Thuốc lá điện tử 'tấn công' trường học

Thuốc lá điện tử đã và đang xâm nhập vào giới trẻ như một trào lưu được cho là 'thời thượng', nhưng lại ẩn chứa không ít những nguy hại khôn lường.

Hiểm họa của thuốc lá điện tử

Với thiết kế bắt mắt, tiện dụng, và nhiều hương vị để chọn, thuốc lá điện tử (TLĐT) được giới trẻ, trong đó có cả học sinh sử dụng rộng rãi. Hệ lụy là không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống thói quen, mà thậm chí còn gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên.

Trò chuyện với nhóm học sinh của một trường THPT ở Hà Nội, phóng viên được biết các em sử dụng TLĐT do bắt chước theo bạn bè, tò mò, mặc dù khi hút thì thấy không thích lắm. Có rất nhiều kích cỡ, kiểu dáng và hương bị để lựa chọn và rất dễ mua.

Những câu chuyện về học sinh sử dụng TLĐT không phải là hiếm.

Những câu chuyện về học sinh sử dụng TLĐT không phải là hiếm.

Dạo một vòng quanh các khu phố có trường học, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu học sinh, sinh viên đang vô tư thả khói với đủ mùi hương khác nhau, trong số đó có không ít các trường hợp vẫn còn mặc bộ quần áo đồng phục trên người. Với lý do: “không ảnh hưởng đến người xung quanh”, “tạo mùi thơm miệng”, “ít gây bệnh và đặc biệt giúp cai thuốc lá truyền thống hiệu quả”…, những chiếc máy TLĐT độc hại không kém gì thuốc lá điếu truyền thống nhưng lại đang được các em coi là “mốt”.

Mơ màng nhả từng vòng khói ra vẻ "sành điệu", N.V.H, học sinh một trường THPT ở Hà Nội kể: “Lúc đầu em thử vì tò mò, dùng dần rồi quen. Hôm nào không dùng có cảm giác thiếu thiếu, khó chịu trong người. Lớp em bây giờ gần nửa lớp hút, con gái cũng hút. Giám thị kiểm tra nhưng tụi em lén hút vẫn được. Bọn em hút mọi nơi, quán cà phê có, quán nước vỉa hè có. Nói chung là những chỗ không bị cấm bọn em đều hút. Các bạn nam dùng loại có hình dáng bút bi, vuông vuông nho nhỏ như bút dạ quang, USB, còn các bạn nữ thường dùng các loại như thỏi son. TLĐT có rất nhiều hương vị, chủ yếu là vị trái cây như cam, xoài, dưa hấu, mâm xôi, trà chanh...”.

Chỉ với 120.000 - 150.000 đồng, những đứa trẻ dễ dàng sở hữu ngay một phiên bản TLĐT với đủ hình dạng có thể mang vào lớp, bỏ ngay trên bàn học mà không bị phát hiện.

TLĐT xâm nhập và trở thành thú chơi mới của giới trẻ. Không khó để tìm hiểu, mua cũng như sử dụng, nhất là khi các công cụ mua sắm trực tuyến, trang thông tin tìm kiếm, các hình thức quảng cáo nhắm trực tiếp vào người dùng như Facebook, Youtube, Instagarm phát triển mạnh như hiện nay. Chỉ bằng một thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google, trong vòng nửa giây đã cho ra hơn 41 triệu kết quả với nhiều chỉ dẫn chi tiết về địa chỉ, thông tin sản phẩm, giá bán cũng như những lời quảng cáo hoa mỹ về “thú chơi thời thượng” này. Và cũng chỉ cần 1 cú điện thoại là có thể mua được đủ loại TLĐT, từ rẻ đến cao cấp.

Tác hại của TLĐT đã được cảnh báo rất nhiều và hầu hết các sản phẩm này trên thị trường được khảo sát là không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được phân phối qua các kênh chính thống. Thế nhưng qua những lời quảng cáo có cánh của người bán, giới trẻ, đặc biệt là học sinh vẫn thản nhiên phì phèo khói thuốc và coi đó như một “trào lưu thời thượng” mà bỏ quên những nguy hại khôn lường.

Cần hành động kịp thời

Sốc và lo lắng là cảm giác của anh Nguyễn Anh Xuân (Hà Nội) khi biết con trai mình mới chỉ là học sinh lớp 7 đã đua theo các bạn cùng lớp hút TLĐT. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh có con bị lôi kéo hút TLĐT ở độ tuổi cấp 2, cấp 3.

Theo các chuyên gia y tế, “thuốc lá điện tử” hay còn gọi là “thuốc lá làm nóng” gây hại cho sức khỏe như thuốc lá điếu thông thường. Trong TLĐT vừa có chất gây nghiện, vừa có chất gây độc. Nhiều người sử dụng đã bị nghiện vì nicotine nhưng cũng có thể nghiện do chất tạo mùi. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho hay, TLĐT cho thêm các phụ gia có hại cho sức khỏe, rất khó kiểm soát, nhất là đối với thế hệ trẻ: “TLĐT chứa nicotine và chứa đến 4 nghìn hương vị khác nhau. Các hương vị đó trộn lẫn với nhau sẽ tạo ra sự gây nghiện”.

Cần ban hành quy định cấm TLĐT.

Đáng báo động hơn cả là thuốc lá điện tử đang dẫn đường cho ma túy tổng hợp. Theo Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), thời gian qua đã nhận được đề nghị giám định nhiều mẫu dung dịch TLĐT do phụ huynh hoặc nhà trường mang đến. Kết quả giám định cho thấy, trong những dung dịch này đều chứa chất hướng thần, gây ảo giác kích thích thần kinh rất mạnh. Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Viện Khoa học hình sự cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra chất hướng thần được các đối tượng cho vào trong dung dịch của TLĐT, giữ nguyên màu sắc, mùi vị, tem nhãn mác của dung dịch TLĐT, sau đó sử dụng dụng cụ hút TLĐT để sử dụng trái phép chất ma túy”.

Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này lại đang thu hút giới trẻ thông qua những hình ảnh quảng cáo bắt mắt. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm TLĐT hiện đang được các tập đoàn thuốc lá nhấn mạnh thông điệp dễ gây nhầm lẫn rằng có những loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe. Do ảnh hưởng từ những chiêu bài quảng cáo đó, tỷ lệ thanh thiếu niên ở nước ta sử dụng TLĐT có chiều hướng gia tăng. Nhiều học sinh bị cuốn hút bởi kiểu dáng thiết kế sành điệu, mê mẩn trước tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ mà “phê” theo làn khói và xem nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe của mình.

Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng, Trường THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Nhiều lần các thầy cô phát hiện học sinh hút TLĐT, kịp thời thu giữ và báo tới phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường đã tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh hiểu về tác hại của TLĐT bằng nhiều biện pháp. Bản thân các con ở tuổi bắt đầu phát triển, tò mò với những thứ xung quanh, rồi ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các con muốn tập làm người lớn… Nhà trường luôn nâng cao nhận thức của các con về tác hại TLĐT thông qua các buổi truyền thông, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Điều này còn tích hợp trong các bộ môn học của các trên trường như môn giáo dục công dân và sinh học, để các thầy cô phân tích cho các con tác hại của TLĐT đối với cơ thể và tinh thần của các con. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các hoạt động văn thể mỹ để lôi cuốn các con vào các hoạt động lành mạnh từ đó các con xa dời hành vi lệch chuẩn chưa đúng mực.

TLĐT Theo điều tra sức khỏe học đường của trường Đại học Y tế công cộng năm 2019, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13 - 17 tại Việt Nam có sử dụng TLĐT. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới với những hậu quả khó lường.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá làm nóng”. Tuy nhiên, tại nước ta, chưa có quy định cấm. Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay: “Theo thông tin từ Tổ chức y tế thế giới, đến nay đã có hơn 40 nước cấm sử dụng TLĐT vì những căn bệnh do thuốc lá điện tử gây ra, cũng những tai nạn do quá trình sử dụng TLĐT gây ra. Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn rà soát những bằng chứng một cách kỹ lưỡng để tiến tới kiến nghị cấm sử dụng TLĐT và shisha vì đây là những sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng”.

Trước hiểm họa của TLĐT, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo Việt Nam cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bới các quảng cáo gây nhầm lần rằng “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá làm nóng” ít hại cho sức khỏe. Một trong những hành động mạnh mẽ đầu tiên cần làm là ban hành quy định cấm các loại thuốc lá mới này.

Trước khi các cơ quan chức năng có quy định nghiêm hơn về việc sử dụng thuốc lá điện tử, thì nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh hiểu về tác hại của TLĐT, tại các gia đình, người lớn cũng cần làm gương cho các em noi theo, đó là không sử dụng TLĐT./.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/thuoc-la-dien-tu-tan-cong-truong-hoc-20559/