Thực phẩm hôi thối 'tấn công' làng đại học

Buổi sáng, tụi tui chở hàng bán ở khu vực KCN Sóng Thần, còn buổi chiều hàng ế thì bán ở làng đại học (ĐH) này. Tụi SV ở đây ăn uống dễ dãi lắm, hàng có mùi một chút cũng bán được tuốt! Nhiều bà chủ quán còn tranh nhau mua để chế biến cho SV ăn' - nhiều mối lái cung cấp thực phẩm cho làng ĐH (khu vực giáp ranh giữa xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thản nhiên cho biết như trên.

Kinh hoàng món "huyết xào giá"

Tờ mờ sáng, chúng tôi canh sẵn ở khu chợ SV (gần ngã ba dẫn vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn). Chiếc xe tải nhỏ mang biển số 60L-8995 từ từ dừng lại ngay trước quầy hàng thịt. Từ thùng xe, những bao thịt cỡ 10-20 kg được chuyển xuống giao cho các sạp trong chợ, và đây là nguồn cung cấp chủ yếu cho các quán cơm xung quanh làng ĐH. Thông thường, chủ quán không cần đi lấy, cứ đúng giờ mối đem hàng giao tận nơi theo số lượng và giá cả đã thỏa thuận. Theo điều tra của chúng tôi, nguồn thực phẩm cung cấp cho làng ĐH chủ yếu có xuất xứ từ một số lò giết mổ heo chui ở khu vực hồ cá SV (hồ cá này là khu vực đổ rác thải của cư dân sống quanh làng ĐH), còn lại do đội quân xe ba gác, xe máy không rõ nguồn gốc bỏ hàng. "Chẳng biết nguồn hàng trôi nổi như thế nào mà thịt gà có giá siêu rẻ, chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg, có khi là 5.000 đồng/kg, trứng thì 500-700 đồng/quả, tất cả đều không có kiểm dịch. Riêng thịt heo thì đến một con dấu của cơ sở giết mổ nào đó cũng không có!" - N.K, một SV đã từng làm thêm ở nhiều quán cơm tại đây tiết lộ.

Nơi rửa chén bát nhớp nhúa tại một tiệm cơm

8 giờ sáng cùng ngày, chúng tôi có mặt tại khu chợ cóc làng ĐH. Rất đông SV đang săm soi những miếng thịt và rau củ đã bị hàng trăm con ruồi bu bám đen kịt. Vì đây là chợ “chồm hổm”, tự phát nên bất cứ thứ gì từ thịt cá cho đến rau quả người ta đều trưng bày dưới đất. "Mua cá đi hai em, cá chị tươi lắm đây. Hàng mới tinh!" - chị hàng cá mời khách đi chợ nghe thật mát lỗ tai. Chúng tôi nhìn xuống chiếc khay nhôm đựng cá: toàn ruồi với ruồi, mấy con cá thì đã sình bụng mềm nhũn và bốc mùi hôi. Chúng tôi càng ớn lạnh hơn khi nhìn thấy nhung nhúc một đàn ruồi, thậm chí cả dòi đang ngọ nguậy trong thau đựng huyết đông ở một quầy bán hàng. Theo chúng tôi được biết, từ số huyết này, các quán cơm sẽ tận dụng để chế biến món "huyết xào giá" cho hàng ngàn SV tại đây!

Chén bát ở các quán cơm lúc nào cũng nhơn nhớt và tanh vì công nghệ rửa chén "nhúng nước rồi lấy lên"!

Thịt trộn... ruồi

16 giờ chiều, tấp vào quầy thịt, chúng tôi cầm chiếc tai heo đã khô quắt bên trong có cả chục con ruồi lên săm soi. Chị bán hàng nhanh nhảu xua tay đuổi mấy con ruồi lì lợm và rao khéo kiểu "hướng dẫn sử dụng trước khi dùng": "Về nhà em chỉ cần rửa qua nước muối là hết mùi ngay. Thịt còn tươi đảm bảo an toàn, không sao đâu". Quầy rau bên cạnh, hàng loạt loại củ, quả được dồn trong cả chục túi ni lông nằm ngổn ngang trên lớp bùn đất nhớp nhúa. "Số cà chua với mớ rau này bán không hết, vứt đi phí quá anh há!" - chỉ vào số hàng bị dập úng còn thừa trong sọt, chúng tôi hỏi anh chàng bán rau. Anh này trả lời: "Sao lại bỏ? Mấy thứ này các quán mua hết, vừa bán vừa cho, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Trông nhão nhoẹt vậy chứ mấy cô chủ quán cơm toàn dùng để nấu canh với chế biến món rau xào cho SV không đấy!". Cũng tại một quán ăn, chúng tôi chứng kiến mớ thịt hỗn tạp được xay nhuyễn trộn lẫn với ruồi nhặng bu quanh và tất nhiên, số thịt này không hề được rửa qua một lần nước nào. Không ít đầu bếp tại nhiều quán cơm cứ thế mà nhồi số thịt trên vào những trái khổ qua để nấu canh hoặc dùng để chế biến món sốt xíu mại với cà chua...

Thịt, cá ươn được tuồn về làng đại học mỗi ngày

Tại nhiều quán, thực phẩm nằm lẫn cùng các bao rác hoặc chỗ chế biến ngay cạnh nhà vệ sinh nên chuột bọ cứ thế bu đậu vào. Khi thực phẩm được mang đến, đầu bếp đổ lẫn lộn cá, thịt vào rổ, chỉ dội qua một gáo nước rồi cho lên nồi. Phèo, lòng, huyết... cũng chỉ được rửa qua loa. Với cách chế biến như vậy, thức ăn có mùi thum thủm là chuyện bình thường. Theo một SV hiện đang làm phụ quán ăn ở đây, sau mỗi bữa ăn, chủ quán thường tận dụng mọi loại nước còn lại từ đồ ăn thừa trộn vào nhau, bỏ thêm gia vị rồi nấu lại là thành món nước chan mới mặc dù không ít trong số đó đã bị thiu. Khâu nhặt rau trước khi chế biến cũng làm qua loa đến bất ngờ. Một điều đáng lo ngại không kém là việc sử dụng vô tội vạ các hóa chất, phẩm màu khi chế biến. Tương ớt, nước mắm hết hạn vẫn được sử dụng cũng xảy ra thường xuyên...

Vì các quầy bán thực phẩm đều không che đậy, nên chuyện SV ăn trúng phải ruồi là chuyện thường tình

Rửa chén "siêu tốc"

Có mặt từ lúc 5 giờ sáng ở làng ĐH, chúng tôi thấy trong tủ của nhiều hàng quán, nhiều thức ăn từ hôm trước còn lại như: măng xào ở quán N.D, chả cá, thịt ở quán S.V, X.T... Những thức ăn thừa này được bảo quản bằng cách dồn vào bịch nilon rồi cho vào thùng đá, rất ít quán có tủ đông đúng tiêu chuẩn. Còn "công nghệ" rửa chén dĩa ở đây mới thật sự kinh khủng! Một chậu nước cỡ 15 lít có thể rửa tới hàng trăm cái chén, dĩa. Nước chỉ được thay khi nào đã đặc quánh lại không thể rửa nổi. Chỗ rửa chén thì vô cùng bẩn và nhớp nhúa. Một lần ghé tiệm hủ tiếu ngay ngã ba KTX Tân Phú, chúng tôi thật sự "khớp" bởi cách rửa tô theo kiểu "nhúng nước lấy lên", đã vậy người ta còn nhúng theo từng chồng 8-9 cái, không hề dùng miếng cọ rửa cho sạch nên dầu mỡ vẫn bám lại trên thành bát, thậm chí dính cả rau và còn vương mùi tanh.

Thịt heo, gà ở đây hoàn toàn lấy từ những lò giết mổ chui

Thuốc tiêu chảy bán chạy!

Trong vai những SV đi thực hiện đề tài khoa học về an toàn thực phẩm, chúng tôi đã đến một số quầy thuốc Tây tại khu vực này và được nhiều chủ cửa hàng cho biết, mỗi ngày có đến vài chục SV đến mua thuốc cầm tiêu chảy, đau bụng do ngộ độc thực phẩm. Hằng tuần đều có mấy ca ngộ độc nặng phải nhập viện. Tối 13.4, theo chân một người bạn, chúng tôi tới thăm T. (ĐH Nông Lâm TP.HCM) tại khu nhà trọ. T. - nạn nhân mới đây của một vụ ngộ độc thực phẩm - kể: buổi chiều hôm đó, T. và 2 người bạn cùng đi ăn hủ tiếu gõ. Buổi tối về đau bụng dữ dội, đi ngoài nhiều lần. T. phải uống 2 liều thuốc mới đỡ đau. Tiếp chuyện với chúng tôi, mặt T. còn bơ phờ vì mệt mỏi: "Mình bị đau bụng nhiều lần mỗi khi đi ăn quán về, nhưng đây là lần nặng nhất. Chắc từ nay không dám ăn hủ tiếu nữa".

* Ông Lữ Văn Việt - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Dĩ An (Bình Dương): "Chúng tôi chỉ kiểm tra một số chợ gần gần đây thôi chứ ở khu vực làng ĐH xa xôi quá nên chưa "đụng" tới. Nhưng tôi nghĩ các trường ĐH chắc chắn cũng có quản lý vấn đề an toàn thực phẩm ở khu vực này chứ!".

* Ông Trần Minh Hải - Đội phó đội y tế dự phòng Q.Thủ Đức TP.HCM: "Chúng tôi có phân cấp cho trạm y tế của phường mỗi năm tiến hành kiểm tra 6-7 lần các hàng quán này, và kết quả đợt khảo sát gần đây nhất được cơ sở gửi lên thì tại khu vực làng ĐH không có quán nào vi phạm những điều khoản quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm" (?!)

Phóng sự điều tra của Trí Quang - Hải Văn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/thuc-pham-hoi-thoi-tan-cong-lang-dai-hoc-319703.html