Thuốc trị táo bón cho bà bầu

Sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho thai nhi… trong đó có thuốc trị táo bón.

1. Vì sao phụ nữ mang thai bị táo bón?

Phụ nữ mang thai rất dễ bị táo bón. Khoảng 16 đến 39% số người bị táo bón vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ, có thể trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối của thai kỳ), khi thai nhi nặng nhất và gây áp lực nhiều nhất lên ruột hoặc có thể xảy ra trong cả ba tam cá nguyệt. Đôi khi, bạn sẽ tiếp tục bị táo bón đến ba tháng sau khi sinh.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị táo bón là do:

Sự thay đổi hormon:Cơ thể tạo ra nhiều hormone progesterone hơn khi mang thai. Progesterone làm thư giãn ruột nên chúng không hoạt động mạnh để tống chất thải ra ngoài cơ thể. Tốc độ chậm lại cho phép cơ thể có nhiều thời gian hơn để hấp thụ chất dinh dưỡng và nước từ thực phẩm. Thức ăn lưu lại trong ruột càng lâu thì ruột già càng có nhiều thời gian để tái hấp thu nước. Vì vậy chất thải trở nên khô và khó trôi đi khi bạn cố gắng đi tiêu.

Táo bón là một triệu chứng phổ biến và khó chịu ở thời kì mang thai.

Táo bón là một triệu chứng phổ biến và khó chịu ở thời kì mang thai.

Thai nhi:Thai nhi ngày càng lớn khiến tử cung trở nên nặng nề hơn, gây thêm áp lực lên ruột, khiến bà bầu khó đi ngoài.

Bổ sung sắt trước khi sinh:Bổ sung sắt trước khi sinh giúp cơ thể tạo ra máu cần thiết để đưa oxy đi khắp cơ thể của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều sẽ khiến vi khuẩn trong ruột khó phân hủy thức ăn hơn. Thêm vào đó, không uống đủ nước để làm mềm chất thải bị mắc kẹt trong ruột cũng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, gây táo bón.

Lối sống: Chế độ ăn uống, lượng chất lỏng nạp vào cơ thể mỗi ngày và mức độ vận động đóng vai trò trong vấn đề táo bón. Hầu hết những người mang thai đều không ăn đủ chất xơ, uống đủ nước hoặc tập thể dục đầy đủ để giúp hệ tiêu hóa đẩy chất thải ra khỏi cơ thể.

2. Cách trị táo bón cho phụ nữ mang thai2.1 Điều trị không dùng thuốc

Việc thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và tập luyện cũng có thể giảm bớt táo bón. Cụ thể:

- Ăn 25 đến 30 gam thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày: Bạn rất dễ bỏ qua những lời khuyên về sức khỏe nghe có vẻ quá đơn giản này, nhưng chất xơ thực sự có thể giúp ích, làm mềm phân để dễ dàng đẩy ra ngoài. Nguồn chất xơ có thể lấy từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng...

- Uống 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày: Cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn bình thường để hỗ trợ quá trình mang thai và làm mềm phân. Tốt nhất là uống nước hoặc các loại đồ uống khác như sữa ít béo, sinh tố, trà và nước trái cây không thêm đường.

- Tập thể dục vừa phải 20 đến 30 phút, 3 lần một tuần: Khi mang thai, bạn thường ít di chuyển hơn. Trọng lượng thai nhi có thể gây căng thẳng cho vùng xương chậu và các khớp, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Nhưng ngồi nhiều không tốt cho ruột nếu bị táo bón. Tham khảo các bài vận động nhẹ nhàng và an toàn cho cơ thể và thai nhi giúp khởi động các cơ trong ruột, giảm táo bón.

- Giảm hoặc không dùng chất bổ sung sắt: Chế độ dinh dưỡng đầy đủ thường có thể đáp ứng nhu cầu sắt trong thai kỳ. Chia nhỏ liều lượng sắt trong ngày thay vì uống tất cả cùng một lúc có thể làm giảm táo bón.

Phụ nữ mang thai nên ăn tăng cường rau quả tươi để tránh táo bón.

2.2 Dùng thuốc trị táo bón

Khi điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt không hiệu quả, có thể cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng một vài loại thuốc trị táo bón cho bà bầu. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Thuốc nhuận tràng tạo khối

Thuốc nhuận tràng tạo khối, còn được gọi là chất bổ sung chất xơ. Thuốc hấp thụ nước trong ruột và làm cho phân mềm hơn.

Đây được coi là lựa chọn điều trị đầu tiên đối với chứng táo bón khi mang thai. Thuốc không được hấp thụ qua toàn bộ cơ thể, thường an toàn cho thai kỳ.

Các thuốc bao gồm: Psyllium, canxi polycarbophil, methylcellulose...

Các tác dụng phụ bao gồm đầy hơi và chuột rút...

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu được coi là lựa chọn điều trị thứ hai đối với chứng táo bón khi mang thai, khi thuốc nhuận tràng tạo khối không hiệu quả. Thuốc này làm mềm phân bằng cách rút dịch từ các mô xung quanh vào đường tiêu hóa, bao gồm các thuốc polyethylene glycol, glycerin...

Lưu ý, thuốc nhuận tràng thẩm thấu lactulose chỉ được bán theo đơn của bác sĩ. Ngoài ra, lactulose có thể gây đầy hơi khó chịu, buồn nôn, gây mất cân bằng điện giải... Thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường mất khoảng 30 phút đến 6 giờ mới có hiệu quả.

Thuốc nhuận tràng làm mềm phân docusate

Thuốc làm mềm phân giúp bà bầu đi ngoài dễ dàng hơn. Không có bằng chứng về tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng docusate trong thai kỳ. Thuốc được coi là an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai, nhưng chỉ khuyến nghị sử dụng như một lựa chọn ngắn hạn cho những trường hợp thỉnh thoảng bị táo bón.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Để sử dụng an toàn các thuốc trị táo bón ở phụ nữ mang thai cần lưu ý:

Chỉ dùng thuốc trị táo bón khi các biện pháp khác không hiệu quả.
Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
Nên uống nhiều nước để tăng hiệu quả của thuốc.
Thuốc nhuận tràng có thể gặp một số tác dụng phụ: Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, nước tiểu sậm màu… cần báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

DS. Vân Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//thuoc-tri-tao-bon-cho-ba-bau-169220826005421885.htm