Thuê 54 Việt kiều đứng tên nhập ôtô để buôn lậu

Ngày 7/9, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm để xét xử lại đối với 5 bị cáo: Trần Phước Thạnh (SN 1967), Nguyễn Quang Vinh (SN 1982), Trần Thái Nguyên (SN 1982), cả 3 cùng làm dịch vụ thủ tục xuất nhập khẩu; Nguyễn Giang Lam (SN 1975, nguyên cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP Hồ Chí Minh) về tội 'Buôn lậu' và Bùi Khắc Hà (SN 1975, nguyên cán bộ công an) về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Thuê 10.000 USD/Việt kiều

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hồ Chí Minh, ngày 9/6/2009, Bộ Tài chính ban hành thông tư 118/TT-BTC hướng dẫn việc nhập khẩu xe ôtô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều - PV) đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam. Trong thông tư này có điều khoản “cho phép Việt kiều được phép hồi hương được phép nhập 1 ôtô cá nhân đang sử dụng và được miễn thuế nhập khẩu”.

Lợi dụng điều khoản nêu trên, các bị cáo Vinh, Thạnh và Nguyên móc nối với Lam thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu ôtô, môtô theo diện Việt kiều hồi hương để “Buôn lậu”. Các bị cáo trên đã nhờ các cán bộ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đóng dấu xuất nhập cảnh (XNC) khống vào hộ chiếu của các Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập ôtô, môtô. Sau đó, lấy thông tin cá nhân trên hộ chiếu do Mỹ hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ cấp cho các Việt kiều để cung cấp cho Helena Phạm, Charile Ngô, Đoàn Hiền… là những Việt kiều Mỹ đã trực tiếp mua xe, thanh toán tiền mua xe tại Mỹ, trực tiếp thuê và thanh toán tiền cho các hãng tàu vận chuyển các xe ôtô từ Mỹ về Việt Nam tiêu thụ.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9.

Từ tháng 1/2011 – 12/2012, Vinh cùng đồng phạm trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương. Trong số này có 54 trường hợp được thuê đứng tên nhập khẩu xe. Cụ thể Lam thỏa thuận thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều và được Vinh trả 360.000 USD (10.000 USD/Việt kiều). Thạnh thỏa thuận thuê 17 Việt kiều cho Vinh và các chủ salon ôtô và cũng được trả 170.000 USD. Riêng Vinh trực tiếp thuê Lư Huê và trả cho người này 13.000 USD.

Tổng số 54 Việt kiều nêu trên, Vinh và Thạnh khai nhận 108.000 USD từ các đối tượng tham gia mua bán xe ôtô nhập lậu vào Việt Nam. Số tiền này dùng để chi tiền công làm dịch vụ, chi phí lưu container, lệ phí thương vụ cảng, lệ phí đăng kiểm, chi phí mua và cắt sill… khoảng 24 triệu đồng/ôtô, còn lại khoảng 15-18 triệu đồng/ôtô, Vinh cùng Thạnh và Nguyên chia nhau mỗi người 5 triệu đồng/xe. Tổng số tiền công làm dịch vụ cho 54 ôtô là 810 triệu đồng, Vinh chia đều cho Vinh, Thạnh và Nguyên mỗi người 270 triệu đồng.

Đóng dấu XNC khống hàng chục hộ chiếu

54 ôtô và 12 môtô nhập về Việt Nam là các loại xe đắt tiền, như: Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW…, trong đó Vinh đứng tên xin cấp phép, làm thủ tục nhập khẩu 17 xe, Nguyên 18 xe, Thạnh 1 xe. 54 xe ôtô và 12 môtô có tổng trị giá trên 356,2 tỷ đồng, tổng số thuế phải nộp nếu không được miễn trên 227 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, trong thông tư 118 có quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu ôtô đang sử dụng phải có “Hộ chiếu hồi hương có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của Cơ quan quản lý XNC tại cửa khẩu”. Vì vậy, đối với các Việt kiều do Lam trực tiếp thuê, Vinh yêu cầu Lam phải đóng dấu XNC thể hiện việc nhập và xuất cảnh trên hộ chiếu của các Việt kiều thì mới xin cấp giấy phép nhập khẩu ôtô tại hải quan. Việc đóng dấu trên hộ chiếu cũng hợp thức hóa việc đi Mỹ mua và thanh toán tiền mua xe, đăng ký lưu hành xe tại Mỹ, thuê và thanh toán tiền thuê hãng tàu vận chuyển xe về Việt Nam.

Để thực hiện yêu cầu của Vinh, Lam đã nhờ Hà cùng một số cán bộ thực hiện đóng dấu kiểm chứng XNC khống vào hộ chiếu của gần 20 Việt kiều; đồng thời mua vé máy bay, tour du lịch Singapore, Thái Lan cho vài Việt kiều. Đối với các Việt kiều do Thạnh thuê thì Thạnh giao hộ chiếu cho Nguyễn Thế Hải (công tác tại PA72 Công an TP Hồ Chí Minh) đóng dấu XNC khống vào 6 hộ chiếu, nhưng ông Hải chỉ thừa nhận Thạnh đã đóng dấu khống vào 3 hộ chiếu và mua tour du lịch Thái Lan cho Việt kiều Hoàng Văn Côn để hợp thức hóa hồ sơ nhập ôtô.

Sau khi vụ án được phát hiện, cơ quan chức năng xác minh tại Cảng vụ hàng không Miền Nam, thể hiện các Việt kiều do Lam và Thạnh thuê hoàn toàn không XNC vào các ngày được đóng dấu trên hộ chiếu. Xác minh tại Văn phòng Interpol Việt Nam có 2 Việt kiều do Lam thuê hoàn toàn không nhập cảnh vào Mỹ năm 2012; xác minh tại các hãng máy bay của nhiều nước, xác định nhiều Việt kiều không mua vé, không đi trên các chuyến bay như các cán bộ Cục An ninh cửa khẩu Bộ Công an đóng dấu, nhập dữ liệu. Cơ quan chức năng cũng tiến hành xác minh tại Công ty TNHH giao nhận Ánh Mai (đại lý của Sunshine Shipping, INC), trong 54 trường hợp được thuê đứng tên nhập khẩu xe không đúng quy định, thì công ty này vận chuyển 22 chiếc, người trả tiền ở bên Mỹ là Helena Phạm và Sỹ.

Gây thất thu thuế trên 200 tỷ đồng

Tại cơ quan điều tra, lúc đầu Bùi Khắc Hà lúc đầu không thừa nhận việc đóng dấu kiểm chứng XNC khống cho các Việt kiều vì mang ơn Lam giúp gia hạn visa cho ông Michael Nguyễn (quốc tịch Mỹ, cậu bên vợ Hà) vào năm 2009. Sau đó Lam giao cho Hà một số hộ chiếu do Việt Nam cấp cho Việt kiều để nhờ Hà đóng dấu XNC khống. Lý do Lam đưa ra là các Việt kiều đó già yếu hoặc là người quen của Lam…, Hà cũng chưa gặp mặt những Việt kiều đó. Sau khi bị bắt, Hà thừa nhận việc đóng dấu XNC khống vào hộ chiếu là sai quy định, trái pháp luật. Hà cũng khai không nhận bất cứ lợi ích vật chất nào từ Lam, tuy nhiên việc đóng dấu khống lên 16 hộ chiếu để hợp thức hóa việc buôn lậu 16 ôtô gây thất thu thuế cho Nhà nước trên 55 tỷ đồng.

Còn Nguyễn Giang Lam cũng không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng qua kết quả giám định chữ viết của Lam, cơ quan chức năng xác định Lam trực tiếp thỏa thuận thuê, trực tiếp đóng dấu kiểm chứng XNC trên hộ chiếu 36 Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập lậu 36 ôtô và 9 xe môtô (tổng trị giá trên 232 tỷ đồng), tổng số thuế phải nộp nếu không được miễn là trên 148 tỷ đồng.

Đối với 54 Việt kiều được thuê mướn, cơ quan điều tra cũng mời làm việc 32 người và họ thừa nhận đứng tên giúp Lam nhập khẩu xe ôtô. Trong đó có 5 người không nhận lợi ích vật chất, 27 người được Lam cho từ 1.000 USD – 5.000 USD, có 21 Việt kiều làm đơn tự nguyện nộp lại số tiền do Lam trả để khắc phục hậu quả gần 876 triệu đồng và 4.300 USD. Các Việt kiều do Thạnh thuê mướn, được trả công từ 1.000 USD – 9.000 USD, có 5 người nộp lại trên 379 triệu đồng. Tất cả những người này không bị xử lý hình sự vì không cố ý.

Cơ quan điều tra cũng kê biên 54 ôtô và 12 xe môtô, tuy nhiên sau đó xác định hàng chục ôtô đã được người thứ 3 mua ngay tình, hợp lệ nên đến thời điểm hiện tại chỉ còn kê biên và chưa cho giải quyết sang tên đối với 10 ôtô và 12 xe môtô.

Tại phiên xử sơ thẩm lần đầu vào năm 2016, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Lam và Vinh mỗi bị cáo 16 năm tù, Thạnh 12 năm tù, Nguyên 9 năm tù về tội “Buôn lậu”. HĐXX sơ thẩm năm 2016 cũng quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và Phòng PA72 Công an TP Hồ Chí Minh. Sau đó, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2016, yêu cầu điều tra, xét xử lại.

Bài, ảnh: Tân Tiến

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thue-54-viet-kieu-dung-ten-nhap-oto-de-buon-lau-324719.html