'Thùng thuốc súng' ở vùng Vịnh

Ngay trong cuộc tập trận vừa diễn ra trước khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố 'đối thoại vô điều kiện' với Iran thì biên đội tàu sân bay Mỹ cũng đã diễn tập 'các chiến dịch mô phỏng tấn công' và sẵn sàng tham chiến khi được bật đèn xanh. Nói cách khác, thùng thuốc súng đang được chất lên xung quanh Iran.

Vừa điều binh, vừa kêu gọi đối thoại

Một ngày sau khi nhóm tàu sân bay tác chiến Abraham Lincoln của Mỹ phối hợp tập trận với các oanh tạc cơ B-52 trên biển Ảrập gần lãnh hải của Iran, từ Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẵn sàng đối thoại với Tehran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này mà “không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

“Nhưng chúng tôi tất nhiên chỉ chuẩn bị cho một cuộc đối thoại như thế nếu Iran có thể chứng tỏ rằng họ hành xử như một quốc gia bình thường” - ông Mike Pompeo nói thêm.

Đáp lại, phía Iran bác bỏ thẳng thừng đề nghị đối thoại của Mỹ, gọi đây là một kiểu “chơi chữ” mới của Washington.

Nếu như đang tồn tại các kiểu chơi chữ lắt léo giữa Washington với Tehran qua những vòng đấu khẩu giữa hai bên thì có khi đó còn là điều may mắn cho an ninh Vùng Vịnh cũng như phần còn lại của thế giới. Thế nhưng, trên thực tế lại không phải thế.

Sức ép đang đè nặng lên nước Cộng hòa Hồi giáo ở Vùng Vịnh khi mà các lực lượng quân sự Mỹ đang áp sát từ nhiều hướng, trong đó có những con chủ bài chiến lược của các lực lượng vũ trang Mỹ như tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược B-52.

Ngay trong cuộc tập trận vừa diễn ra trước khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố “đối thoại vô điều kiện” với Iran thì biên đội tàu sân bay Mỹ cũng đã diễn tập “các chiến dịch mô phỏng tấn công” và sẵn sàng tham chiến khi được bật đèn xanh.

Nói cách khác, thùng thuốc súng đang được chất lên xung quanh Iran.

Nhóm tàu sân bay tác chiến Abraham Lincoln của Mỹ phối hợp tập trận với các oanh tạc cơ B-52 trên biển Ảrập. Ảnh: L.G.

Xác lập di sản đối ngoại

Con đường đi tới điểm nóng gay gắt hiện nay trong quan hệ giữa Mỹ với Iran đã khởi đầu từ hai năm trước, khi ông Trump vào Nhà Trắng. Trong vô số những công việc mà vị tỷ phú địa ốc bất ngờ trở thành Tổng thống Mỹ thực hiện trên cương vị nhà lãnh đạo nước Mỹ, việc xác lập cho chính mình một di sản đối ngoại, lĩnh vực mà hiển nhiên ông Trump có ít kinh nghiệm, là một nhiệm vụ hàng đầu.

Tư tưởng nhất quán của quá trình xác lập di sản này là làm sao tạo ra sự khác biệt càng nhiều càng tốt với những người tiền nhiệm của ông Trump.

Vốn tự cho mình là một nhà thương thuyết đại tài (ít nhất là đã thể hiện thành công trong lĩnh vực kinh doanh), ông Trump áp dụng sở trường của mình vào địa hạt chính trị.

Phương châm cơ bản của phương pháp này: đòi xem xét lại những thỏa thuận cũ, sửa đổi hoặc thậm chí đập bỏ các thỏa thuận, gây sức ép tối đa lên các đối tác hoặc đối thủ để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán và khi ấy, ông Trump với kinh nghiệm thương thuyết dày dạn của mình, sẽ buộc các đối tác hay đối thủ chấp nhận những thỏa thuận mới với tiêu chí mang lại lợi ích tối đa cho nước Mỹ.

Tuy vậy, địa hạt chính trị không phải là kinh tế và các đối tác hay đối thủ của ông Trump bên bàn đàm phán bây giờ không phải là những tay mơ dễ dàng chấp nhận thỏa hiệp để nhận phần thua thiệt về mình. Lý do đơn giản bởi vì lợi ích an ninh quốc gia không phải là những gì có thể dễ dàng bị đánh đổi.

Nên có những trường hợp ông Trump thành công nhưng trong đa số trường hợp, thực tế cho thấy ông Trump vẫn dang dở trong các dự định của mình.

Những bất cập của một chính sách

Điều oái oăm là phần lớn những trường hợp ông Trump thành công chỉ là khi ông áp dụng chính sách gây sức ép đối với các bạn bè, đồng minh của Mỹ! Như khi ông đòi xét lại Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA mà Mỹ đã ký với Mexico và Canada, chẳng mấy chốc đã xuất hiện một hiệp định mới USMCA, theo đó cả Mexico và Canada đều phải chấp nhận có những sự nhượng bộ đối với Mỹ.

Hay khi ông đe các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) rằng họ phải tăng đóng góp chi phí quốc phòng lên mức 2% GDP, nếu không Mỹ sẽ rút bớt sự bảo trợ cho châu Âu, thậm chí còn dọa sẽ rút khỏi NATO(!), vậy là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lập tức có chuyển biến ngay, mức chi phí quốc phòng của một số thành viên tăng lên rõ rệt!

Nhưng khi ông Trump, ngay trong sắc lệnh đầu tiên trên cương vị tổng thống quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thời gian sau, đã xuất hiện hiệp định mới CPTPP nhưng không có Mỹ! Cũng chưa thấy lời mời đàm phán nào để Mỹ có thể tham gia vào cơ cấu mới này.

Rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Mỹ gặp phải vô số lời chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới về sự thiếu trách nhiệm đối với vận mệnh loài người trước mối đe dọa mang tính toàn cầu do biến đổi khí hậu.

Đảo ngược hoàn toàn chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Cuba, gây sức ép bằng các khôi phục lại những biện pháp cấm vận phong tỏa cũ kỹ, những gì đạt được cho đến nay vẫn chỉ là một Cuba kiêu hãnh trên sóng biển Caribe sẵn sàng đối chọi với những khó khăn như đã từng có trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Can thiệp thô bạo vào Venezuela bằng cách chính thức công nhận một nhân vật đối lập, động thái đó của Mỹ chỉ mới đủ để gây thêm hỗn loạn cho quốc gia Mỹ latinh này, chứ chính quyền của Tổng thống Maduro vẫn đứng vững.

Khai hỏa cuộc thương chiến với Bắc Kinh, nước Mỹ của ông Trump bị cuốn vào một vòng xoáy xung đột kinh tế, thương mại chưa biết bao giờ mới chấm dứt và đối thủ Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc "trường chinh mới", hứa hẹn còn lâu Washington mới có thể áp đặt được những điều kiện của mình.

Và Triều Tiên! Từ gây sức ép tối đa về tâm lý với những lời tuyên bố đe dọa về "nút bấm hạt nhân" cho đến những lời ngọt nhạt về mối quan hệ riêng tư tốt đẹp giữa ông Trump với Chủ tịch Kim, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ một thỏa thuận chính thức nào được ký kết giữa hai bên.

Lực lượng phản ứng nhanh Iran tuần tra trên eo biển Hormut. Khi xảy ra xung đột, việc phong tỏa eo biển Hormut là không thể tránh khỏi.

"Đáp đền tiếp nối"

Trong trường hợp Iran, người ta đã nói đến hình mẫu quan hệ của Mỹ với Triều Tiên, khi chiến thuật gây áp lực tối đa cùng với những tuyên bố sẵn sàng ngồi xuống đối thoại mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào, đã dẫn tới 2 cuộc gặp thượng đỉnh.

Dẫu chưa có thỏa thuận thì ít nhất việc hai nhà lãnh đạo ngồi xuống trò chuyện với nhau ở Singapore và Hà Nội cũng đã là thành công rồi.

Nhưng Iran không phải là Triều Tiên.

Tháng 7-2015, tại Vienna (Áo), Iran cùng với 5 cường quốc Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức ký hiệp định về chương trình hạt nhân của nước này sau 18 tháng đàm phán cam go.

Thỏa thuận Iran ký với nhóm P5+1, thường được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, được ông Trump đánh giá là "thảm họa".

3 năm sau, tháng 5-2018, ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi JCPOA, khôi phục lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Rất có thể JCPOA chưa phải là một thỏa thuận hoàn hảo nhưng ít nhất, nó cũng có vai trò làm chậm lại quá trình phát triển hạt nhân của Tehran. Bằng cách rút khỏi JCPOA, ông Trump đã kích hoạt chuỗi các hành động phản ứng có thể tạo ra căng thẳng và cuốn nhiều bên vào vòng xoáy leo thang, dẫn tới nguy cơ xung đột.

Tiếp đó, Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố, chấm dứt quy chế miễn trừ đối với một số nước được phép mua dầu mỏ của Iran, tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung và trong một động thái không thể nào hiểu khác hơn là hành động đe dọa trực tiếp, đã phái biên đội tàu sân bay tấn công cùng các "pháo đài bay" chiến lược B-52 tới khu vực.

Như có thể đoán trước về một hành động "đáp đền tiếp nối", Iran tuyên bố ngừng tuân thủ một phần thỏa thuận hạt nhân JCPOA và sẽ hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này nếu châu Âu trong vòng 60 ngày không tìm ra được cách thức duy trì thỏa thuận và mang lại lợi ích kinh tế cho Tehran.

Tehran cương quyết không chấp nhận những đòi hỏi của Mỹ, coi các biện pháp trừng phạt của Washington là hành động "khủng bố kinh tế nhằm vào dân thường". Iran cũng có không ít con bài giấu trong tay áo mà việc phong tỏa eo biển Hormut nếu xung đột nổ ra là một khả năng không thể bỏ qua.

Việc các tàu chở dầu của Ảrập Xêút bị tấn công ở ngoài khơi Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, rối sau đó một số cơ sở dầu mỏ bị tấn công bằng máy bay không người lái (hiện cả hai vụ việc đều chưa xác định được thủ phạm), cho thấy những diễn biến khó lường và vô cùng nguy hiểm một khi vòng xoáy căng thẳng tiếp tục leo thang, khó tránh khỏi một cuộc xung đột có thể dẫn tới chiến tranh.

Đánh giá về những động thái vừa điều binh vừa bắn tiếng muốn hòa đàm của Mỹ, Ngoại trưởng Iran cho rằng đó là "kỹ xảo" gây áp lực trên bàn đàm phán của Tổng thống Trump. Nếu xem xét toàn bộ các phương thức hoạt động đối ngoại của ông Trump từ trước đến giờ, người ta hy vọng rằng đó là một đánh giá chính xác.

Và hy vọng rằng ông Trump không rơi vào quy luật của nước Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua: mỗi tổng thống đều cần có một cuộc chiến tranh!

Yên Ba

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/thung-thuoc-sung-o-vung-vinh-548735/