Thuốc điều trị đau dạ dày

Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày. Các thuốc điều trị đau dạ dày cần nhắm vào nguyên nhân gây bệnh.

Nội dung

2. Thuốc kháng axit (nhóm kháng histamin H2)

3. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Đau dạ dày là thuật ngữ dùng để mô tả cảm giác khó chịu ở bất kỳ vị trí nào vùng dạ dày. Đau dạ dày có thể âm ỉ hoặc dữ dội, liên tục hoặc ngắt quãng, lan khắp vùng bụng hoặc chỉ riêng lẻ ở một chỗ.

Các biểu hiện như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và trào ngược... đồng thời người bệnh có thể cảm thấy đau nhói hoặc âm ỉ vùng dạ dày.

Nguyên nhân gây đau dạ dày có thể do:

Trào ngược axit
Viêm loét dạ dày
Táo bón
Ngộ độc thực phẩm
Ung thư dạ dày
Vi khuẩn H.Pylori…

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau dạ dày, bác sĩ có thể kê đơn một trong các thuốc (hoặc phối hợp các thuốc) dưới đây:

1. Thuốc chống đầy hơi simethicone

- Tác dụng: Simethicone (Gas-X, Mylanta) có thể giúp giảm đầy hơi và đau bụng do khí thừa trong dạ dày ruột, do đó, giúp giảm đau.

- Tác dụng phụ: Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có dấu hiệu phản ứng dị ứng như nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng…

- Chống chỉ định: Mẫn cảm với simethicone hoặc bất kỳ thành phần nào của chế phẩm, thủng hoặc tắc ruột (đã biết hoặc nghi ngờ).

- Thận trọng: Không nên dùng simethicone để điều trị cơn đau bụng ở trẻ em vì chưa có đủ thông tin về lợi ích và độ an toàn cho lứa tuổi này. Không dùng quá liều khuyến cáo; tránh đồ uống có carbonat (soda hoặc nước ngọt) hoặc các thức ăn có thể làm tăng lượng khí trong dạ dày.

2. Thuốc kháng axit (nhóm kháng histamin H2)

Người bệnh đau dạ dày cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc kháng histamin H2 là một nhóm thuốc làm giảm lượng axit được tạo ra bởi các tế bào trong niêm mạc dạ dày. Chúng còn được gọi là 'thuốc đối kháng thụ thể histamin H2'. Các thuốc này bao gồm cimetidine, famotidine nizatidine... với nhiều tên thương hiệu khác nhau.

- Tác dụng của thuốc:Giúp ngăn chặn các tế bào tạo axit trong niêm mạc dạ dày phản ứng với histamine, làm giảm lượng axit trong dạ dày, giúp người bệnh giảm đau, giảm viêm, loét... Thuốc được dùng trong các trường hợp như ợ hơi, trào ngược axit dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh tăng tiết dạ dày…

- Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường nhẹ, bao gồm tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu và đau cơ... Nếu gặp các tác dụng phụ nói trên người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Khi dùng quá liều quy định, có thể gặp: Lú lẫn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, nhịp tim bất thường, khó thở, đổ mổ hôi, đồng tử giãn, huyết áp thấp. Do đó, không dùng thuốc quá 2 tuần khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

- Chống chỉ định: Quá mẫn với thuốc hay bất cứ thành phần nào của thuốc.

- Tương tác thuốc: Thuốc chẹn H2 có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin B12, vitamin D, folate và một số chất dinh dưỡng khác của cơ thể. Ngoài ra, những người dùng thuốc chẹn H2 và bổ sung magiê nên uống vào các thời điểm khác nhau trong ngày để giảm nguy cơ tương tác.

3. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

- Tác dụng của thuốc: Các thuốc trong nhóm này bao gồm lansoprazole (prevcid), omeprazole (prilosec) và esomeprazole (nexium)…

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm giảm sản xuất axit bằng cách ngăn chặn enzyme tạo ra axit trong thành dạ dày (tăng axit dạ dày là nguyên nhân gây viêm loét, đau dạ dày), đồng thời việc giảm axit bằng PPI sẽ ngăn ngừa vết loét.

Thuốc ức chế bơm proton được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các tình trạng liên quan đến axit như:

+ Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), bao gồm cả bệnh thực quản Barrett.

+ Dự phòng loét dạ dày - tá tràng liên quan đến NSAIDs.

+ Điều trị loét dạ dày - tá tràng lành tính.

+ Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison.

+ Thuốc cũng được sử dụng kết hợp với thuốc kháng sinh để diệt trừ Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn cùng với axit gây loét dạ dày và tá tràng.

- Tác dụng phụ:

Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc ức chế bơm proton là:

Đau đầu
Đau bụng, đầy hơi
Tiêu chảy, táo bón
Buồn nôn, nôn
Phát ban…

PPI có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng Clostridium difficile ở ruột kết. Liều cao và sử dụng lâu dài (1 năm hoặc lâu hơn) có thể làm tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương. Dùng kéo dài còn làm giảm hấp thu vitamin B12, hạ magie máu… Do đó, điều quan trọng là sử dụng liều thấp nhất và thời gian điều trị ngắn nhất cần thiết cho tình trạng bệnh đang được điều trị.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến PPI bao gồm:

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
Hội chứng Stevens-Johnson
Hoại tử thượng bì nhiễm độc
Giảm chức năng thận
Viêm tụy…
Giảm chức năng gan
Ban đỏ đa dạng…

- Chống chỉ định: Người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc bất kỳ tá dược nào của dạng bào chế.

- Tương tác thuốc: Sự hấp thu vào cơ thể của một số loại thuốc bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của axit trong dạ dày và do PPI làm giảm axit trong dạ dày nên chúng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của các thuốc này. Cụ thể:

+PPI làm giảm sự hấp thu và nồng độ trong máu của thuốc chống nấm ketoconazole (nizoral) và làm tăng sự hấp thu và nồng độ của digoxin (lanoxin). Điều này có thể làm giảm hiệu quả của ketoconazol và tăng độc tính của digoxin.

+ Thuốc ức chế bơm proton có thể làm giảm sự phân hủy của một số loại thuốc ở gan và dẫn đến tăng nồng độ của chúng trong máu.

+ PPI có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của warfarin hoặc giảm tác dụng này khi ngừng PPI. Bệnh nhân đang dùng warfarin nên được đánh giá trị số INR thường xuyên hơn khi bắt đầu dùng, hoặc ngừng PPI để đảm bảo không gặp tương tác có ý nghĩa lâm sàng.

4. Thuốc nhuận tràng

Mỗi loại thuốc đều có cơ chế tác dụng khác nhau, người bệnh không nên tự ý mua dùng.

- Tác dụng:Thuốc nhuận tràng là loại thuốc làm giảm táo bón bằng cách làm lỏng phân hoặc kích thích nhu động ruột. Các thuốc này có thể giúp giảm cảm giác đầy bụng, chướng bụng và khó chịu do táo bón.

Gồm các nhóm thuốc chính như:

+ Thuốc nhuận tràng tạo khối: Giúp tăng "khối lượng" hoặc trọng lượng của phân, từ đó kích thích ruột tạo cảm giác đi ngoài, gồm các thuốc metyl xenluloza, fybogel…

Những thuốc nhuận tràng dựa trên chất xơ này làm tăng hàm lượng nước và khối lượng phân, khiến phân di chuyển dễ dàng hơn qua đường ruột.

+ Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Hút nước từ phần còn lại của cơ thể vào ruột để làm mềm phân và giúp đi qua dễ dàng hơn, gồm: Lactulose (duphalac, lactugal), macrogol (movicol, laxido, cosmocol, molaxole và molative), polyethylen glycol…

+ Thuốc nhuận tràng kích thích: Tác dụng kích thích các cơ dọc theo ruột, giúp chúng di chuyển phân dễ dàng hơn, gồm: Bisacodyl (dulcolax), senn (senokot), natri picosulfat…

+ Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: Thuốc hoạt động bằng cách hút nước vào phân để làm mềm phân, khiến phân di chuyển dễ dàng hơn qua hệ thống tiêu hóa như colace (docusate, diocto)…

+ Thuốc nhuận tràng bôi trơn: Tác dụng làm cho phân trơn, di chuyển qua ruột dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ví dụ về những loại này bao gồm dầu khoáng và thuốc đạn glycerin…

- Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ có thể gặp sẽ tùy thuộc vào loại thuốc nhuận tràng người bệnh đang dùng, nhưng tác dụng phụ thường gặp của hầu hết các loại thuốc nhuận tràng bao gồm:

Buồn nôn và nôn
Tiêu chảy
Mất nước
Đầy hơi, xì hơi
Đau bụng…

Các tác dụng phụ này thường nhẹ và sẽ hết sau khi ngừng dùng thuốc nhuận tràng.

Ngoài ra, sử dụng thuốc nhuận tràng quá thường xuyên hoặc lâu dài cũng có thể gây mất cân bằng muối và khoáng chất trong cơ thể, mất nước nghiêm trọng, phụ thuộc thuốc nhuận tràng, táo bón mạn tính, tắc nghẽn trong ruột, tiêu chảy nặng, tăng nguy cơ ung thư ruột kết…

- Chống chỉ định: Không dùng thuốc cho những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với bất kỳ hoạt chất hoặc tá dược nào trong sản phẩm.

Ngoài ra trong từng thuốc/nhóm thuốc đều có các chống chỉ định cụ thể.

- Tương tác thuốc: Thuốc nhuận tràng có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc kháng sinh, một số loại thuốc về tim và xương khớp. Đảm bảo đọc nhãn cẩn thận và trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc nhuận tràng nào có thể an toàn cho bạn nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào.

5. Thuốc kháng sinh

- Tác dụng: Thuốc kháng sinh được dùng phối hợp với các thuốc khác (bismuth, là thuốc ức chế bơm proton PPI…) để diệt vi khuẩn H. pylori gây loét hoặc các vi khuẩn khác gây đau dạ dày.

Các loại kháng sinh thông thường được kê đơn vì lý do này bao gồm clarithromycin, metronidazol, amoxicillin và levofloxacin…

- Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc như tiêu chảy, khó ngủ, chóng mặt, đau đầu, rối loạn đường ruột, buồn nôn, phát ban, thay đổi khẩu vị…

- Chống chỉ định: Không dùng cho người bị dị ứng với thuốc hoặc các thành phần của thuốc;đã bị vàng da (hoặc mắt) hoặc các vấn đề về gan liên quan đến việc dùng clarithromycin; bị suy giảm nghiêm trọng chức năng gan kết hợp với giảm chức năng thận; bị hạ kali máu không được điều trị (nồng độ kali trong máu thấp); có tiền sử nhịp tim không đều (khoảng QT kéo dài, xoắn đỉnh, rối loạn nhịp thất)…

- Tương tác thuốc: Thuốc kháng sinh có thể tương tác bất lợi với một số thuốc điều trị khác. Do đó, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau dạ dày

- Thời điểm uống thuốc, thời gian dùng thuốc

Tùy theo nguyên nhân gây đau dạ dày bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Khi dùng người bệnh cần tuân thủ thời gian uống thuốc, thời điểm uống thuốc (trước ăn, trong ăn hay sau ăn) và thứ tự các loại thuốc (trong trường hợp cần dùng nhiều thuốc một lúc). Để biết được điều này người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Cũng cần lưu ý tới việc uống các dạng thuốc. Ví dụ, dạng viên nhai phải nhai kỹ trước khi nuốt. Dạng nang mềm chứa dịch lỏng không được nhai. Lắc kỹ dung dịch thuốc uống trước khi dùng hay uống thuốc vào sau các bữa ăn và lúc đi ngủ…

- Tương tác thuốc

Các thuốc/nhóm thuốc điều trị đau dạ dày đều có những tương tác thuốc cụ thể (tương tác với các thuốc đang dùng, tương tác thuốc với thức ăn, nước uống…). Do đó, người bệnh cần lưu tâm điều này để dùng thuốc mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

- Đối với trường hợp đặc biệt

Tùy vào từng thuốc/ nhóm thuốc người bệnh được bác sĩ kê đơn, có những lưu ý cụ thể đối với những trường hợp đặc biệt như trẻ em, phụ nữ mang thai – cho con bú, người cao tuổi… Một số thuốc có thể không được dùng hoặc cần giảm liều.

3. Các phương pháp điều trị đau dạ dày khác

Đau dạ dày, khó tiêu cũng có thể được giải quyết bằng cách quản lý tại nhà hoặc tự chăm sóc. Tùy thuộc vào loại và nguyên nhân gây đau dạ dày, các phương pháp điều trị khác có thể giúp ích:

- Ngồi thẳng sau bữa ăn: Nếu bạn dễ bị trào ngược axit hoặc ợ chua, ngồi thẳng trong một giờ sau bữa ăn có thể giúp đảm bảo thức ăn được tiêu hóa và rời khỏi dạ dày. Nằm xuống ngay sau khi ăn có thể khiến axit trào ngược lên cổ họng trầm trọng hơn.

- Hydrat hóa thích hợp: Nếu không có đủ chất lỏng, quá trình tiêu hóa và vận chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa có thể chậm lại, dẫn đến cảm giác no, đầy hơi, co thắt ruột hoặc trào ngược. Khuyến nghị về chất lỏng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và trọng lượng cơ thể, nhưng nhìn chung, người lớn cần 4-8 cốc chất lỏng mỗi ngày.

- Ăn chậm nhai kỹ:Quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng, nơi các enzyme bắt đầu phân hủy thức ăn trong nước bọt. Nếu ăn quá nhanh hoặc không nhai kỹ thức ăn, dạ dày có thể gặp khó khăn hơn trong việc tiêu hóa thức ăn. Lượng enzym trong dạ dày không đủ cũng có thể dẫn đến trào ngược axit, đầy hơi, chuột rút và các vấn đề tiêu hóa khác.

- Tránh những thực phẩm mà bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm: Ăn thực phẩm từ sữa nếu bạn không dung nạp lactose có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa khó chịu. Tương tự, ăn gluten nếu bạn mắc bệnh Celiac có thể làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng đau đớn.

Với các trường hợp bị dị ứng thực phẩm, hãy tránh ăn những thực phẩm đó. Ngoài ra, hãy cân nhắc việc tránh những thực phẩm có vẻ gây khó chịu mỗi khi chúng ta ăn.

4. Cách phòng ngừa đau dạ dày

Một số cơn đau dạ dày là không thể tránh khỏi vì chúng có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đau dạ dày có liên quan đến việc ăn uống hoặc hoạt động thể chất, bạn có thể thực hiện các bước để ngăn chặn cơn đau đó trong tương lai:

Thay đổi thói quen ăn uống

Ăn chậm hơn và ăn những miếng nhỏ hơn.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì một hoặc hai bữa lớn.
Tránh ăn những thứ khiến dạ dày khó chịu như đồ ăn cay, các sản phẩm từ sữa hoặc thực phẩm gây đầy hơi.
Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt nếu bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón hoặc sỏi thận…

Lưu ý khi tập luyện

Trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục mới nào.
Luôn giãn cơ trước và sau khi hoạt động thể chất.
Bắt đầu chậm và biết giới hạn thể chất của bạn.
Tăng dần tốc độ và cường độ của bạn theo thời gian.
Bổ sung đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục…

Dấu hiệu của trào ngược dạ dày và những biện pháp cải thiện | SKĐS

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-dau-da-day-169240310184533657.htm