Thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản bỏ việc tăng mạnh

Hơn 7.000 người lao động nước ngoài ở Nhật Bản bỏ việc năm ngoái khi chủ lao động bắt họ phải làm nhiều giờ và không trả đủ lương cho họ, nhưng một số người Việt Nam vẫn cố gắng tìm nơi ẩn nấp trong nhà những người đồng hương với hy vọng sẽ kiếm được công việc mới.

Thực tập sinh Việt Nam ở Nhật.

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, số người Việt ở Nhật năm 2017 là 7.089 người, tăng 40% so với năm 2016. Trong khi đó, tổng số lượng người nước ngoài đến Nhật năm 2017 theo chương trình thực tập sinh chỉ tăng 20% so với năm 2016.

Khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản cũng cho biết, có 4.226 trong số 5.966 cơ sở sử dụng nhân công dưới dạng thực tập sinh (tức là 70%) vi phạm các quy định về giữ tiền lương của nhân công và bắt họ làm ngoài giờ quá mức.

Nhật Bản đang thiếu nhân công trầm trọng trong nhiều ngành vì dân số già, tăng trưởng chậm, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động thấp, khiến họ phải thuê lao động từ nước ngoài. Nhưng các quy định về nhập khẩu lao động nước ngoài quá ngặt nghèo khiến họ phải tổ chức các chương trình gọi là đào tạo nghề cho thực tập sinh từ các nước khác, song thực chất là thuê lao động. Nhưng chương trình này khiến lao động nước ngoài muốn ở lại Nhật Bản làm việc gặp nhiều khó khăn khi họ đối mặt với những rắc rối.

Một người đàn ông Việt Nam 36 tuổi, đến Nhật Bản từ năm 8 tuổi, hiện đã cho hơn 10 người đồng hương trú tạm trong căn nhà hai tầng cũ kỹ của anh ở tỉnh Fukushima, phía bắc Tokyo. Anh cho biết, các công nhân này bỏ việc vì luôn bị ông chủ và những người đồng nghiệp hành hạ, bóc lột cũng như lo sợ bị trục xuất về quê nhà.

Một người phụ nữ Việt Nam, cũng 36 tuổi vào sống nhờ trong ngôi nhà này vào đầu tháng 3-2018 cho hay, cô đến Nhật Bản vào tháng 4-2016. Cô cho biết mình phải làm việc 14-15 giờ đồng hồ mỗi ngày, chỉ được nghỉ 7 ngày trong năm, ở một xưởng thêu thuộc tỉnh Yamagata, gần kề với tỉnh Fukushima. Cô bị chủ nhận xét là người làm việc chậm và họ có ý định gửi trả cô về Việt Nam. Cô đã mượn số tiền tương đương 9.000 đô la Mỹ từ một ngân hàng ở quê nhà để trang trải các loại phi chí cho chuyến đi đến Nhật Bản. Và nếu phải trở về Việt Nam làm việc thì còn lâu cô mới kiếm được tiền trả nợ. Vì thế cô trốn khỏi ký túc xá của xưởng thêu, ra ngoài kiếm việc làm chui.

Người chủ nhà bắt đầu mở nơi trú ngụ cho các đồng hương của anh ta vào tháng 1-2018, sau khi đóng cửa tiệm ăn của mình. Với 1 triệu yen (8.989 đô la) tiền góp từ bạn bè, anh sửa lại căn nhà riêng bỏ trống lâu ngày thành nơi trú cho những người bỏ trốn. Anh bỏ tiền túi để trang trải các khoản chi phí vì thu nhập của những người đến sống với anh rất bấp bênh.

Ngôi nhà của anh đã đủ người nhưng hàng tháng anh vẫn nhận được 30-40 lời đề nghị xin được đến trú ngụ thông qua các mạng xã hội và các kênh truyền miệng. Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ thuật Nhật Bản (OTIT) thuộc chính phủ cũng cung cấp chỗ ở tạm thời cho những thực tập sinh bị ngược đãi tại chỗ làm của họ, nhưng chắng mấy người dám đến đó.

Dù người đàn ông có thể cho họ sự an toàn trong một thời gian nhưng căn nguyên của vấn đề vẫn còn đó. Nhiều người muốn tiếp tục làm việc ở Nhật Bản nhưng các chương trình thực thực tập sinh không cho phép họ chuyển đổi chỗ làm việc theo ý muốn của họ. Họ cũng không được làm các công việc bán thời gian khác như sinh viên.

Người chủ nhà đã thông báo với Sở di trú về những người anh ta bảo lãnh, thương lượng với các cơ quan Nhật Bản và Việt Nam có liên quan nhằm giúp những người này đổi được nơi làm việc. Song cho đến giờ, các nỗ lực của anh mới chỉ giúp được 2 người. Ít nhất 10 người vẫn đang chờ đợi, 4 người trong số đó đã nhận được những phúc lợi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhưng số còn lại vẫn chưa được nhận vì chủ lao động cũ từ chối ký các giấy tờ liên quan.

(Theo Nikkei Asian Review)

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276596/thuc-tap-sinh-nuoc-ngoai-o-nhat-ban-bo-viec-tang-manh.html