Thuốc hiếm giải độc: Cần có giải pháp khẩn cấp

Bộ Y tế cần sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp không có thuốc thay thế

Ngày 25-5, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn, chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Cấp tốc tiếp nhận thuốc hiếm

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm botulinum. Đồng thời, tập trung các biện pháp ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn, kịp thời báo cáo kết quả về UBND thành phố.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho những bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm botulinum theo dõi sát tình trạng, tích cực điều trị, bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh cũng là nhiệm vụ quan trọng Sở Y tế được giao.

Liên quan hiện tượng ngộ độc cực kỳ nguy hiểm trên, Sở Y tế TP HCM cho biết sau nhiều nỗ lực, đến 19 giờ ngày 24-5, 6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) được gửi từ kho của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án và cùng lãnh đạo Cục Quản lý dược, đại diện các đơn vị tiếp nhận thuốc. Hai giờ sau, các thủ tục giao nhận khẩn cấp hoàn tất.

Như vậy, với nỗ lực của cả hệ thống và sự hỗ trợ kịp thời của WHO, những lọ thuốc hiếm BAT đã về đến các bệnh viện phục vụ công tác cứu chữa người bệnh.

Trước đó, Phòng Y tế TP Thủ Đức nhận được thông tin 3 người ngộ độc botulinum do ăn chả lụa từ người bán dạo. Họ nhập viện ngày 13-5, trong đó hai anh em ruột (18 và 26 tuổi) ăn bánh mì có kèm chả lụa bán dạo được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Người còn lại 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bệnh nhân 45 tuổi được lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP HCM và xác định bị ngộ độc botulinum type A - một trong những type rất nặng. Các bác sĩ điều trị tích cực cho người bệnh trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy, sụp mi, yếu tứ chi, suy hô hấp, sốt cao liên tục kèm mạch nhanh và huyết áp tụt dần. Đây là biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, bệnh nhân được hồi sức tích cực chuyên sâu nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong.

Hy vọng với các bệnh nhân còn lại

Theo Sở Y tế, do bệnh nhân bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc nên đã không qua khỏi. Ngành y tế thành phố mong rằng các lọ thuốc BAT sẽ góp phần cứu chữa các bệnh nhân còn lại bị ngộ độc còn trong thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc.

Ngành y tế thành phố cũng cảm ơn và gửi lời tri ân sâu sắc đến Bộ Y tế và WHO về sự hỗ trợ đầy ý nghĩa đối với các trường hợp ngộ độc botulinum trên địa bàn trong thời gian vừa qua. Qua chuyện này, ngành y tế thành phố mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp không có thuốc thay thế.

Đề cập về chuyên môn, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, từng bày tỏ trăn trở việc hết thuốc BAT đặc hiệu do ngộ độc botulinum là vấn đề đáng tiếc cho bệnh nhân cũng như nan giải cho bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Hùng phân tích một trường hợp ngộ độc botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 - 72 giờ là bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, cũng không dẫn đến việc phải thở máy. Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày, nghĩa là còn sớm sau khi ngộ độc, thì trong 5 - 7 ngày bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Tuy nhiên, nếu không có thuốc giải độc BAT, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ - chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy (và thở máy sẽ phải kéo dài, có nhiều biến chứng nguy hiểm). Bởi với bệnh lý này, chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ.

"Sáu lọ thuốc BAT được phân về 3 bệnh viện. Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị 2 ca ngộ độc botulinum phải thở máy, nhận 2 lọ. Hai bệnh viện Nhân dân Gia Định và Nhi Đồng 2 lần lượt nhận 1 và 3 lọ.

Nâng ý thức trách nhiệm

Trong chỉ đạo khẩn, UBND TP HCM cũng giao Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tăng cường xây dựng các tuyến bài viết phân tích cụ thể, dễ hiểu về phòng chống ngộ độc thực phẩm. Qua đó đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh, sử dụng thực phẩm; không sử dụng các loại thực phẩm không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bảo quản nghiêm ngặt

BAT là thuốc gồm hỗn hợp các globulin miễn dịch phân mảnh được chỉ định trong điều trị ngộ độc thần kinh gây ra bởi chất độc botulinum type A, B, C, D, F hoặc G ở người lớn và trẻ em. Được sản xuất bởi nhà sản xuất Emergent Biosolutions Canada Inc., thuốc được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ dưới âm 15 độ C. Sau khi làm tan băng, phải bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C cho đến khi sử dụng trong thời hạn 36 tháng.

PHAN ANH - NGUYỄN THẠNH - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thuoc-hiem-giai-doc-can-co-giai-phap-khan-cap-20230525214918787.htm