đã đổi mới thì phải có thử nghiệm nhưng tôi khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vòng mấy năm tới” - Phó Thủ tướng tái khẳng định.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/thuc-nghiem-giao-duc-gi-den-may-chuc-nam-792066.html