Thương chiến chỉ là 'màn dạo đầu' của cuộc xung đột kinh tế Mỹ-Trung

Thương chiến kéo dài gần một năm trời giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là màn đụng độ ban đầu của một cuộc xung đột kinh tế có thể kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai hai cường quốc này khi họ đang cạnh tranh giành vị thế thống lĩnh toàn cầu về sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng.

 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lên xe ra về sau khi dự vòng đàm phán với các quan chức thương mại Mỹ ở Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tại Washington, Mỹ hôm 10-5. Ảnh: AP

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lên xe ra về sau khi dự vòng đàm phán với các quan chức thương mại Mỹ ở Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tại Washington, Mỹ hôm 10-5. Ảnh: AP

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung suýt sụp đổ trong tuần vừa qua khi cả Washington lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố các lập trường cứng rắn. Một thỏa thuận, nếu đạt được, cũng chẳng giúp ích gì nhiều cho việc giải quyết các căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trên nhiều mặt trận cạnh tranh.

Mỹ ngày càng lo ngại trước vai trò mới nổi của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và các chiến thuật mà nước này sử dụng để trỗi dậy, chẳng hạn, theo cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng có sự bảo trợ nhà nước để ăn cắp bí mật thương mại, các thương vụ thâu tóm các công ty công nghệ ở Mỹ và châu Âu, trợ cấp các ngành công nghiệp chiến lược trong nước và phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.

Mỹ đã dựng lên các hàng rào để ngăn chặn tiền đầu tư của Trung Quốc rót các công ty công nghệ của Mỹ, rà soát lại các công nghệ quan trọng có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc và hạn chế vai trò của Trung Quốc trong xây dựng mạng lưới viễn thông 5G ở Mỹ đồng thời thuyết phục các nước khác không sử dụng các thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Cục Điều tra liên bang Mỹ ( FBI) cũng tăng cường giám sát các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ vì lo sợ họ có thể ăn cắp các bí mật tài sản sở hữu trí tuệ. Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra sáng kiến ngăn chặn hoạt động gián điệp thương mại nhắm vào công nghệ Mỹ. Hồi đầu năm nay, Mỹ đã khởi tố tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei và Giám đốc Tài chính toàn cầu của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran để xuất khẩu thiết bị sang nước này.

Trung Quốc đang mở rộng cho các chương trình vay lãi suất thấp và xây dựng hạ tầng khắp toàn cầu thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng. Trung Quốc đầu tư vượt trội Mỹ trong một số ngành công nghệ cao và giành được sự thống lĩnh trong một số phân khúc như thanh toán di động, xe năng lượng mới (xe điện) và một sồ khía cạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Thương chiến có thể chỉ là “giao tranh” khởi đầu trong một cuộc xung đột kinh tế Mỹ-Trung lớn hơn và kéo dài nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia nhận định kiềm chế các tham vọng và các chiến thuật của Trung Quốc là một nhiệm vụ khó khăn.
David Weton, một học giả nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Stanford (Mỹ), nói: “Chúng ta đã trải qua thập kỷ đàm phán khó nhọc với Trung Quốc”.

Ông cho rằng một thỏa thuận thương mại, nếu đạt được, sẽ chẳng thể giải quyết cuộc xung đột kinh tế trên bình diện lớn hơn giữa hai nước. Ông nói: “Đó chỉ là màn “giao tranh” nhỏ trong một cuộc chiến lớn hơn đang diễn ra”.

Cuối tuần qua, các nhà đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc “trắng tay” trở về Bắc Kinh sau khi dự vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 với các quan chức thương mại Mỹ ở Bắc Kinh.

Hôm 10-5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm và cho biết sẽ xúc tiến tiến trình pháp lý để đánh thuế 25% nhằm vào hơn 300 tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc đang còn chưa bị áp thuế. Mỹ tiến hành các động thái bất ngờ này vì cho rằng Trung Quốc rút lại hầu hết các quan trọng đã đạt được trong dự thảo thỏa thuận thương mại.

Tuy vậy, hai nước vẫn có thể đạt được thỏa thuận, mở ra các cơ hội cho giới doanh nghiệp giữa hai nước và rút lại các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa của nhau. Hôm 10-5, các quan chức Mỹ và Trung Quốc thông báo họ sẽ tiếp tục đàm phán và có thể gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng sau. Ông Lưu Hạc gọi thất bại trong vòng đàm phán mới nhất “chỉ là một bước lùi nhỏ trong tiến trình đàm phán giữa hai nước”, trong khi đó, ông Trump mô tả trên Twitter rằng cuộc đàm phán ở Washington là “thẳng thắn và mang tính xây dựng”.

Dù một thỏa thuận thương mại có thể làm dịu một số căng thẳng và xây dựng thêm sự thiện chí giữa hai nước nhưng nó có thể không giúp Mỹ đạt được nhiều mục tiêu tham vọng vốn là nền tảng để Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Washington đã đánh thuế phạt với gần phân nửa giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhưng Bắc Kinh vẫn cự tuyệt nhiều yêu cầu quan trọng mà Mỹ, chẳng hạn buộc Trung Quốc phải dừng các chương trình trợ cấp cho các ngành sản xuất cao cấp hoặc công khai cam kết chống tình trạng ăn cắp qua mạng.

Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung dường như chỉ có thể tạo ra các thay đổi nhỏ như cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ với giá trị vài chục tỉ đô la mỗi năm, một số biện pháp áp thuế được dỡ bỏ và có thể là những thay đổi trong quy định và pháp luật của Trung Quốc mà có thể bị phớt lờ một khi chính quyền khác lên nắm quyền ở Nhà Trắng.

Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson, có trụ sở ở Washington, cho rằng xung đột kinh tế Mỹ-Trung có thể mất nhiều thập kỷ để giải quyết, chứ không thể được hóa giải dễ dàng tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida (Mỹ), nơi mà cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng diễn ra để ký kết thỏa thuận thương mại.

Nhưng Trung Quốc đang chống đối các điều khoản mới mà Mỹ yêu cầu đưa vào thỏa thuận thương mại vì cho rằng Mỹ đang đòi hỏi quá nhiều nhưng lại “cho đi” quá ít.

Theo quan điểm của Trung Quốc, một số yêu cầu của Mỹ vi phạm chủ quyền của trung Quốc và trao cho Mỹ quá nhiều quyền lực chi phối nền kinh tế Trung Quốc bao gồm yêu cầu luật hóa các cam kết của Trung Quốc. Khi mà tâm lý chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao ở Trung Quốc, các yêu cầu của Mỹ làm sống lại ký ức về bách niên quốc sĩ” (nỗi nhục trăm năm của đất nước), một khái niệm lịch sử ám chỉ đến giai đoạn các cường quốc châu Âu, Mỹ và đế quốc Nhật Bản can thiệp vào Trung Quốc và áp đặt các điều ước bất công với nước này vào thế kỷ 19.

Sau cái chết của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông vào năm 1976, Mỹ chủ trương hợp tác kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ phát triển và gắn kết chặt chẽ với trật tự kinh tế quốc tế được thiết lập chủ yếu dựa trên các lý tưởng tự do của phương Tây. Song điều đó đã không xảy ra. Trung Quốc thực sự đang ngày càng thịnh vượng và lọt vào nhóm “nước có thu nhập trung bình ngưỡng cao” theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc giờ đây chỉ xếp sau Mỹ và ngành sản xuất của nước này có quy mô lớn hơn Mỹ, Đức và Hàn Quốc gộp lại.

Dù các công ty Mỹ từ lâu khao khát tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc, lập trường của họ bắt đầu thay đổi khi chứng kiến các thực hành bất công và sự phân biết đối xử của Trung Quốc với các công ty nước ngoài. Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc thực hiện hồi tháng 2-2019 cho thấy đa số các thành viên của tổ chức này ủng hộ duy trì thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong khi hai nước đàm phán thương mại.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã bất ngờ trước tốc độ thay đổi cảm nhận của các doanh nghiệp Mỹ về mối quan hệ Mỹ-Trung.

Giáo sư Zhang Jian ở trường hành chính công thuộc Đại học Bắc Kinh, nói: “Cho dù ông Trump và ông Tập đạt được một dạng thỏa thuận nào đó thì về lâu dài, mối quan hệ song phương chiến lược đã rơi vào trục trặc. Mối quan hệ này không thể trở lại như trước dù hai bên đạt được thỏa thuận thương mại”.

Theo New York Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288693/thuong-chien-chi-la-man-dao-dau-cua-cuoc-xung-dot-kinh-te-my-trung.html