Thực trạng đội ngũ cán bộ đoàn - những vấn đề đặt ra: Bài cuối: Tạo nguồn, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ đoàn – vẫn là bài toán khó

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vốn dĩ là một tổ chức, hoạt động đặc thù, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ là 'rào cản' trong thực hiện công tác tạo nguồn, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ đoàn...

Lãnh đạo, cán bộ Tỉnh đoàn tặng quà cho các trẻ em Làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Ảnh: Lê Phượng

Không thiếu người trẻ, người tài, nhưng quy chế cán bộ Đoàn, chủ trương sắp xếp, tinh giản biên chế... đang làm họ không muốn tham gia công tác đoàn”, đây là chia sẻ chung của nhiều bí thư huyện đoàn, đoàn xã khi được hỏi về thực trạng đội ngũ, công tác cán bộ đoàn hiện nay. Một số bí thư huyện đoàn cũng bày tỏ quan điểm: Việc đưa ra những chủ trương, chính sách mới về công tác cán bộ của đoàn, nhìn chung đội ngũ cán bộ đoàn đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào của thanh niên. Thế nhưng, tại các cơ sở đoàn, địa bàn dân cư, về đội ngũ cán bộ của đoàn vẫn đang gặp khó khăn lớn. Trước hết, là một bộ phận lớn thanh niên không muốn đảm nhận chức danh cán bộ đoàn do chế độ đãi ngộ thấp; không được thi tuyển công chức; bố trí công tác sau thời gian làm cán bộ đoàn không ổn định; yêu cầu cán bộ đoàn chủ chốt phải tốt nghiệp đại học chính quy nhưng số đối tượng này lại không thích làm cán bộ đoàn... Chính từ những yếu tố này đã tác động nhất định, làm giảm số lượng, chất lượng cán bộ đoàn hiện nay.

Theo Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định tiêu chuẩn cán bộ đoàn cấp xã, thị trấn giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Tuy vậy, với gần 160 cán bộ đoàn quá tuổi toàn tỉnh vẫn chưa được chuyển công tác, phần lớn trong số họ đã có trên 10 năm công tác... đang là “rào cản” cho những người trẻ kế cận và công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ đoàn. Việc tháo gỡ, giải quyết bài toán này đã được hầu hết các huyện đoàn quan tâm, chú trọng, đồng thời tích cực tham mưu đề xuất thường trực huyện ủy, cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm giải quyết bài toán “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi. Tuy nhiên, do định biên của cấp xã cố định và không có sự thay đổi nên “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi gặp những khó khăn nhất định.

Theo ghi nhận tại Huyện đoàn Thọ Xuân: Thời gian qua, Huyện đoàn đã tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn quá tuổi, qua đó đã có một số cán bộ đoàn được chuyển sang các chức danh công chức phù hợp với bằng cấp chuyên môn và một số vị trí khác. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn còn 9 cán bộ đoàn quá tuổi chưa được luân chuyển công tác, gây cản trở cho việc quy hoạch, tạo nguồn cán bộ và thực hiện mục tiêu trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở. Nguyên nhân là do số lượng biên chế của cấp xã có hạn, trong khi đó các chức danh trong bộ máy hoạt động của xã đã đủ, để bố trí phải chờ có người về hưu hoặc chờ vị trí trống để “thế chỗ”. Thêm vào đó, theo quy định, muốn trở thành công chức chuyên môn của xã phải qua thi tuyển, cho dù có được thêm điểm ưu tiên thì các bí thư đoàn xã quá tuổi, chủ yếu học trung cấp, tại chức muốn vượt qua được những sinh viên trẻ, đào tạo chính quy mới ra trường cũng rất khó, trừ khi họ được xét tuyển. Trên thực tế, với yêu cầu luân chuyển theo độ tuổi nhanh như hiện nay, chắc chắn cán bộ đoàn rất khó có đầu ra một cách “an toàn”. Bởi lẽ, nếu cơ cấu quá trẻ, một số địa phương sẽ không có nhân sự đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; ngược lại, tuổi vừa đủ tầm thì có thể sau một nhiệm kỳ đã phải luân chuyển, trong khi định biên ở xã hạn hẹp, không phải lúc nào cũng còn chỗ “để dành” đầu ra cho cán bộ đoàn.

Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” là một chủ trương lớn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương... Tuy vậy, song hành với việc thực hiện nghị quyết cũng đặt ra một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến đội ngũ cán bộ, tổ chức đoàn hiện nay, trong đó, tình trạng thiếu công chức bổ sung cho tổ chức đoàn dẫn đến thiếu nguồn cán bộ đoàn trẻ kế cận chính là một “nút thắt”. Về vấn đề này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có Công văn số 1355-CV/BTCTU, ngày 14-5-2018 xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức thi công chức, viên chức khối cơ quan đảng, đoàn thể. Tại Công văn số 5446-CV/BTCTW Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy không tổ chức kỳ thi tuyển công chức, viên chức. Bởi, theo báo cáo tại Công văn số 1355-CV/BTCTU, ngày 14-5-2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, số công chức hiện có trong tỉnh là 2.046 người (chưa tính số người hiện có của cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện là 258 người - theo báo cáo biên chế tại Văn bản số 182-BC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Như vậy, tổng số người thực tế hiện có của khối cơ quan đảng, đoàn thể của tỉnh là 2.304 người. Theo quy định tại Nghị quyết 39-NQ/TW thì đến năm 2021 khối cơ quan đảng, đoàn thể của tỉnh phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế, chỉ tiêu biên chế được sử dụng còn lại là 2.255 biên chế (năm 2018). Theo đó, so với chỉ tiêu biên chế được sử dụng, số người thực tế hiện có của cơ quan khối đảng, đoàn thể cao hơn 49 người.

Trước việc tỉnh không được tổ chức kỳ thi tuyển công chức, viên chức, số cán bộ đoàn xin nghỉ theo đó cũng báo động ngày một tăng; số biên chế giảm, thiếu tại các cơ sở đoàn dẫn đến đội ngũ cán bộ đoàn từ cấp huyện đến cấp tỉnh đều rất khó khăn.

Để khắc phục thực trạng trên, Tỉnh đoàn và các tổ chức cơ sở đoàn luôn trăn trở để tìm các giải pháp, đồng thời tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền... Tuy nhiên, theo đánh giá của các bí thư huyện đoàn, hầu hết các giải pháp đã và đang được thực hiện cũng chỉ mang yếu tố “tình thế”, thậm chí là “đối phó”. Đơn cử, tại huyện Thọ Xuân, để giải quyết vấn đề bổ sung cán bộ, công chức cho Huyện đoàn, trong phạm vi rà soát Huyện đoàn đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy 6 đồng chí, trong đó 4 đồng chí là công chức các phòng, ban khối chính quyền; 2 đồng chí là bí thư các đoàn xã. Tuy vậy, đối với cán bộ điều từ cấp xã lên huyện vẫn vướng một số khó khăn do các quy định về công tác cán bộ. Tại cơ quan Tỉnh đoàn, để giải quyết vấn đề bổ sung công chức cho Tỉnh đoàn, được biết trong phạm vi rà soát, hiện có hơn 100 cán bộ, công chức đang làm việc trong khối Nhà nước đủ độ tuổi theo quy định. Tuy vậy, với những rào cản về “tâm lý và đặc thù” trong đó cụ thể, vấn đề tâm lý đang là công chức tại một cơ quan, đơn vị, đã có thời gian công tác nhất định thường sẽ “ngại” thuyên chuyển công tác. Nhất là, nếu thuyên chuyển công tác trong tổ chức đoàn, đến độ tuổi quy định các bạn lại phải tiếp tục chuyển công tác. Như vậy, với “2 lần xin việc” liệu rằng số cán bộ, công chức trong “diện rà soát” có thực sự tâm huyết và nguyện vọng muốn được điều chuyển công tác đến các tổ chức đoàn...

Thiết nghĩ, tổ chức đoàn TNCS Hồ Chí Minh vốn dĩ là một tổ chức đặc thù, vì vậy, nếu không sớm giải quyết những “rào cản” đã và đang đặt ra đối với thực trạng đội ngũ, công tác cán bộ đoàn hiện nay, có lẽ công tác tạo nguồn, quy hoạch, luân chuyển và bố trí sử dụng cán bộ đoàn vẫn là bài toán khó, nhất là khi yếu tố “hoạt động đặc thù” vẫn chưa được gắn liền với cơ chế, chính sách đặc thù...

Lê Phượng, Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/thuc-trang-doi-ngu-can-bo-doan-nhung-van-de-dat-ra-bai-cuoi-tao-nguon-quy-hoach-va-bo-tri-su-dung-can-bo-doan--van-la-bai-toan-kho/101527.htm