'Thuốc đặc trị' phương tiện tác chiến điện tử Nga của Mỹ

Người Nga giật mình nhận ra rằng Mỹ đã đi trước mình rất xa trong lĩnh vực vũ khí xung điện từ

Tuy nhờ nghiên cứu kịp thời các chiến lợi phẩm thu được tại Syria mà Nga đã nhanh chóng tập trung tiến hành nhiều công trình khoa học, nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm. Nhưng liệu có kịp không?

Các tên lửa Mỹ lớp “không đối đất” AGM-158 JASSM (Ảnh: AP/ ТАSS)

Các tên lửa Mỹ lớp “không đối đất” AGM-158 JASSM (Ảnh: AP/ ТАSS)

Chúng tôi mới giới thiệu bài “Những sát thủ vô hình' Nga có thể thay đổi chiến tranh” nói về vũ khí tác chiến điện tử (TCĐT) Nga.

Nay lại xin giới thiệu một bài viết và phỏng vấn chuyên gia quân sự Viktor Mukharovski của nhà báo Nga Aleksandr Sitnhikov về một loại vũ khí Mỹ có thể “trị được” vũ khí TCĐT Nga – đó là vũ khí xung điện từ với các tiêu đề (nguyên văn- Nga không nhận ra là Lầu Năm Góc đã có vũ khí xung điện từ” và phụ đề trên để bạn đọc tham khảo. Sau đây là nội dung bài viết.

I. Phần giới thiệu của Aleksandr Sitnhikov

Chiến dịch PR dài dằng dặc đang được Bộ Quốc phòng Nga tiến hành để “khoe” những thành tựu chưa từng có của “ngành công nghiệp quốc phòng Nga” có thể so sánh với những chiến dịch tuyên truyền tương tự trong những năm 1938−1941 trước chiến tranh (Vệ quốc Vĩ đại 1941-1945), kiểu như:

“Hồng quân (Liên Xô) mạnh hơn tất cả (các quân đội khác)”. Quả thực, cả khi đó (trong các năm 1938-1941) và cả hiện nay, chúng ta (Liên Xô- Nga) đã có và đang có những mẫu vũ khí tuyệt vời. Nhưng mọi việc nói chung đã kết thúc như thế nào trong năm 1941 (năm đầu Chiến tranh)- mọi người đều biết cả rồi (Hồng quân thất bại nặng nề-ND).

Có lẽ chính vì thế mà đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt những chiến dịch” tung hô” (vũ khí Nga) thái quá rất nguy hiểm chăng? Và nên nhìn thẳng vào sự thật, chứ không qua những lăng kính màu hồng chăng?

Một trong những sự thật đó là: Nga, căn cứ vào tất cả những thông tin mới được biết, đang tụt hậu rất xa, nếu không nói là cực kỳ xa, so với Mỹ trong một lĩnh vực chế tạo một lớp vũ khí mới.

Ở phía bên kia đại dương (Mỹ), những hệ thống tác chiến xung điện tử (EMP) cực mạnh có khả năng chỉ trong chớp mắt làm tê liệt hoạt động của các sở chỉ huy và các đầu mối liên lạc của chúng ta (Nga) đang được sản xuất hàng loạt.

Trong thời chiến, điều đó có nghĩa là (Bộ tư lệnh Nga) đột ngột mất khả năng chỉ huy bộ đội.

Về mối đe dọa thực sự từ những tên lửa có cánh (hành trình) tầm xa Mỹ trang bị các hệ thống EMP, Bộ Quốc phòng Nga có vẻ như không muốn công bố rộng rãi cho công chúng biết.

Tuy vậy, rất nhiều khả năng là ở những cấp cao nhất, người ta đã nhận thức được mức độ nguy hiểm từ mối đe dọa này. Ít nhất thì Phó tổng giám đốc “Tekhmash” (một chi nhánh của Rostekh- Rostekh- tập đoàn nhà nước Nga thành lập năm 2007 chuyên hỗ trợ nghiên cứu thiết kế, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp dân sự và quân sự công nghệ cao-ND) Aleksandr Kochkin mới đây đã nói với (thông tấn xã) TASS rằng:

“Vấn đề chế tạo loại vũ khí này (tên lửa mang đầu đạn phát EMP và tên lửa tác chiến điện tử hiện đang được bàn thảo. Đã có những ý tưởng mang tính học thuật và chúng tôi đã sẵn sàng biến những ý tưởng đó thành hiện thực nếu có những yêu cầu như vậy từ phía khách hàng”.

Trời ạ, nhưng ngay sau đó chúng ta lại được biết rằng khách hàng (Bộ Quốc phòng Nga) có vẻ như không vội vã lắm. Vẫn theo lời Kochkin, cho đến nay, Bộ Quốc phòng Nga vẫn còn chưa chuyển (cho nhà sản xuất) các nhiệm vụ kỹ thuật của những loại vũ khí đó.

(Xin mở ngoặc- nhiệm vụ kỹ thuật- nói nôm na- văn bản liệt kê các yêu cầu của bên đặt hàng đối với sản phầm như tính năng kỹ- chiến thuật, số lượng, thời hạn giao hàng và v.v, hiểu nôm na- đơn đặt hàng ban đầu -ND).

Nếu như những tin tức này xuất hiện 5, hoặc tốt hơn nữa – 10 năm về trước, (Nga) có thể vẫn còn kịp chơi trò “đuổi bắt” (và đuổi kịp) với (các tập đoàn) Boeing, Raytheon và Lockheed Martin (Mỹ). Những tập đoàn này từ trước đây rất lâu đã chế tạo các thiết bị phát EMP lắp trên các tên lửa có cánh.

Còn đến bây giờ, để thu hẹp được khoảng cách này, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ phải áp dụng những biện pháp hết sức khẩn cấp. Bất chấp giọng điệu cố tỏ ra bình tĩnh của nhà thiết kế như vừa nói ở trên (“Tekhmash-ND).

Trong khi đó thì người Mỹ, trong suốt một thời gian dài, đến tận hôm nay họ gần như không hề giấu diếm chương trình này của mình.

Cụ thể, ngày 14/5/2014, người Mỹ công khai khoe rằng tại một căn cứ quân sự ở Utah, họ đã thử nghiệm thành công tên lửa có cánh mới nhất AGM-158 JASSM và tên lửa này trong khi đang bay đã phát EMP công suất tương đương với EMP của một vụ nổ đầu đạn hạt nhân trên không và đã phá hỏng các máy tính quân sự đang làm việc trong hầm ngầm sâu dưới lòng đất.

Thiếu tướng (Mỹ) Thomas Masiello, khi bình luận về tin này đã nói rằng công nghệ làm tê liệt các thiết bị điện tử bằng các xung năng lượng cao đã chín muồi và (các thiết bị phát xung) đã được thu nhỏ kích thước đủ để lắp cho các tên lửa hành trình AGM-158 JASSM-ER.

Chúng ta đã có thể mạnh dạn khẳng định rằng, khác với các tên lửa "Tomahawk" đã quá nổi tiếng,- lúc mới triển khai thiết kế thì chức năng dự định của tên lửa AGM-158 chỉ là "Sát thủ tầm xa các hệ thống TCĐT Nga". Nhưng hiện nay, như mới được biết, nó còn là “sát thủ” cả các sở chỉ huy và đầu mối (trạm) thông tin liên lạc (Nga).

Tên lửa AGM-158 có tầm bắn tới hơn 1.000 km. Và chúng thuộc lớp các thiết bị khí- động học tàng hình bay đến mục tiêu ở chế độ im lặng vô tuyến tuyệt đối và trong điều kiện tín hiệu GPS bị nhiễu chế áp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/thuoc-dac-tri-phuong-tien-tac-chien-dien-tu-nga-cua-my-3380961/