Thùng thuốc súng với nguy cơ đối đầu Mỹ - Iran cận kề

Những nhân vật có lập trường diều hâu của cả Washington lẫn Tehran đang đẩy căng thẳng Mỹ - Iran đến ngưỡng nguy hiểm, khiến giới quan sát quốc tế lo ngại xung đột bùng nổ.

7h sáng thứ hai, ngày 29/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bất ngờ chủ trì cuộc họp với các quan chức tình báo và quốc phòng hàng đầu của chính phủ, NBC News dẫn nguồn tin từ sáu quan chức chính phủ Mỹ. Một động thái bất thường báo hiệu sắp có những chuyển biến mạnh mẽ về chính sách an ninh.

Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thường họp tại Phòng Tình huống trong Nhà Trắng. Tuy nhiên, cuộc gặp cuối tháng 4 được tổ chức ở Langley - trụ sở chính của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Tham dự buổi họp có Giám đốc CIA Gina Haspel, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats.

Theo nhiều quan chức CIA và quân đội Mỹ đã về hưu, những cuộc gặp tại trụ sở cơ quan tình báo thường để báo cáo kết quả một chiến dịch nhạy cảm vừa kết thúc hoặc hoạch định các phương án cho những chiến dịch mới.

Sáu ngày sau cuộc họp tại Langley, John Bolton tuyên bố Mỹ triển khai tàu sân bay hạt nhân đến Vịnh Ba Tư và phi đội máy bay ném bom đến Trung Đông. Động thái này theo lời của Bolton nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Iran. Ông cảnh cáo Washington sẵn sàng đáp trả cương quyết bằng vũ lực mọi hành động tấn công nhắm vào lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Cuộc họp bí ẩn tại trụ sở CIA diễn ra giữa lúc Washington và Tehran đang lao vào một vòng xoáy leo thang căng thẳng. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố không muốn một cuộc chiến với Iran, nhưng những hành động của họ lại gửi đi thông điệp ngược lại.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc Nhà Trắng đang leo thang căng thẳng với Iran nhằm dọn đường cho một cuộc chiến mới. "Tôi lo sợ chính phủ Trump sẽ dẫn chúng ta lao vào cuộc chiến không cần thiết với Iran", Thượng nghị sĩ Tim Kaine của bang Virginia, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, hôm 7/5 nhận định.

Giới quan sát chính trị Mỹ không khỏi rùng mình khi nhận thấy tình hình hiện nay có nhiều điểm chung với quá trình dẫn đến chiến tranh Iraq năm 2003, với tâm điểm là sự xuất hiện của John Bolton, tạp chí Foreign Policy nhận định.

Bolton, với vai trò thứ trưởng ngoại giao đặc kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế (2001-2005), là tiếng nói hàng đầu của chính quyền Tổng thống George W. Bush cổ súy phát động chiến tranh Iraq. Ông bị cáo buộc can thiệp vào thông tin tình báo để tạo cớ cho chiến dịch xâm lược được nhiều người nhìn nhận là thảm họa chính sách đối ngoại với nhiều hệ lụy cho an ninh Mỹ và khu vực. Trong một phát biểu năm 2015, Bolton vẫn nói không hối hận khi tham gia đưa Mỹ vào cuộc chiến lật đổ chính quyền Saddam Hussein và tạo ra một Iraq hỗn loạn suốt 16 năm qua.

Bolton trở lại nội các chính phủ Mỹ với vị trí thậm chí còn quyền lực hơn trước kia và đang nổi lên là nhân vật chi phối chính sách về Iran. Vị cố vấn nổi tiếng "diều hâu" một lần nữa dựa trên các thông tin tình báo về mối đe dọa an ninh, lần này được cung cấp bởi chính phủ Israel, để gia tăng hiện diện quân sự tại Vịnh Ba Tư.

Bolton chưa bao giờ che giấu mong muốn thay đổi thể chế tại Tehran. Trong bài bình luận viết trên Washington Times năm 2015, ông tuyên bố giải pháp thực chất để chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran là loại bỏ chính phủ Iran hiện nay. Hồi tháng 2, khi Iran tổ chức kỷ nhiệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo, Nhà Trắng lại công bố video trong đó Bolton đe dọa trực tiếp Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.

"Tôi nghĩ ông không còn nhiều lễ kỷ niệm để ăn mừng nữa đâu", Bolton đưa ra lời đe dọa đầy thù địch, chỉ một tháng sau khi xuất hiện thông tin ông đòi Lầu Năm Góc trình bày các phương án dội bom Iran vì phiến quân nã đạn cối vào thủ đô Baghdad của Iraq.

Dù Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ thu thập được thông tin tình báo vô cùng uy tín về những mối đe dọa từ Iran, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan vẫn không hé lộ chi tiết báo cáo với quốc hội. Điều này tương tự những gì đã diễn ra trước chiến tranh Iraq, khi ông Bolton "chọn lọc thông tin tình báo phù hợp với mục tiêu của mình", theo Greg Thielmann, cựu quan chức tình báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Tôi tự hỏi liệu kịch bản lần này sẽ tương tự chiến tranh Iraq. Ông Bolton thèm khát cuộc chiến với Iran và đang tìm kiếm một cơ hội. Bolton buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải đáp ứng nhanh chóng các ưu tiên và lợi ích mà ông ấy đặt ra. Ông ấy muốn dư luận nhìn nhận mình là người lèo lái chính sách về Iran", Loren DeJonge Schulman, cựu quan chức Lầu Năm Góc, cảnh báo.

Mỹ đang siết chặt gọng kìm quân sự vây quanh Iran. Sau khi John Bolton đưa ra lời đe dọa sẵn sàng đáp trả mối đe dọa Iran bằng vũ lực, Lầu Năm Góc lập tức tăng viện hàng loạt khí tài chiến lược cho lực lượng Mỹ đồn trú tại khu vực.

Quân đội Mỹ hôm 9/5 công bố hình ảnh tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln rẽ sóng tại Vịnh Ba Tư, chỉ bốn ngày sau thông báo của cố vấn an ninh Nhà Trắng. Hộ tống tàu sân bay lớp Nimitz là năm tàu chiến: USS Bainbridge, USS Mason, USS Nitze, USS Leyte Gulf và tàu ESPS Mendez Nunez của Tây Ban Nha. Tốc độ chuyển quân hối hả đến mức đáng lo ngại.

Phi đội máy bay ném bom số 20 từ Căn cứ Không quân Barksdale tại bang Louisiana hạ cánh tại Qatar và một căn cứ ở "Tây Nam Á" cuối tuần qua. Pháo đài bay B-52H cũng xuất hiện tại sân bay quân sự Al Udeid, nơi đặt căn cứ tiền phương của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ với hơn 10.000 quân đồn trú.

Chỉ vài tháng sau khi rút bốn hệ thống phòng không Patriot khỏi Vùng Vịnh, Lầu Năm Góc ngày 10/5 thông báo tái điều động một đơn vị phòng thủ tên lửa quay lại khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho luân chuyển tàu đổ bộ ở Trung Đông, đảm bảo những yêu cầu an ninh trong tình hình hiện nay. USS Arlington đã đến Vịnh Ba Tư, chở theo trực thăng và lính thủy quân lục chiến. Một tàu đổ bộ khác là USS Kearsarge được điều sang biển Arab lân cận.

Đó là chưa tính đến lực lượng Mỹ đang hiện diện trong khu vực. Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ vẫn duy trì mạng lưới dày đặc các căn cứ quân sự và đồng minh giàu có bao vây Iran. Họ có Hạm đội 5 với 7.000 quân đóng tại Bahrain, 13.000 quân ở các căn cứ tiền phương tại Kuwait, 5.000 nhân sự tại căn cứ không quân Al Dhafra tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và 10.000 quân ở căn cứ không quân Al Udeid của Qatar.

Một số chuyên gia đánh giá động thái tăng viện khí tài chiến lược đến Trung Đông vẫn là bước đi chừng mực. USS Abraham Lincoln chỉ cắt ngắn chuyến hải trình quốc tế để đến Vịnh Ba Tư, chấm dứt giai đoạn "tàu sân bay vắng mặt" bất thường tại khu vực. Trong khi đó, tàu đổ bộ USS Arlington chỉ thay thế một tàu khác có chức năng tương tự ở vùng biển, chứ chưa hẳn là quyết định bổ sung lực lượng. Dẫu vậy, việc điều chuyển bốn máy bay ném bom chiến thuật cùng đội tàu sân bay hùng hậu đến Vịnh Ba Tư vẫn là thông điệp cảnh cáo nặng ký và đe dọa an ninh của Iran.

Không dừng ở đó, các chiến lược gia tại Lầu Năm Góc tuần qua bắt đầu chuẩn bị kế hoạch triển khai quân đội và khí tài với quy mô lớn hơn tại Trung Đông, được lệnh sẵn sàng hành động nếu xung đột quân sự nổ ra, theo New York Times. Hai quan chức Mỹ tiết lộ Washington có thể gửi thêm hàng chục nghìn quân đến Trung Đông, chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố ý định rút quân khỏi Iraq và Syria.

"CENTCOM đã bắt đầu xây dựng đề xuất tăng viện nhằm đối phó với những bằng chứng rõ rệt trong thời gian qua, cho thấy Iran và những lực lượng họ chống lưng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ", phát ngôn viên Bill Urban của CENTCOM nhấn mạnh.

Những bước đi gia tăng sức ép kinh tế và quân sự của Washington có thể lôi Iran nhảy vào vòng xoáy leo thang nguy hiểm với "rủi ro bùng nổ chiến tranh tăng theo từng ngày", theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman.

Kể từ khi Tổng thống Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2017, Washington không ngừng gia tăng sức ép lên Iran với đòn trừng phạt kinh tế. Loạt cấm vận mới nhất vừa được công bố hôm 8/5 tiếp tục làm quốc gia Trung Đông phải khốn đốn. Xuất khẩu nhôm, thép, sắt và đồng - nguồn lợi nhuận lớn nhất của Iran ngoài khu vực dầu khí - cũng rơi vào vòng kìm kẹp của hàng rào cấm vận.

Các quan chức chính phủ Trump tin rằng gọng kìm kinh tế đang phát huy hiệu lực, làm tổn thương trầm trọng nền kinh tế của cựu thù ở Trung Đông, cắt đứt nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và thúc đẩy lạm phát phi mã tại nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 4 đánh giá lạm phát tại Iran đạt 37% trong năm nay, dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm khoảng 6%.

Những khiêu khích từ Washington như tiếp thêm lửa cho nhóm bảo thủ tại Tehran và tăng sức ép lên Tổng thống Hassan Rouhani. Ông là một trong những "kiến trúc sư" cho Kế hoạch Hành động Hợp tác Toàn diện (JCPOA) và ủng hộ điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, phe bảo thủ tại Iran lại xem những phản ứng thiếu quyết liệt của Rouhani là dấu hiệu của sự yếu kém. Mức ủng hộ chính phủ giảm từ 76% năm 2015 còn 52% vào tháng 12/2018.

Từ chỗ kiên trì tôn trọng thỏa thuận hạt nhân dù Mỹ vắng mặt, nhà lãnh đạo Iran tuần qua đã cảnh báo khả năng tái khởi động chương trình làm giàu nguyên liệu hạt nhân trong 60 ngày tới. Quyết định của Tổng thống Rouhani được những người ủng hộ lập trường cứng rắn trong chính quyền Iran ca ngợi là "bước đi quyết đoán đầu tiên" trước sức ép từ Mỹ.

Giới chuyên gia lo ngại Iran đã bước chân vào vòng xoáy leo thang căng thẳng của Mỹ. Thế giới có thể quay lại tình cảnh chạy đua đe dọa an ninh giữa Tehran và Washington, khi mỗi lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt sẽ được đáp trả "ăn miếng trả miếng" bằng các bước phát triển hạt nhân và tên lửa của Iran.

Những lực lượng "diều hâu" ở Tehran và Washington đều gia tăng sức ép để lãnh đạo Mỹ và Iran hành động cứng rắn hơn với đối thủ. Mỗi bên đều nắm trong tay số vốn chính trị đủ mạnh mẽ để thúc đẩy các bước khiêu khích phe còn lại nổ súng trước.

Tình báo Mỹ nghi ngờ chiến lược của Tehran là khiêu khích Mỹ tính toán sai lầm hoặc phản ứng thái quá. Họ không muốn một cuộc chiến tổng lực hoặc xung đột vũ trang quy mô lớn với Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc xung đột với quy mô hạn chế có thể thu hút sự ủng hộ của người dân Iran dành cho Tổng thống Rouhani, giảm sức ép nội bộ về tình hình kinh tế đất nước.

Lầu Năm Góc ngày 10/5 cho biết đã phát hiện hoạt động hải quân bất thường của Lực lượng Vệ binh Cách mạnh Hồi giáo Iran (IRGC) trong thời gian qua. Báo cáo tình báo nghi ngờ Iran cho tàu thương mại vận chuyển tên lửa hoặc thiết bị quân sự.

Báo cáo đánh giá giới lãnh đạo Iran muốn các lực lượng được họ chống lưng tổ chức một cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ, hoặc ít nhất là khiến Mỹ tin rằng một vụ tấn công có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều này có thể khiêu khích Washington đáp trả bằng cách tấn công một mục tiêu quân sự của Iran, theo New York Times.

"Iran có động lực chính trị để đáp trả những hành động của Mỹ thời gian qua, sau khi nước này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng còn dư luận xã hội thì bức xúc và phẫn nộ. Người dân Iran muốn nhìn thấy chính phủ phản ứng với sức mạnh", Elizabeth Rosenberg, nhà phân tích chiến lược tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cảnh báo.

Tình hình hiện nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước khi JCPOA được ký kết vào năm 2015, thời điểm Mỹ và Israel tiến sát bờ vực có thể không kích Iran bất kỳ lúc nào. Rủi ro xung đột tăng cao khi các lực lượng được Tehran chống lưng ở khu vực giờ đây hoạt động ngày càng mạnh từ Lebanon, Syria, Iraq đến Yemen - nơi các biệt kích Mỹ đang hỗ trợ chiến dịch can thiệp quân sự của Saudi Arabia, theo đánh giá của Economist

Hai nước dần tiến sát đến viễn cảnh xung đột khi những nhóm có lập trường cứng rắn đang lấn át tại chính trường Washington lẫn Tehran.

Các lãnh đạo quân đội Iran liên tiếp ra thông điệp thách thức sự hiện diện quân sự Mỹ. Lãnh đạo lực lượng không quân của IRGC Amirali Hajizadeh ngày 12/5 còn tự tin đánh giá việc tàu sân bay Mỹ có mặt tại Vịnh Ba Tư là cơ hội để Iran tiêu diệt được nhiều khí tài quân sự và quân nhân Mỹ hơn, theo Reuters.

"Tàu sân bay Mỹ có ít nhất 40-50 máy bay và tập trung gần 6.000 nhân sự. Đây từng là mối đe dọa nghiêm trọng trong quá khứ, nhưng giờ nó đã chuyển hóa thành cơ hội", Hajizadeh nói các lực lượng vũ trang Iran sẵn sàng "đánh vào đầu não" quân Mỹ nếu nước này có động thái quân sự.

So sánh quân số và vũ khí giữa quân đội Mỹ và Iran: Đồ họa: Salamnfws.

So sánh quân số và vũ khí giữa quân đội Mỹ và Iran: Đồ họa: Salamnfws.

Ilan Goldenberg, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, lo ngại những tính toán sai lầm có thể châm ngòi một cuộc chiến mới bùng nổ tại Trung Đông. "Rồi sẽ đến lúc Iran cảm thấy họ cần phải tiến thêm một bước xa hơn", ông cảnh báo.

Tổng thống Rouhani cùng ngày cũng so sánh những áp lực và khiêu kích từ Mỹ với chiến tranh Iran - Iraq vào thập niên 1980. Ông gọi sức ép từ những đối thủ là "cuộc chiến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử" của chính quyền cách mạng Hồi giáo Iran.

Nhà lãnh đạo Iran trước đó đã ra tối hậu thư 60 ngày để Mỹ và những đồng minh châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào xuất khẩu dầu thô của Iran. Chính phủ Tehran cảnh báo sẵn sàng tái khởi động các cơ sở làm giàu nguyên liệu như uranium, plutonium và nước nặng phục vụ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Động thái này có thể là cái cớ mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đang chờ đợi để thuyết phục giới lãnh đạo Mỹ có hành động quân sự nhắm vào Iran. Ông có được sự ủng hộ của bộ sậu các quan chức tình báo và quân sự Mỹ. Việc một cố vấn an ninh quốc gia tự ra thông báo về quyết định điều quân như những gì diễn ra vào ngày 5/5 là chưa từng có tiền lệ, theo nhận định của Greg Thielmann.

Mohammad Marandi, giáo sư Đại học Tehran và cựu thành viên đội ngũ đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran, cho rằng cố vấn Nhà Trắng đang chơi trò chơi nguy hiểm. Ông cảnh báo một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran sẽ đẩy thị trường dầu thô thế giới vào hỗn loạn và gây nên khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng thấy. Cuộc chiến có thể kéo theo sự bùng nổ của một loạt điểm nóng xung đột khác ở khắp Trung Đông.

"John Bolton muốn bắt đầu cuộc chiến với Iran. Ông ấy đang leo thang căng thẳng và hy vọng Iran hành động sai lầm. Nếu Iran không phạm lỗi, ông ấy hy vọng có thể dựng nên lý do khác để đánh lừa Tổng thống Donald Trump chấp thuận cuộc chiến của ông ấy", Trita Parsi, chủ tịch Hội đồng Quốc gia của Người Mỹ gốc Iran (NIAC), trả lời Al Jazeera.

Iran hé lộ nhà máy tên lửa ngầm quy mô bằng cả thành phố Truyền thông Iran bất ngờ đăng tải những hình ảnh của một cơ sở tên lửa ngầm, được mô tả là "thành phố dưới lòng đất", cùng mẫu tên lửa thế hệ mới với tầm bắn gần 1.000 km.

Thanh Danh
Đồ họa: Minh Hồng Ảnh: AFP, AP, Getty

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thung-thuoc-sung-voi-nguy-co-doi-dau-my-iran-can-ke-post945446.html