Thực phẩm bẩn – Ai thiệt hại?

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là nỗi bất an của người tiêu dùng, khi càng ngày càng có nhiều sự việc diễn ra xung quanh thực phẩm bẩn. Những hình ảnh, video phát hiện những thực phẩm không nguồn gốc, thực phẩm hư, thối,... được ghi lại càng khiến cho họ hoang mang hơn. Đỉnh điểm trong những ngày vừa qua khi vấn đề thực phẩm bẩn khiến cho người tiêu dùng nghi ngờ sự an toàn của mọi thứ xung quanh mình. Ăn gì cũng chết, vậy ăn gì đây?

Vừa qua, nhiều hình ảnh được đăng tải với những nội dung liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đầu tiên phải kể đến vụ việc nhà bếp trường Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) sử dụng thịt bẩn để chế biến thực phẩm cho các cháu nhỏ mẫu giáo ăn gây phẫn nộ. Cùng với đó là phát hiện ra số lượng bé bị nhiễm sán đang tăng lên. Những thông tin này khiến các bậc phụ huynh vô cùng phẫn nộ với hành động này của nhà trường. Tuy vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh sán ở các trẻ em là do đâu nhưng sử dụng thực phẩm bẩn, không an toàn cho các cháu nhỏ thực sự là một tội ác.

Cá nhiễm sán. Ảnh: Facebook

Cá nhiễm sán. Ảnh: Facebook

Tiếp theo câu chuyện này là những hình ảnh được chia sẻ một cách chóng mặt khi có một cô gái mua cá về chuẩn bị nấu canh và phát hiện ra những vật thể lạ bò lúc nhúc trong cá. Những con vật này được cho là sán ký sinh trong cá, hình ảnh này càng khiến cho người tiêu dùng hoang mang hơn khi những thức ăn xung quanh mình đều có nguy cơ nhiễm sán và thực phẩm không hề an toàn.

Không chỉ đối với cá, những sự việc liên quan đến thực phẩm bẩn như thịt lợn bị bệnh, thịt gà thối, thịt bò giả,... cũng gây hoang mang tiêu dùng không kém. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mọi người biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Và những thông tin được lan truyền như vậy khiến họ không thể nào an tâm cho sức khỏe của mình. Họ truyền tai nhau những câu nói đùa nhưng thực sự đau lòng “ăn gì cũng chết, vậy giờ biết ăn gì đây?”.

Thực phẩm bẩn - ăn gì cho an toàn

Thực sự, vấn đề thực phẩm bẩn luôn tồn tại bởi những người buôn không chân chính, sẵn sàng vì lợi nhuận mà làm hại dân tộc, làm hại đất nước mình. Song song với những thông tin gây nhiễu loạn tiêu dùng như vậy, những người làm ăn chân chính, nông dân khó mà sống nổi khi người tiêu dùng sẽ né những loại thực phẩm đã được dính vào những thông tin có thực phẩm bẩn. Người nuôi lợn sẽ chịu cảnh lợn rớt giá, không bán được, người trồng rau khó sống với những thông tin rau nhiễm thuốc trừ sâu, nhiễm hóa chất, người nông dân trồng cây ăn quả cũng khó mà bán đi được khi mọi người đều sợ thực phẩm bẩn và hạn chế tiêu dùng. Đối với nhiều hộ gia đình, những con heo, con gà, những vườn rau, vườn trái cây,... đều có thể là nguồn thu nhập chính, và khi những thông tin như thế này xuất hiện, họ gần như sống trong lo lắng việc thu nhập của mình có thể bị giảm xuống, hoặc thậm chí có thể lỗ. Những điều này đều do những thương lái, người buôn không tình người tạo nên. Một con sâu làm rầu nồi canh. Người nông dân chân chính thì lo lắng không bán được hàng, người tiêu dùng thì hoang mang sợ mua phải thực phẩm bẩn. Vậy phải làm sao đây?

An toàn thực phẩm là một vấn đề nan giải cần có phương án để khắc phục, khiến người tiêu dùng có thể phần nào yên tâm hơn với những gì mình đang lựa chọn cho bản thân, cũng như giúp cho những người bán có thể an tâm hơn khi sản phẩm sạch của mình không bị đánh đồng là bẩn.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/thuc-pham-ban-ai-thiet-hai-1390/