Thực thi pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá - Ghi nhận nhiều khó khăn

Nhằm đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đi vào cuộc sống, cũng như giảm tác hại, gánh nặng do thuốc lá gây ra trong cộng đồng, những năm qua, Cà Mau đã tổ chức nhiều giải pháp, song với góc nhìn tổng thể, công tác này gặp nhiều khó khăn.

Luật PCTHTL đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, để luật này đi vào cuộc sống, tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền. Trong đó, tập trung vào những nội dung, như thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai; ảnh hưởng đến môi trường sống và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Truyền thông về tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội. Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông các chính sách, pháp luật về PCTHTL.

Thời gian qua, việc tuyên truyền Luật PCTHTL đa phần do tuyến tỉnh tổ chức, cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. (Ảnh chụp tại Trường THPT Khánh Lâm, huyện U Minh).

Mặc dù địa phương đã xây dựng và triển khai khá nhiều giải pháp, nhưng hiệu quả chưa thật sự như kỳ vọng. Khi Luật PCTHTL có hiệu lực, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về việc thực thi luật, tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều đợt tập huấn về tác hại của thuốc lá, giới thiệu về luật và xây dựng cơ quan công sở không khói thuốc lá cho tất cả công chức chủ chốt của ngành y tế và các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và huyện, thành phố đạt 100%.

Tuy nhiên, ngoài các lớp tập huấn do tuyến tỉnh tổ chức, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện, thành phố không triển khai thêm cho hệ thống dọc của các ngành đó. Lãnh đạo hiểu về Luật PCTHTL còn hạn chế, dẫn đến việc xây dựng cơ quan, công sở không khói thuốc lá chưa đạt theo yêu cầu, tình trạng hút thuốc ở cơ quan, công sở và nơi công cộng còn xảy ra.

Cùng với đó, lực lượng xử lý hành vi vi phạm của người hút thuốc nơi công cộng chưa thực hiện được nên việc tuyên truyền luật cũng bị ảnh hưởng. Lãnh đạo chưa thực hiện cơ quan không khói thuốc lá, chưa kiểm điểm xử lý, nhân viên hút thuốc nơi công sở chưa nghiêm túc thực hiện và không được kiểm điểm nhắc nhở nên việc chấp hành còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, qua tổng hợp công tác giám sát việc thực hiện “Môi trường không khói thuốc” trên địa bàn tỉnh, ghi nhận, số cơ quan, đơn vị bố trí nơi dành riêng cho người hút thuốc lá còn thấp. Mặc dù trên 50% cơ quan, đơn vị đã ký cam kết môi trường không khói thuốc và có phân công người hoặc bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện nhưng chưa có biện pháp xử phạt vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Chính điều này dẫn đến kết quả thực hiện môi trường không khói thuốc chưa đạt như mong đợi.

Thời gian qua hoạt động tuyên truyền thường tập trung về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai; ảnh hưởng đến môi trường sống và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Minh Luân cho biết, thực tế cho thấy, một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa cập nhật các thông tin liên quan đến Luật PCTHTL, chưa nắm được nhiệm vụ cụ thể, do đó chưa triển khai được các điều luật quy định, thậm chí từ chối phối hợp trong công tác tuyên truyền. Thêm vào đó, hiện nay các sản phẩm thuốc lá được bày bán rộng rãi, như bán lẻ trên đường, các tiệm tạp hóa, quán cà phê... Giá sản phẩm thuốc lá tương đối rẻ, có khả năng tiếp cận đến nhiều đối tượng. Một điểm quan trọng không thể bỏ qua là, theo phong tục, văn hóa của người Việt Nam từ xưa, hút thuốc lá là điều bình thường, việc ngăn cấm hay phản đối từ gia đình và xã hội không được thực hiện kiên quyết. Chính những điểm hạn chế này mà việc thực hiện Luật PCTHTL tại tỉnh còn khó khăn.

Từ những khó khăn đặt ra, để Luật PCTHTL thật sự hiệu quả, Cà Mau kiến nghị thời gian tới cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, từ đó tăng giá bán lẻ, làm cho người hút thuốc hạn chế tiếp cận mua thuốc. Phân cấp rõ lực lượng xử phạt hành chính đối với người vi phạm. Người đứng đầu phải tiếp thu luật, triển khai luật tại cơ quan, công sở và chịu trách nhiệm chính khi không thực hiện cơ quan không khói thuốc lá. Bổ sung hình thức hút thuốc lá điện tử và shisa vào trong luật.

Cùng với đó, phải tăng cường vai trò truyền thông mạnh mẽ của ngành tư pháp và ngành công an để có biện pháp thực hiện các chế tài theo quy định của luật. Huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng, trong đó lấy lực lượng Ðoàn thanh niên, công đoàn, Hội phụ nữ làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ triển khai, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền, sự chuyển biến trong thực hiện chính sách không hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc đối với những đơn vị được chọn thí điểm; khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm...

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thuc-thi-phap-luat-ve-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-ghi-nhan-nhieu-kho-khan-a30645.html