Thuốc đổ, nước trôi, dịch sốt vẫn không thôi hoành hành

Lực lượng chống dịch sốt xuất huyết tại Bình Thạnh cứ "nỗ lực" thả viên hóa chất Abatte xuống các kênh rạch trên địa bàn và yên tâm lăng quăng đã bị tiêu diệt. Song theo dòng chảy, chỉ qua hôm sau, thuốc thì trôi theo dòng nước mà lăng quăng thì chẳng "hề hấn" gì!...

Đã có 9.396 người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), 10 ca đã tử vong vì SXH tại TP Hồ Chí Minh. Dập dịch là biện pháp khẩn thiết song qua đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương người ta mới thấy nhiều chuyện "ngược đời". Những nơi sử dụng hóa chất diệt muỗi nhiều nhất lại là nơi dịch SXH bùng lên mạnh mẽ nhất. Chỉ vì dù đã được tập huấn rất nhiều nhưng Y tế dự phòng các địa phương đã "gãi" không đúng … "chỗ ngứa". Cảnh thường thấy tại Khoa Bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi khi có dịch sốt xuất huyết. Ảnh: H.N. Thụ động dập dịch Hàng trăm viên hóa chất diệt lăng quăng, hàng nghìn lít hóa chất phun xịt muỗi đã được đổ xuống nhưng thuốc cứ ra đi mà dịch còn… ở lại. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên tục hơn 1 tuần qua xuống từng địa phương, mới phát hiện ra rằng, cán bộ y tế dự phòng (YTDP) bên dưới "chưa thuộc bài". Việc dập dịch SXH còn thụ động, thiếu sáng tạo nên hiệu quả chẳng được bao nhiêu. "Nhắm mắt dập dịch" là kết luận của các đoàn kiểm tra qua đợt giám sát thực tế vừa qua tại 24 quận, huyện. Một cán bộ trong đoàn 1 thuộc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP nói một cách ngán ngẩm: Tới bây giờ mà nhiều quận huyện còn "lấn cấn" không xác định được đâu là "điểm nguy cơ", đâu là "vùng nguy cơ" gây SXH. Do vậy nên có nơi cán bộ y tế dự phòng tham mưu cho UBND địa phương tập trung toàn lực vào việc phun hóa chất diệt muỗi. Có nơi lại chỉ tập trung vào đi truy tìm ổ lăng quăng mà sao nhãng việc phun xịt, khử khuẩn. Điển hình như tại quận Thủ Đức, tính cho tới thời điểm đầu tháng 10, địa phương này đã "xài" trên 1.000 lít hóa chất phun xịt muỗi nhưng SXH tại Thủ Đức vẫn trầm trọng nhất trong 24 quận, huyện. Ngược lại tại quận 3 từ đầu năm tới nay theo các đoàn kiểm tra ghi nhận, chẳng hiểu Y tế tham mưu cho UBND quận tới đâu mà "xài" hoài cũng chưa hết… 4 lít hóa chất(?). Còn các quận: Tân Bình, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, quận 8, Nhà Bè, Tân Phú, Bình Tân và quận 12 đều nhận thuốc, hóa chất "ào ào" nhưng với số ca SXH vẫn không giảm từ đầu năm tới nay. Không thể chống dịch trên lý thuyết Không chỉ "lạm dụng" hóa chất, việc chống dịch còn áp dụng máy móc theo lý thuyết, thiếu thực tiễn. Ví như nhiều nơi khi nhận nguồn tin báo ca mắc bệnh nhưng chỉ nắm được đến tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân còn không quan tâm tới giám sát ở mức độ rộng hơn. Hay như ở quận Bình Tân, Y tế tham mưu cho UBND quận khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa là "điểm đen" gây dịch SXH. Và nơi trú ẩn của lăng quăng là các bình trưng bông trong nghĩa trang, theo đó, mỗi đợt ra quân dập dịch SXH, cán bộ YTDP hướng dẫn ban quản lý nghĩa trang thả thuốc viên Abatte vào bình bông diệt lăng quăng. Song hóa chất Cloramin B, thuốc viên Abatte xài vô tội vạ mà SXH vẫn cứ… bùng lên. Nơi trú ngụ của lăng quăng chỉ được tìm ra khi ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế trực tiếp tới khu nghĩa trang dốc ngược thử vài bình bông. Kết quả bình thì "khô queo", không một giọt nước cũng chẳng có lăng quăng. Rốt cục lại phải áp dụng việc đổ muối hột vào từng bình bông, phòng sinh lăng quăng khi mùa mưa tới. Kiểm tra khu vực Bình Thạnh lại phát hiện lực lượng chống dịch cứ "nỗ lực" thả viên hóa chất Abatte xuống các kênh rạch trên địa bàn và yên tâm lăng quăng đã bị tiêu diệt. Song theo dòng chảy, chỉ qua hôm sau, thuốc thì trôi theo dòng nước mà lăng quăng thì chẳng "hề hấn" gì!... Theo kiến thức được tập huấn, khi phát hiện một khu vực có ca mắc SXH được coi là 1 ổ dịch. Việc tiêu diệt "ổ dịch" bằng phun khử khuẩn làm 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 7 tới 10 ngày. Song theo ông Lê Trường Giang, lý thuyết này hiện không còn phù hợp khi vài năm nay, SXH chiếm trên 50% là người lớn, giao lưu đi lại nhiều, các ca mắc SXH mới sẽ xuất hiện tại nơi bệnh nhân tới. Do đó phương pháp triệt để phải là diệt lăng quăng nhưng cán bộ YTDP địa phương lại hổng quá nhiều kiến thức. Trong buổi làm việc với YTDP TP Hồ Chí Minh ngày 14/10 cho hay, số ca mắc SXH trong 9 tháng qua có giảm 26% so với cùng thời kỳ năm 2008 nhưng theo ông Giang, không phải công tác chống dịch làm tốt mà do thời tiết đã nắng lên, ít mưa, mật độ muỗi giảm nên số ca mắc SXH cũng giảm theo

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121047.cand