Thuốc chữa ung thư Việt Nam: Mong ước nhà khoa học

Sản xuất thuốc điều trị ung thư phải trải qua quá trình phân tích chất lượng thuốc cực kỳ khắt khe.

Trên thị trường hiện nay rất đa dạng những loại thuốc điều trị ung thư nhưng đa số là nhập khẩu. Việt Nam các nhà sản xuất dược phẩm thường nhập nguyên liệu để nghiên cứu sản xuất, nhưng cũng rất ít do mức độ độc hại và nhiều tác dụng không mong muốn của chúng. Vì vậy, quy trình kiểm tra toàn diện, chặt chẽ sản phẩm là rất quan trọng.

Thuốc điều trị ung thư phải được phân tích về tính tương thích, tính đặc hiệu, độ đúng, độ tuyến tính, độ chính xác, độ thô, độ ổn định… nhằm chứng minh tiêu chuẩn chất lượng của từng sản phẩm thuốc là đạt chất lượng và phù hợp với yêu cầu mới của Bộ Y tế.

DSCKI. Phan Thị Mỹ Hoàng được trao chứng nhận tại buổi lễ trao giải Sách Vàng Khoa học Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế này, Dược sĩ CKI Phan Thị Mỹ Hoàng, Phó Trưởng phòng Kiểm nghiệm (Công ty CP Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định Bidiphar) đã cho ra đời tiêu chuẩn dành riêng cho các sản phẩm thuốc điều trị ung thư cho Công ty Bidiphar trong một đề tài khoa học cấp Nhà nước.

Chia sẻ với Báo Đất Việt, Dược sĩ Hoàng cho biết, năm 2010- 2011, đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư” do Bidiphar sản xuất thử nghiệm đã khởi động chiến lược thực hiện sản xuất dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư. Công ty này đã sản xuất thử nghiệm 10.000 lọ sản phẩm, 25 bệnh viện trung ương và địa phương sử dụng điều trị cho bệnh nhân.

Dược sĩ Phan Thị Mỹ Hoàng đã tham gia vào việc nghiên cứu và thẩm định tiêu chuẩn thuốc nói trên. Đây là tài liệu để ứng dụng vào phân tích chất lượng sản phẩm thuốc điều trị ung thư. Khi sản phẩm Carboplatin được đưa vào quy mô công nghiệp, Dược sĩ Hoàng đã nâng cấp tiêu chuẩn của thuốc, lấy mẫu kiểm tra chất lượng và theo dõi độ ổn định của sản phẩm thuốc ở điều kiện thực.

Sau đó, Dược sĩ Hoàng cũng làm chủ các chuyên đề xây dựng và thẩm định tiêu chuẩn cho thuốc tiêm ung thư, thuốc đông khô Epirubicin điều trị ung thư.

Với nghiên cứu này, tất cả các thiết bị phân tích hiện đại như máy sắc ký lỏng hiệu năng cao, tủ an toàn sinh học đôi Class-IIA, Isolator chuyên dụng, tủ cấy vô trùng Laf 100, máy thử nội độc tố…được phát huy hết công suất.

Pha chế thuốc điều trị ung thư bằng thiết bị chuyên dụng Isolator.

Ví như trong sản phẩm tủ cấy vô trùng Laf 100, các dòng khí trong tủ đi theo một chiều và qua một hệ thống lọc sạch 99,995%, áp suất bên trong tủ là áp suất âm. Do đó, trong quá trình sử dụng không tung bụi hay khí ra bên ngoài, hạn chế sự nhiễm vi sinh vật và chất độc cho môi trường, an toàn cho việc thực hiện các thao tác phân tích thuốc.

Việc thử nghiệm sản phẩm này đã đảm bảo an toàn cho môi trường, người sử dụng, giảm tối đa sự can thiệp của con người trong khu vực chế biến, phân tích.

Với điều kiện môi trường cách ly, trang thiết bị hiện đại, kiến thức chuyên sâu cùng với công nghệ sáng kiến cải tiến giúp công ty mở rộng chiến dịch sản xuất và nâng cao chất lượng thuốc điều trị ung thư.

Bên cạnh đó, dòng thuốc ung thư ra đời góp phần ổn định thị trường thuốc, tiết kiệm
ngoại tệ nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế
- xã hội, phục vụ tốt công tác phòng chữa bệnh và là tín hiệu đáng mừng cho các
bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Vất vả người nữ làm khoa học

Mang công việc của người xây dựng thước đo, tiêu chuẩn cho thuốc điều trị ung thư, Dược sĩ Hoàng cho biết, người phân tích kiểm nghiệm phải nằm lòng 4 yếu tố: Tỉ mỉ, chính xác, trung thực và khách quan.

Dược sĩ Mỹ Hoàng không ngại khó vì nghiên cứu thuốc điều trị ung thư.

“Để tạo ra một thuốc mới cần phải trải qua quá trình lâu dài và nghiêm ngặt, đặc biệt với thuốc điều trị ung thư. Thuốc là một sản phẩm đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe và cả tính mạng của người sử dụng. Một sản phẩm đưa ra ngoài buộc phải đảm bảo chất lượng thuốc, đạt các yêu cầu theo tiêu chuẩn đã đăng ký. Đây là quá trình liên tục, ngay cả khi tiêu chuẩn đã được thẩm định cấp phép” - Dược sĩ Hoàng nói.

Dược sĩ Hoàng cho hay, là một nhà nghiên cứu, đam mê với khoa học thì gia đình là điều mà bất cứ nhà khoa học nữ nào cũng cảm thấy xót xa.

Để hoàn thiện những công trình khoa học xuất sắc, Dược sĩ Hoàng cũng phải đánh đổi nhiều thứ. May mắn thay, gia đình luôn ủng hộ và động viên Dược sĩ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, một công trình nghiên cứu để hoàn thiện buộc phải trải qua rất nhiều công đoạn và có sự tham gia của các đồng nghiệp, cộng sự. Không phải đồng nghiệp nào cũng có thể đủ điều kiện để tập trung nghiên cứu.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Anh chị em nào cũng có những khó khăn riêng, có thể ảnh hưởng chút ít đến quá trình phát triển nghiên cứu chung. Khi một công việc bị gián đoạn, mình buộc phải thế chân vào vị trí đó. Có những người trẻ tuổi, hết sức tâm huyết nhưng kiến thức khoa học lại chưa đủ vững để tham gia vào công trình nghiên cứu, mình cũng dành thời gian để hướng dẫn các em" - Dược sĩ Hoàng nói.

Song nữ Dược sĩ cũng cho rằng, điều này là hoàn toàn bình thường ở bất cứ nơi đâu và không coi đó là khó khăn chung trong quá trình nghiên cứu khoa học.

“Tôi vẫn tiếp tục với các nghiên cứu mới của mình và cũng chỉ mong có thể truyền được kinh nghiệm cho đồng nghiệp trẻ là vui rồi” - Dược sĩ Phan Thị Mỹ Hoàng chia sẻ.

Ngày 30/8 vừa qua, công trình khoa học “Xây dựng và thẩm định phương pháp phân tích cho các sản phẩm thuốc tiêm điều trị ung thư” của Dược sĩ Phan Thị Mỹ Hoàng đã được lọt vào danh sách 73 công trình khoa học ghi danh trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thuoc-chua-ung-thu-viet-nam-mong-uoc-nha-khoa-hoc-3364871/