Thực trạng trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em tại Việt Nam rất phức tạp

100% trẻ em nam tham gia thảo luận nhóm khẳng định các em bị đánh tại gia đình và nhà trường vì các lý do như: không làm bài tập, trêu chọc bạn bè…

Đây là kết quả khảo sát được đưa ra tại hội thảo tổng kết chiến dịch “Lan tỏa yêu thương 2019 – Yêu thương đẩy lùi bạo lực” và Đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em đồng tổ chức.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, thành viên của Mạng lưới quản trị quyền trẻ em Việt Nam cho biết, thực trạng trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em tại Việt Nam rất phức tạp.

Khảo sát thực tế của các thành viên Mạng quản trị quyền trẻ em, số liệu cũng rất đáng báo động. Theo kết quả khảo sát về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại 1 xã ở miền Bắc do MSD thực hiện vào tháng 8, 2018 cho thấy có 94/123 em (chiếm 77% trong tổng số trẻ em tham gia khảo sát) khẳng định các em đang phải chịu một số loại hình bạo lực tại gia đình như bị cha mẹ, người lớn trong nhà quát mắng, đánh đòn.

Đại diện trẻ em phát biểu tại Đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”

Đại diện trẻ em phát biểu tại Đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”

100% trẻ em nam tham gia thảo luận nhóm khẳng định các em bị đánh tại gia đình và nhà trường vì các lý do như: không làm bài tập, trêu chọc bạn bè và bị tát/đánh bằng tay hoặc đánh bằng các vật dụng như thước kẻ, thắt lưng, dây diện, chổi, gậy,...

Kết quả thảo luận nhóm phụ huynh cho thấy, chủ yếu trẻ em trai phải chịu các hình thức kỷ luật như bị bố mẹ đánh mắng, tát... “Quan điểm của tôi, con trai với con gái khác nhau, “con trai cần phải đánh” một phụ huynh cho biết. Còn một em cho biết: “Bố em đánh em gẫy cây, nát đít”…

Đáng quan tâm, trẻ em khuyết tật là nhóm đối tượng rất dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại, bạo lực đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ bởi các em còn có hạn chế về nhận thức và hành vi nên gặp nhiều khó khăn trong việc lên tiếng tự bảo vệ bản thân khi trở thành nạn nhân. Đối với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số còn bị phân biệt đối xử, dùng ngôn từ mang tính miệt thị, xúc phạm trẻ.

Thực trạng trên có nguyên do phụ huynh chưa nhận thức được các tác hại của việc trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, còn quan niệm đó là phương pháp giáo dục trẻ “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”;

Bên cạnh đó là tình trạng phụ huynh bất lực trong việc giáo dục trẻ nên phó thác cho giáo viên và nhà trường trong giáo dục con. Giáo viên cũng chưa có nhận thức đúng đắn và thiếu phương pháp giáo dục và kỷ luật tích cực…

Dưới góc độ luật pháp, chính sách, hiện Luật trẻ em và các Nghị định hướng dẫn đã quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan ban ngành trong việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là thẩm quyền của các cơ quan và biện pháp can thiệp khi trẻ bị bạo hành.

Các em bày tỏ mong muốn được người lớn lắng nghe, yêu thương

Tuy nhiên các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần không được quy định rõ ràng, dùng chung từ “bạo lực” khiến các cách diễn giải còn khác nhau, nhiều diễn giải cho rằng trừng phạt thể chất tinh thần trong gia đình và nhà trường là để giáo dục trẻ, hoặc ở cấp độ nhẹ không phải là bạo lực.

Trong khi đó, việc giám định thương tật của trẻ hiện chưa phải là giám định đặc biệt, thủ tục và thời hạn giám định dài, rắc rối khiến kết quả giám định đôi khi không phản ánh chính xác. Ngoài ra, chưa có giải pháp trong việc xác định giám định tổn hại về tinh thần và sự phát triển lâu dài của trẻ.

Khảo sát về việc thực thi pháp luật, các thành viên Mạng quản trị quyền trẻ em cho rằng chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Việc tập huấn và phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em tới các cấp chưa được thực hiện tốt nên nhiều trường hợp không biết hoặc cố tình trốn tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-trang-trung-phat-the-chat-tinh-than-tre-em-tai-viet-nam-rat-phuc-tap-173544.html