Thuốc mới trị chứng ngủ rũ và những thận trọng khi sử dụng

Dung dịch uống xywav vừa được FDA (cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ) phê duyệt để trị tình trạng mất trương lực cơ đột ngột (cataplexy) hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS) liên quan đến chứng ngủ rũ. Thuốc dùng cho bệnh nhân từ 7 tuổi trở lên...

Xywav là hỗn hợp calcium, magnesium, potassium và sodium oxybates (gamma-hydroxybutyrate hay GHB). GHB là hợp chất chuyển hóa chất dẫn truyền thần kinh GABA nội sinh. Cơ chế hoạt động chính xác của xywav trong điều trị chứng ngủ rũ vẫn chưa được biết rõ, nhưng giả thuyết cho rằng tác dụng điều trị của xywav đối với cataplexy và EDS thông qua tác động GABAB trong khi ngủ tại các tế bào thần kinh tác động noradrenergic và dopaminergic, cũng như các tế bào thần kinh đồi thị.

Sự chấp thuận của xywav rất quan trọng đối với những người sống với cataplexy hoặc EDS liên quan đến chứng ngủ rũ. Tuy nhiên, đây là chất ức chế hệ thần kinh trung ương nên cần có cảnh báo về khả năng lạm dụng khi dùng thuốc.

Thông tin an toàn quan trọng

Dùng xywav với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (CNS) khác như: Thuốc điều trị mất ngủ, thuốc giảm đau opioid, thuốc chống trầm cảm, huốc chống loạn thần, thuốc chống động kinh… có thể gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng, bao gồm khó thở (suy hô hấp), huyết áp thấp (hạ huyết áp), buồn ngủ, ngất và tử vong.

Thành phần hoạt chất của xywav là một dạng gamma hydroxybutyrate (GHB). Lạm dụng GHB bất hợp pháp một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc khác có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như: Co giật, khó thở (suy hô hấp), buồn ngủ, hôn mê và tử vong. Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Không dùng xywav nếu đang dùng các loại thuốc ngủ hoặc thuốc an thần khác (thuốc gây buồn ngủ), uống rượu…

Giữ xywav ở nơi an toàn để tránh lạm dụng. Bán hoặc tặng xywav có thể gây hại cho người khác và là trái luật.

Bất cứ ai sử dụng xywav đều tránh làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như: Lái xe, sử dụng máy móc… trong ít nhất 6 giờ sau khi uống xywav.

Xywav có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:

Các vấn đề về hô hấp: Bao gồm thở chậm, khó thở và / hoặc ngưng thở khi ngủ. Những người đã có vấn đề về hô hấp hoặc phổi có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp cao hơn khi họ sử dụng xywav.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Bao gồm nhầm lẫn, ảo giác (nhìn thấy hoặc nghe thấy những điều không có thật), suy nghĩ bất thường, cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã, trầm cảm, có ý nghĩ tự tử, tăng mệt mỏi, cảm giác mặc cảm tội lỗi hoặc vô giá trị, hoặc khó tập trung. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bị trầm cảm hoặc đã cố gắng làm hại chính mình.

Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu người dùng thuốc có các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc thay đổi cân nặng hoặc sự thèm ăn.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xywav ở người lớn bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, chán ăn, mất ngủ (rối loạn giấc ngủ có thể bao gồm giấc mơ bất thường, chuyển động mắt nhanh bất thường (REM), tê liệt khi ngủ, nói chuyện khi ngủ, đi bộ khi ngủ và các sự kiện bất thường khác liên quan đến giấc ngủ), tiêu chảy, đổ mồ hôi quá nhiều, tăng huyết áp, lo lắng và nôn mửa.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xywav ở trẻ em bao gồm đái dầm, buồn nôn, nhức đầu, nôn mửa, giảm cân, chán ăn và chóng mặt.

Xywav có thể gây ra sự phụ thuộc về thể chất và sự thèm thuốc khi không được dùng theo chỉ dẫn.

Về chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ (hay Narcolepsy) là một rối loạn giấc ngủ mạn tính, đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá độ vào ban ngày và ngủ gật đột ngột không cưỡng lại được. Những người mắc chứng ngủ rũ thường khó tỉnh táo được trong khoảng thời gian dài bất kể trường hợp nào. Chứng ngủ rũ không có thuốc chữa và gánh nặng bệnh tật có thể ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe của bệnh nhân theo thời gian. Vì vậy điều quan trọng là phải có các lựa chọn mới để giúp điều trị EDS và cataplexy.

Các triệu chứng của chứng ngủ rũ thường xuất hiện ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc chứng ngủ rũ có thể mất 10 năm hoặc hơn để nhận được chẩn đoán.

Có năm triệu chứng chính của chứng ngủ rũ, bao gồm: Buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS), đột ngột mất trương lực cơ (cataplexy), giấc ngủ bị tê liệt, giấc ngủ bị gián đoạn vào ban đêm, ảo giác. Mặc dù tất cả những người mắc chứng ngủ rũ đều trải qua EDS, nhưng không phải tất cả những người mắc chứng ngủ rũ đều trải qua tất cả năm triệu chứng này. EDS là triệu chứng chính của chứng ngủ rũ và có ở tất cả những người mắc chứng rối loạn này.

EDS có đặc điểm chính là quá buồn ngủ và không thể kiểm soát giấc ngủ trong ngày. Những người mắc hội chứng ngủ rũ rơi vào giấc ngủ mà không có cảnh báo ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời điểm nào. Ví dụ, có thể đột nhiên buồn ngủ trong khi đang làm việc hoặc nói chuyện với bạn bè. Có thể ngủ trong vài phút hoặc đến nửa tiếng và khi thức dậy có cảm giác tỉnh táo, nhưng cuối cùng lại cảm thấy buồn ngủ. Cũng có thể bị giảm sự tỉnh táo trong ngày. Buồn ngủ ban ngày quá mức thường là triệu chứng đầu tiên xuất hiện và thường gây ra phiền phức nhất, làm khó khăn trong việc tập trung và ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Cataplexy là tình trạng mất trương lực cơ đột ngột, nghĩa là mất kiểm soát đột ngột hoạt động của các cơ. Tình trạng này có thể kéo dài vài giây đến vài phút. Nó thường được kích hoạt bởi những cảm xúc mạnh mẽ, thường gặp như cười nhiều, hoặc khi có một tin xấu hoặc tốt đột ngột. Mặc dù nhiều cảm xúc có khả năng kích hoạt cataplexy, nhưng những cảm xúc liên quan đến sự cười đùa, nô giỡn thường là mạnh nhất. Cataplexy xảy ra ở khoảng 70% những người mắc chứng ngủ rũ.

Bích Ngọc

(Theo Drug 7/2020)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-moi-tri-chung-ngu-ru-va-nhung-than-trong-khi-su-dung-n177616.html