Thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Cần hành lang pháp lý và động lực để bứt phá

Hiện nước ta có 810 loại thuốc BVTV sinh học với 257 hoạt chất, trong đó, thuốc BVTV sinh học là các vi sinh vật chiếm 13%; thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc chiếm 24%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học còn thấp

Tại hội nghị “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học”do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức vào chiều 2/11, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đến tháng 10 năm 2023, riêng kim ngạch xuất khẩu của ngành trồng trọt là khoảng 22 tỷ USD, đóng góp gần 50% giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Bên cạnh việc đảm bảo kiểm soát sâu bệnh và dịch hại, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt đó là hỗ trợ các chủ trương của ngành nông nghiệp trong việc phát triển ngành bền vững, xanh và chất lượng cao.

Do đó định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV là rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

“Trong danh mục thuốc BVTV hiện nay, thuốc sinh học chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian tới”, ông Trung cho hay.

Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện nước ta có 810 loại thuốc BVTV sinh học với 257 hoạt chất, trong đó, thuốc BVTV sinh học là các vi sinh vật chiếm 13%; thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc chiếm 24%; thuốc BVTV sinh học thuộc nhóm hóa sinh chiếm 63%.

Các loại thuốc này phòng trừ hầu hết các sinh vật gây hại trên các cây trồng khác nhau. Trong số 99 nhà máy sản xuất thuốc BVTV, có 85 nhà máy sản xuất thuốc BVTV sinh học. Tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học đã tăng từ 16,67% (năm 2020) lên 18,49% (năm 2022).

Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt những tháng đầu năm 2023 mang về giá trị hàng chục tỷ USD

Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt những tháng đầu năm 2023 mang về giá trị hàng chục tỷ USD

Theo chia sẻ của tổ chức CropLife châu Á, trên quy mô toàn cầu, ngoài hơn 600 hoạt chất BVTV tổng hợp, hiện có khoảng 300 hoạt chất và sinh vật trừ sâu sinh học. Bắc Mỹ hiện tại là đang là khu vực có tỷ lệ ứng dụng thuốc BVTV sinh học cao nhất.

Giai đoạn 2005 – 2025; mức độ tăng trưởng thị trường thuốc BVTV sinh học bình quân hàng năm là 10% trong khi tỷ lệ này của thuốc hóa học đang giảm 3% mỗi năm.

Tổ chức CropLife châu Á cũng nhấn mạnh vai trò của thuốc BVTV sinh học khi đây được xem là một trong những công cụ hữu hiệu trong chương trình IPM khi kết hợp cùng với các sản phẩm hóa chất nông nghiệp khác, biện pháp canh tác, quản lý thời tiết và các yếu tố đầu vào…để đảm bảo năng suất và chất lượng tối ưu trong việc phòng trừ dịch hại.

Nghiên cứu thuốc sinh học chủ yếu vẫn ở phòng thí nghiệm

Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc BVTV sinh học, Cục BVTV đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”.

Trong công tác quản lý, một số chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc BVTV sinh học so với các thuốc BVTV hóa học đã được ban hành và triển khai. Đối với thuốc BVTV sinh học, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc BVTV sinh học đã được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học vì một nền nông nghiệp sạch và xanh

Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học vì một nền nông nghiệp sạch và xanh

Theo ông Đạt, số liệu từ các địa phương cho thấy trong 3 năm gần đây (2020-2022) tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần qua các năm từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022.

Dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay, nhận thức của doanh nghiệp, người dân và địa phương còn hạn chế; Quy định hiện nay chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để chuyển hướng nghiên cứu phát triển thuốc sinh học; Nghiên cứu về thuốc sinh học tập trung chủ yếu ở bước phòng thí nghiệm.

Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Văn Toản, Phó Giám Đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học được bắt đầu từ những năm 1970 với một số công trình đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín; tuy nhiên cho tới nay có rất ít sản phẩm đang được giới thiệu và thương mại trên thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho rằng, người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Thuốc BVTV sinh học ít được lựa chọn do chi phí cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học. Ông Sơn cho rằng, thuốc BVTV sinh học chưa thể thay thế hoàn toàn thuốc BVTV hóa học trong giai đoạn hiện nay.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn cho rằng, cần đổi mới công tác quản lý thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam bao gồm cập nhật, cụ thể hóa khái niệm thuốc BVTV; bổ sung quy định đối với sản phẩm sinh học mới; đơn giản hóa, loại bỏ một số thủ tục và yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với thuốc BVTV sinh học và đưa ra hướng dẫn về trường hợp thuốc BVTV sinh học được đăng ký đặc cách…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-can-hanh-lang-phap-ly-va-dong-luc-de-but-pha-post556818.antd