Thực tâm để thắng trên sân nhà

(CATP) Chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt” đang được Bộ Công thương cụ thể hóa bằng “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009”. Với 9 tỷ đồng, cơ quan này hy vọng tìm ra được doanh nghiệp có khả năng thực hiện tốt nhất gói thầu “Tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn.

“Bụt chùa nhà không thiêng”? Có lẽ phải “nhờ” đến những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ vừa qua, vai trò của thị trường nội địa mới được nhắc đến nhiều như chiếc “phao cứu sinh” của không ít doanh nghiệp. Danh từ “nội địa” vì thế có vẻ cũng được trân trọng hơn. Chẳng nói đâu xa, hoạt động của một lĩnh vực gần gũi nhất với chúng ta là du lịch, đã cho thấy điều này. Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, việc gia tăng lượng khách du lịch nội địa trong bảy tháng đầu năm 2009 (tăng 13%) đã cứu ngành này thoát khỏi những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi lượng khách quốc tế sụt giảm ở hầu hết các thị trường trọng điểm thì trong nước, khách nội địa vẫn góp phần làm tăng doanh thu cho ngành du lịch và là giá đỡ quan trọng đưa ngành này bước qua giai đoạn khó khăn. Người tiêu dùng chào đón mặn mà Thực tế nhiều năm qua, người tiêu dùng nội địa không ít lần thấy tủi khi phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta cứ miệt mài nghiên cứu tìm giải pháp để đưa hàng hóa của mình “ra với thế giới” và coi đó là niềm tự hào. Nhà nước cũng đã có những chính sách lớn từ miễn giảm thuế đến dành ngân sách không nhỏ cho “Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia” hàng năm nhằm giúp doanh nghiệp phát triển xuất khẩu. Thế nhưng, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại, để... giật mình. Với trên 86 triệu người, dân số đứng thứ 13 thế giới lại đang ở thời kỳ “dân số vàng”, Việt Nam là một thị trường được không ít “đại gia” trên thế giới thèm muốn. Theo tính toán của Bộ Công thương, nhiều năm liền thương mại trong nước luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Cũng nhiều năm liền, tốc độ tăng trung bình của tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên thị trường Việt Nam luôn đạt khoảng 23%, thậm chí có xu hướng cao hơn ở những năm gần đây. Điển hình là năm 2008, bất chấp lạm phát ở mức cao, tốc độ tăng doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ vẫn tăng đến 35% và có giá trị là 58 tỷ USD. Còn ngay trong nửa đầu năm nay, con số này cũng đạt mức tăng 20%, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng nội không hề bị “sứt mẻ”. Động lực “thoát đáy” Hàng Việt về nông thôn Quy mô thị trường nội địa đến nay đã đạt 60 tỷ USD (gần tương đương kim ngạch xuất khẩu). Thế nhưng, nhập siêu đến thời điểm này dường như là chuyện đương nhiên ở nước ta, tám tháng đầu năm nay đã trên 5 tỷ USD. Hàng ngoại ở đâu cũng có và thứ gì cũng có thể tìm được. Đặc biệt, thị trường nông thôn với trên 70% dân số của đất nước tràn ngập hàng giá rẻ Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, bắt mắt nhưng... kém chất lượng. Phải chăng doanh nghiệp Việt Nam đang “thua tại sân nhà”? Ở nông thôn, đa phần bà con vẫn chuộng các mặt hàng giá rẻ, trong khi giao thông đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển khá tốn kém. Chính vì thế, dù thị trường trong nước có sức tiêu thụ lớn, dân số đông nhưng doanh thu và lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp chưa chú ý. Bằng cách thức bình dân và gần gũi nhất thông qua chuỗi hoạt động “đưa hàng Việt về nông thôn” từ An Giang, Trà Vinh đến Khánh Hòa rồi Bắc Giang... Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao đã chứng minh được rằng: Nông thôn Việt Nam không “làm ngơ” với hàng Việt. Ngay tại Lục ngạn (Bắc Giang), địa phương nằm trên một trong những con đường chính của hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam, chỉ trong 24 giờ (từ trưa ngày 2 đến trưa 3-7-2009), 24 doanh nghiệp tham gia đã đạt doanh thu gần 700 triệu đồng, có doanh nghiệp còn “cháy hàng”. Các doanh nghiệp đã tìm được những đầu mối để tiêu thụ sản phẩm, khởi đầu cho việc xây dựng kênh phân phối về các vùng nông thôn. Kết quả khả quan trên dường như đã tạo niềm tin cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp trong việc thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn - hoạt động quan trọng thuộc Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009. Đây là một chương trình lớn, có ý nghĩa cấp thiết đồng thời mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng trong và ngoài nước, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như duy trì sự có mặt lâu dài của hàng Việt ở nông thôn. Hoạt động này còn được xem là khâu đột phá của Chương trình tổng thể về kích cầu tiêu dùng, là động lực để doanh nghiệp “thoát đáy”, bứt phá vươn lên. Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội lớn để hàng Việt giành lại sân nhà, giúp cho doanh nghiệp không chỉ bán hàng nhất thời mà còn xây dựng thương hiệu và phát triển kênh phân phối. Tuy vậy, từ góc độ người tiêu dùng, không ít người lại tỏ ra lo lắng rằng, liệu các doanh nghiệp có nhân dịp này giải tỏa hàng tồn kho, cận “đát”, chất lượng kém không? Nếu vậy, những người nông dân thiếu thông tin về sản phẩm, vốn nghèo sẽ lại gánh thêm rủi ro... Lo lắng này không phải không có cơ sở, đòi hỏi các cơ quan chức năng có sự quan tâm và phối hợp tốt, làm an lòng người tiêu dùng nông thôn, đồng thời cũng không để một chương trình lớn không mất đi ý nghĩa sau hàng loạt những hoạt động “trống giong cờ mở”.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=34497&mod=detnews&p=