Thực trạng quy định pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp

Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 đã có bước tiến quan trọng hơn với việc đề cập và nhấn mạnh đến phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực Tư pháp đối với người chưa thành niên.

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.

Theo bà Vân Anh, ở thời điểm hiện tại, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự tuy chưa có các quy định cụ thể và trực tiếp liên quan đến vai trò và nhiệm vụ của nghề công tác xã hội (CTXH) nhưng cũng có những quy định làm tiền đề cho sự phát triển nghề này.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định về trách nhiệm của các cá nhân tham gia tố tụng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người phạm tội và người bị hại; bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa trong quá trình tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, Bộ luật cũng quy định đại diện của gia đình NCTN, nhà trường, Đoàn thanh niên, cơ quan, tổ chức khác có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng; người đại diện của NCTN được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung NCTN; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

BLHS năm 2015 tại khoản 2 Điều 91 quy định, người dưới 18 tuổi phạm tội với nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách niệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục tại cộng đồng là khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Các biện pháp này được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, NCTN có người giám hộ trong một số trường hợp như: Không còn cha mẹ hoặc không xác định được cha mẹ, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự…, như vậy, nhân viên CTXH có thể tham gia với tư cách đại diện để bảo vệ quyền lợi của người được đại diện; từ đó góp phần giải quyết các vấn đề nảy sinh trong xã hội.

Với những quy định liên quan đến hỗ trợ cho trẻ em trong quá trình tố tụng, những quy định này nằm rải rác ở các văn bản pháp luật. Nhưng người làm công tác bảo vệ trẻ em chỉ được hỗ trợ cho trẻ em là nạn nhân trong quá trình tố tụng nếu được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền yêu cầu hoặc đề nghị hỗ trợ.

Ngoài ra, việc hỗ trợ này chỉ đối với những trẻ em hoặc người dưới 18 tuổi không có nơi cư trú rõ ràng, không xác định được lý lịch hoặc có người đại diện nhưng họ cố ý vắng mặt hoặc từ chối tham gia tố tụng.

Bất cập, hạn chế về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp tại Việt Nam

Theo Tiến sĩ Vân Anh, hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán tại các Luật, nghị định, đặc biệt đối tượng là người chưa thành niên.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về CTXH tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống.

Bên cạnh đó, các quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng trong hệ thống tư pháp còn rải rác, manh mún ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các quy định phát triển dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp và cả các lĩnh vực khác.

Tiến sĩ Vân Anh cho rằng, hiện đội ngũ người làm CTXH và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn cũng là thách thức do đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu về lĩnh vực CTXH trong tư pháp.

Các dịch vụ CTXH trong hỗ trợ đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của các hành vi vi phạm, đặc biệt là người chưa thành niên mới chỉ dừng ở mức độ các dịch vụ hỗ trợ được cả đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo và không chuyên (cộng tác viên công tác xã hội/bảo vệ trẻ em tại cộng đồng) thực hiện, nên chưa thực sự đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, chất lượng và hiệu quả can thiệp của CTXH trong lĩnh vực Tư pháp còn rất hạn chế và cần có các quy định về pháp lý, chính sách và cơ chế phát triển dịch vụ CTXH trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Vân Anh cho rằng, đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về CTXH (Luật Công tác xã hội), trong đó có các quy định về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuc-trang-quy-dinh-phap-luat-ve-cong-tac-xa-hoi-trong-linh-vuc-tu-phap-2148426.html