Thước đo tín nhiệm

Hôm nay (10-7), hơn 2,6 triệu cử tri đảo quốc sư tử sẽ đi bỏ phiếu bầu ra 93 nghị sĩ quốc hội để 'chọn mặt gửi vàng'. Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13 và cũng là cuộc tổng tuyển cử vô tiền khoáng hậu kể từ khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965.

Tuy không phải là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức trên thế giới giữa đại dịch, song đây lại là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Đông Nam Á trong bối cảnh Singapore, cũng giống như nhiều quốc gia, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra. Có lẽ, người dân đảo quốc sư tử có nằm mơ cũng chưa từng nghĩ đến viễn cảnh các chính đảng và ứng viên tổ chức vận động tranh cử trực tiếp, gặp gỡ cử tri nhưng không quá 5 người, phải đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách tiếp xúc an toàn, không có các hoạt động tuần hành vận động tranh cử rầm rộ trên “thực địa” mà thay vào đó, không gian mạng cùng các phương tiện thông tin đại chúng trở thành “trận địa” chủ đạo. Thế nhưng đó lại chính là thực tế những gì đã diễn ra trong suốt chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 9 ngày tại Singapore mới kết thúc hôm 8-7 vừa qua. Và hôm nay, tại các điểm bỏ phiếu trên khắp Singapore, cử tri bắt buộc phải đứng cách nhau 1m!

Cuộc tổng tuyển cử của Singapore được tiến hành theo hình thức “first past the post” (người dẫn đầu giành ghế), tức ứng viên nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ trúng cử. Hình thức bầu cử này có ưu điểm là cuộc tuyển cử luôn đạt được kết quả, bầu ra được số lượng nghị sĩ theo yêu cầu. Vì lẽ đó, số ghế tại Quốc hội mà mỗi chính đảng giành được không nhất thiết phải tương ứng với số phiếu bầu. Đơn cử như trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2015, Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long nhận được gần 70% số phiếu bầu, song lại giành khoảng 93% số ghế tại Quốc hội. Có tổng cộng 11 chính đảng của Singapore tham gia cuộc chạy đua hôm nay với 192 ứng viên đăng ký tranh cử 93 ghế tại 31 khu vực bầu cử. PAP là đảng duy nhất đăng ký tranh cử tất cả 93 ghế, theo sau là Đảng Singapore Tiến bộ (PSP), Đảng Công nhân (WP) và Đảng Dân chủ Singapore (SDP) lần lượt tranh cử 24, 21 và 11 ghế. Các đảng còn lại đăng ký tranh cử 10 ghế đổ lại.

Để giành giật từng lá phiếu, mỗi chính đảng Singapore đều đưa ra những cương lĩnh tranh cử riêng nhằm đánh trúng tâm lý, hướng đến những lợi ích sát sườn của người dân. Trước thực trạng đại dịch, PAP đưa ra khẩu hiệu tranh cử là “Cuộc sống, Công việc và Tương lai của chúng ta” với việc dành ưu tiên cao độ cho “hợp tác cùng nhau vượt qua khủng hoảng như thế nào”. Trong khi đó, các đảng đối lập tập trung xoáy sâu vào những vấn đề còn bất cập trong đời sống xã hội như giá cả leo thang, khoảng cách giàu nghèo hay một số tồn tại trong kiểm soát dịch Covid-19 tại các khu lao động nước ngoài của chính phủ đương nhiệm.

Không khó để nhận ra rằng PAP bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13 với những lợi thế nhất định. PAP là cái tên đã quá quen thuộc với cử tri đảo quốc sư tử khi là đảng cầm quyền duy nhất kể từ năm 1959, có công “chèo lái” đưa đất nước Singapore từ một vũng lầy trở thành con rồng châu Á như ngày nay. Giữa lúc “cơn bão” Covid-19 “càn quét” thế giới, dưới sự dẫn dắt của PAP, Singapore được đánh giá là đã ứng phó đại dịch tương đối tốt so với nhiều quốc gia khác, thậm chí có thời điểm còn được xem là “hình mẫu”, khi ghi nhận tỷ lệ tử vong ở mức thấp và tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng không nhiều. Thành tích liên tục nhận được từ 60% số phiếu bầu trở lên trong các cuộc tổng tuyển cử trước đây phần nào đem lại tự tin cho các ứng viên của PAP trong cuộc chạy đua ngày 10-7.

Dù PAP có nhiều lợi thế, song trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra điều bất ngờ. Điều này lại càng không thể xem nhẹ trong bối cảnh nhân loại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do “kẻ thù vô hình” mang tên Covid-19 gây ra như hiện nay. Có lẽ con số hơn 50% cử tri Singapore “đang phân vân” trong cuộc khảo sát trực tuyến trước bầu cử của hãng nghiên cứu Blackbox Research cũng phần nào cho thấy được sự khó đoán định của cuộc tổng tuyển cử hôm nay.

Cho dù kịch bản nào xảy ra thì cũng phải khẳng định rằng cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13 chắc chắn sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử chính trường đảo quốc sư tử. Lá phiếu của hơn 2,6 triệu cử tri sẽ là thước đo tín nhiệm nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với các chính đảng trong bối cảnh Singapore đang trong “cơn bĩ cực” do tác động của chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/thuoc-do-tin-nhiem-626534