Thức sắc màu mùi...

Sẵn nghệ trong tay, muốn ngả mùi nào cũng được.Giữ màu chiều khách, hễ trông sắc nước thời làm.

Đây là câu đối của nhà nho Vũ Tích Cống in trên tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ XX. Có mấy từ cần lưu ý nhưng đáng quan tâm nhất vẫn “mùi/ ngả mùi”. Thoạt đọc qua, ta đã ngờ ngợ gì đó chăng? Lại nữa, những ai yêu thích “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị hẳn còn nhớ đến hai câu cuối, qua bản dịch của Phan Huy Vịnh:

Lệ ai chan chứa hơn người

Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh

Có điều khiến chúng ta phân vân ở chỗ “mùi áo xanh”. “Mùi” thuộc về khứu giác, “áo xanh” thuộc về thị giác thì làm sao có thể kết hợp? Có phải do tuân thủ theo vần, câu lục là “người” ắt câu cuối phải nối theo “mùi”, chứ nếu sử dụng từ “màu” sẽ lạc nhịp? Lập luận này không sai, vì ngoài bản dịch trên, còn có người dịch:

Nực cười có kẻ riêng sầu

Áo lam Tư Mã còn màu gì xanh

Xét về nguyên văn: “Tọa trung khấp hạ thùy tối đa/ Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp” (Trong tiệc, người khóc nhiều hơn ai hết là ai?/ Đó là ông Tư Mã đất Giang Châu ướt đầm vạt áo xanh), ta thấy dùng từ màu là hợp lý. Vậy, chẳng lẽ một bản dịch nổi tiếng nhất đã dịch “Tì bà hành”, phổ biến từ thế kỷ 18 đến nay lại không ai “phát hiện” ra tréo ngoe của “mùi áo xanh”? Chẳng lẽ các nhà thơ lừng danh của Việt Nam như Thế Lữ, Quách Tấn, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương… đã lấy cảm hứng từ “Tì bà hành” để viết nên những áng thơ trác tuyệt cũng không biết nốt?

Vô lý quá.

Thật ra không vô lý gì cả, bởi “mùi áo xanh” hoàn toàn hợp lý.

Thợ nhuộm ngày xưa (ảnh tư liệu).

Ta hãy khảo sát thêm câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”, qua bản dịch Đoàn Thị Điểm - cùng thời với nhà văn hóa, dịch giả Phan Huy Vịnh: “Một năm một nhạt mùi son phấn/ Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi”. Cả hai ngữ cảnh này, “mùi” còn chính là màu. Từ điển Việt-Bồ-La (1651) cho biết: “Mùi: Mực, màu, mùi để nhuộm, mùy duộm hay nhuộm: cùng một nghĩa. Mùi thôi ra: Màu bị tiết ra, bị mất đi”. Mùy ghi theo chính tả hiện nay: mùi. Ngày xa xưa ấy, khi có ai bảo: “Chẳng có mùi gì”, còn phải hiểu theo nghĩa bóng như hiện nay là chẳng có lợi lộc, chẳng xơ múi, chấm mút được gì sất.

“Mùi” hiểu như “màu” đến thời Đại Nam quấc âm tự vị (1895) vẫn còn ghi nhận: “Lựa mùi: Lựa màu, lựa nhuộm. Phai mùi: Phai màu”… Giữa mùi và màu là cùng cách nói của thời ấy, do đó, ta không ngạc nhiên khi đọc “Tư liệu Truyện Kiều” - từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (NXB Văn Học-2004), với câu thơ quen thuộc:

Sắc in tuyết ngựa câu giòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

Qua khảo sát 9 bản “Truyện Kiều” ở thế kỷ 19, đã có đến 7 bản dùng từ “mùi”, chỉ có 2 bản dùng từ “màu” in ở trong Nam là bản Trương Vĩnh Ký (1875), bản Abel des Michels (1884). Rõ ràng từ “mùi” chiếm “ưu thế”.

Ngoài ra, cả hai bộ từ điển, tự vị trên cho biết còn có từ tương đương là “thức”. “Từ điển Việt-Bồ-La”: “Thức: Màu. Thức vàng: Vàng, vàng hoe. Sắc, mùi: cùng một nghĩa”; “Đại Nam quấc âm tự vị”: “Thức bạc: Màu trắng như bạc. Thức trắng: Vẻ trắng tinh” v.v... Từ giải thích này, ta có thể hiểu rõ nghĩa của hàng loạt câu thơ quen thuộc như:

Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự

Năm thức mây phong nếp áo chầu

(Bà Huyện Thanh Quan)

“Năm thức” là năm màu/ màu sắc. “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết: “Thức trắng, xanh, đỏ, vàng, đen. Về ngũ sắc”.

Thức, hiểu theo nghĩa này đã biến mất từ bao giờ? Không rõ, chỉ biết “Việt Nam tự điển” (1931) không còn ghi nhận nhưng đã bổ sung thêm nghĩa mà “Đại Nam quấc âm tự vị” không có: “Thức: Thứ, món. Thức ăn. Thức mặc”. Vậy, thức trong câu “Mùa nào thức này” là thuộc nghĩa này. Ai cũng thừa biết, thức trái nghĩa với ngủ/ chợp mắt ngủ/ nhắm mắt ngủ, nào ngờ, trong vốn từ tiếng Việt cổ, ít ra từ thế kỷ XV còn sử dụng từ khác nữa.

Nguyễn Du cũng sử dụng:

Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên

Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao

(Truyện Kiều)

Nay, nói đến “nhắp” lập tức ta liên hệ đến động tác chỉ thử một chút ít chất lỏng nào đó vào đầu môi, đầu lưỡi xem hương vị thế nào, nhưng một khi đưa ra tí mồi để nhử đối tượng nào đó cũng gọi nhắp như cần câu nhắp, nhắp cá… Nhìn chung, một khi nói về màu sắc, ta thấy rằng, người Việt sử dụng hết sức đa dạng. Đôi khi cũng là từ đó nhưng ta chỉ biết rõ nghĩa khi xét trong ngữ cảnh cụ thể, thí dụ:

Công lênh chẳng quản bao lâu

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng

Nước bạc là nước gì? Bạc là tiếng Việt chuyển gốc Hán-Việt, từ bạch mà ra, có nghĩa là trắng. Vậy, nước bạc là nước trắng? Không, chính là “nước đầu nguồn đổ xuống, đục ngà ngà” - “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích, nói cách khác chính là… “nước lụt”. Thế nhưng tại sao không sử dụng từ “trắng/ nước trắng”? Không, một khi dùng từ “bạc” thì mới đối xứng và dẫn đến sự liên tưởng với “vàng”: vàng bạc/ bạc vàng. Rõ ràng là một sự tinh tế.

***

Về các từ chỉ màu sắc, trong cách sử dụng, không hề “rập khuôn” mà linh động biến hóa đến ngoạn mục. Khi nhà thơ Hồ Dzếnh viết trong tập truyện ngắn “Chân trời cũ” (1943): “Cái làm tôi nhớ nhất, và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, con ngựa kim hoa trắng của ba tôi”. Một cách gọi văn vẻ, chính là tên gọi của con ngựa mà nhà văn kể: “Tôi cầm một nắm cỏ đút vào mồm con ngựa trắng, vỗ vào mớ lông bờm trắng toát của nó”. Nếu sắc lông của nó đen thui thùi lùi, cứ gọi “ngựa ô” cũng đặng, tương tự, gà lông đen người ta gọi “gà ô”:

Gà ô chân trắng, mẹ mắng cũng mua

Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy

Con gà trắng chân chì ấy, đích thị chân đen, bởi “chì” nghĩa là đen. “Môi chì: Môi thâm đen như màu chì; da chì: Nước da đen xám xám” - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895). Nếu không dùng từ “chì”, ta có thể thay đổi qua từ thâm/ môi thâm… Từ “ô” là tiếng Hán-Việt chuyển qua tiếng Việt nghĩa là đen/ đen sậm sậm, vậy với đũa đen, ngược với đũa ngà/ “trắng như ngà”, ta cũng gọi đũa ô? Không, phải gọi đũa mun. Mun là loại cây gỗ mà thịt có màu đen đậm, do đó, có thành ngữ “Đen như mun”.

Suy ra, con chó đen cũng gọi chó mun cho nhanh, gọn, lẹ? Không, phải gọi chó mực. Trong khi đó, con mèo đen lại được gọi mèo mun, còn con chó thì không, phải gọi chó mực. Có sự “phân biệt” gì đây?

Khi gọi mực/ chó mực thì mực biến âm của từ “mặc” Hán Việt là sắc đen, có thành ngữ “Đen như mực”, “Tối như mực”… Một khi những gì con gì, cây cỏ gì có yếu tố đen thì người ta thòng thêm từ mực như cá mực, cỏ mực… Kể ra cũng là điều hết sức lý thú. Không những thế, theo tôi, cái sự “éo le” này còn phải kể đến câu cửa miệng “Chó đen giữ mực”. Một câu chơi chữ tài tình khi ta biết “mực” là “đen” nhưng mực ở đây còn nhằm chỉ cái sự mực thước, mực mẹo đã đâu vào đó, thế thì cái con chó đen ấy bao giờ cũng giữ màu đen ấy. Mà, đen còn hàm chỉ sự xấu xa, đen đủi, hắc ám nên “chó đen” chẳng phải tốt lành gì, từ đó “bắt cầu” qua nghĩa bóng chê trách ai đó chứng nào tật nấy, không thể thay đổi.

Với “Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy”, nếu thích, ta còn gọi “gà nhạn”, vậy con trâu trắng trong tục ngữ “Trâu trắng mất mùa”, cũng có thể gọi “trâu nhạn”? Không, phải gọi “trâu cò”. Cắc cớ hỏi thêm ngựa trắng, vậy, cũng gọi “ngựa cò”? Không, nếu thích cứ gọi “ngựa bạch” cũng “chẳng chết thằng Tây đen” nào. Còn tóc trắng thì sao? Cách gọi hay nhất vẫn là “tóc bạc”. Một khi tóc bạc lẫn lộn với tóc xanh/ tóc đen lại chiếm phần trội hơn, ta gọi tóc gì? Tóc hoa râm mà cũng còn có cách nói khác, tôi sực nhớ đến câu vần vè này: “Tóc ánh bạc, túi ánh kim, chim ánh thép”. Xin không bình luận gì thêm.

***

Trở lại với từ bạc, vốn là từ Hán-Việt có nhiều nghĩa. Do đó, thật hết sức “ngoạn mục” khi ta thấy cách sử dụng từ bạc trong “Truyện Kiều”. Thí dụ, “Phận sao phận bạc như vôi” thì bạc ở đây hiểu theo nghĩa trắng như trong cách so sánh trắng như vôi/ bạc trắng như vôi. Nhưng nếu dùng từ “trắng” sẽ không dẫn tới sự liên tưởng nhằm ngụ ý sâu xa của sự bạc tình/ bạc bẽo/ bạc phận… Khi dùng từ “bạc” khiến ta phải nghĩ ngay đến thân phận quá nhọ, quá đen bởi đã có sẵn những từ như “bạc đen/ đen bạc”, vì thế, từ bạc đắc địa này đã tạo ra cho câu thơ có sức âm vang, ám ảnh. Ở tình huống khác, cũng vận dụng cách nói này, Nguyễn Du lại viết tài tình: “Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen” là tách riêng “bạc” và “đen” để chúng đóng vai trò nguyên nhân dẫn tới kết quả hết sức logic, hợp lý.

Không chỉ có thế, bạc trong câu “Phận sao phận bạc như vôi” còn có nghĩa là mỏng/ phận mỏng; vì thế, ở ngữ cảnh khác, cần so sánh, ta thấy từ xuất hiện từ “mỏng”: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh có biết vuông tròn mà hay”. Nếu sử dụng từ bạc: “phận bạc cánh chuồn” lại đâm ra ngớ ngẩn vì người Việt nói “bạc như vôi” nhưng so sánh với mỏng, phải là “Nghĩa nhân mỏng dính như cánh chuồn chuồn/ Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay” (ca dao)...

Cuối thế kỷ 19, khi lũ Tây thực dân mắt xanh mũi lõ xâm lược nước Nam ta, từ bạc cũng đã xuất hiện trong câu dao: “Anh ham chi bạc trắng con cò/ Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa”. “Bạc trắng/ bạc trắng con cò” lại là dùng đồng tiền làm bằng bạc sử dụng trong trao đổi, mua bán. Sau khi đã chiếm ưu thế trên chiến trường, người Pháp đã đẩy đồng tiền kẽm của triều Nguyễn “đi chỗ khác chơi”, từ đó, đồng bạc Mê-xi-cô/ Mễ Tây Cơ chính thức lưu hành. Dù đồng bạc đó có hình con ó, nhưng do hình ảnh con cò đã quá quen thuộc trong tâm thế người Việt, đã đi vào ca dao, tực ngữ hàng nghìn năm, vì thế, con ó ấy không “có cửa” chen chân, xuất hiện trong lời ăn tiếng nói. Nói chung, dù bạc/ đồng bạc làm bằng chất liệu gì, kể cả tiền giấy, với người Việt chỉ cần nói đồng/ hơi đồng thì bản thân từ này đã có sức khái quát chung: “Máu tham ngửi thấy hơi đồng là mê”.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/thuc-sac-mau-mui--i715059/