Thương chiến: Khi lịch sử bầu cử chống lại ông Trump

Thống kê lịch sử cho thấy các tổng thống Mỹ đương nhiệm thường thất bại khi tái tranh cử do kinh tế Mỹ suy thoái, một nguy cơ đang hiển hiện.

Những tiền lệ nguy hiểm

Trang Bloomberg mới đây có bài viết cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đe dọa niềm hy vọng tái cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các số liệu được dẫn ra như chỉ số S&P 500 ngày 14/8 giảm 3% và chỉ số Dow John mất 800 điểm, mức giảm tồi tệ nhất trong năm.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp hơn so với lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm lần đầu tiên sau 12 năm. Theo Bloomberg, điều này báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Kết quả một cuộc thăm dò trong tháng 8/2019 của các nhà kinh tế của Bloomberg News dựa trên sự suy giảm năng suất của các nhà máy trên thế giới và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động, cho thấy khả năng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới đã tăng lên mức 35%.

Chứng khoán Mỹ lao dốc hôm 14/8

Giới phân tích cho rằng kịch bản suy thoái kinh tế sẽ là món quà chính trị đối với đảng Dân chủ, những người thường tránh đề cập tới những thành tựu kinh tế đạt được dưới chính quyền Tổng thống Trump cho tới thời điểm hiện nay như tỉ lệ thất nghiệp thấp, chứng khoán đạt mức kỷ lục và tỉ lệ lạm phát thấp.

Phe Dân chủ chỉ xoáy vào sự bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng và chi phí không thể chi trả cho chăm sóc sức khỏe và đại học để lập luận rằng tầng lớp lao động không cảm thấy nền kinh tế Mỹ đang thịnh vượng.

Bloomberg dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng xu hướng phát triển hay suy giảm của nền kinh tế sẽ quyết định tới kết quả của của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và một cuộc suy thoái có thể có tác động nghiêm trọng tới đảng cầm quyền hiện nay.

Dẫn chứng của thế kỷ trước được dẫn ra là thất bại của các tổng thống Mỹ khi tái tranh cử trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ví dụ, như thời của Tổng thống George H.W. Bush năm 1992, Jimmy Carter năm 1980 và Herbert Hoover năm 1932.

Những thống kê lịch sử liên quan tới kinh tế và bầu cử có làm ông Trump lo lắng?

Tháng 2/1991, tỷ lệ ủng hộ ông Bush trong cuộc thăm dò của Gallup đã đạt tới mức đáng kinh ngạc là 89% sau Chiến tranh vùng Vịnh.

Đến tháng 6/1992, khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến đỉnh điểm, tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống 38%.

Ngay trước ngày bầu cử, vào giữa tháng 10/1992, tỷ lệ này là 34%. Sau đó ông Bush đã bị đối thủ đảng Dân chủ Bill Clinton đánh bại.

Đối với ông Trump, vấn đề kinh tế được cho là còn quan trọng hơn bởi tỷ lệ ủng hộ ông ở mức xung quanh 40% là dấu hiệu “nguy hiểm” đối với một tổng thống đương nhiệm.

Nền kinh tế chính là yếu tố quan trọng nhất giúp Tổng thống Trump có khả năng tái đắc cử bởi ông không được đánh gia cao trong hầu hết các vấn đề chính sách khác và trong các vấn đề về lãnh đạo cũng như tính cách.

Gậy ông đập lưng ông?

Dường như ông Trump đang cảm nhận được sức ép từ các nguy cơ kinh tế nên có một số bước đi nhằm giảm nhiệt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong những ngày qua.

Ngày 13/8, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng vọt sau khi xuất hiện thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trì hoãn áp đặt một số biện pháp thuế quan mới đối với Trung Quốc mà họ từng công bố hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chỉ một ngày sau đó, các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm do các dữ liệu kinh tế ngày càng cho thấy sự suy yếu ở châu Âu và châu Á.

Trang CNN mỉa mai rằng “hóa ra, chẳng dễ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, và bức tranh tăng trưởng toàn cầu có vẻ không được sáng sủa mấy”.

Vấn đề nằm ở chỗ, dấu hiệu suy thoái xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và nước Mỹ không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tuần trước, Anh thông báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm trong quý vừa qua. Tuần này, Đức tuyên bố thu hẹp GDP với trái phiếu 10 năm đạt mức lãi suất âm 0,62% kỷ lục.

Thương chiến do Mỹ gây ra có thể gây tác động vượt tầm kiểm soát

Châu Âu chứng kiến mức sản xuất công nghiệp suy giảm, còn Trung Quốc cũng công bố mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp thấp nhất của nước này trong 17 năm.

Sự sụp đổ của lợi suất trái phiếu toàn cầu là một chủ đề được bàn luận suốt từ tháng 10 năm ngoái, với việc trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm từ mức 3,23% hồi tháng 10/2018 xuống còn 1,6% vào thời điểm hiện tại.

Hiện giờ, đường cong lãi suất trái phiếu Kho bạc 2 năm/10 năm đã đảo ngược, báo hiệu một thời kỳ suy thoái sắp kéo đến. Lý do là bởi mỗi cuộc suy thoái trong 45 năm qua đều chứng kiến đường cong lợi suất đảo ngược trước đó.

Theo CNN, các ngân hàng trung ương có thể bắt tay vào việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp và đưa ra các chương trình nới lỏng định lượng để buộc tăng nguồn cung tiền một lần nữa.

Một cuộc chiến thương mại kết thúc bất ngờ, với một nỗ lực giữ thể diện cho cả hai bên, chắc chắn có thể tạo ra một sự phục hồi toàn cầu được duy trì liên tục, điều có thể chấm dứt hoặc trì hoãn cuộc suy thoái.

CNN cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump, với mong muốn tránh một cuộc suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, có thể nhận thấy rằng họ cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại sớm hơn. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump vẫn phải đối mặt với một số tính toán sai lầm lịch sử khi tạo ra cuộc chiến này.

Số liệu vĩ mô được dẫn ra là mức tăng trưởng của Mỹ đang hạ xuống dưới 2% so với cam kết ở mức 4% của ông Trump.

CNN bình luận: “điều duy nhất đang gia tăng là thâm hụt, đang trên đà chạm mức 1.000 tỷ USD trong năm 2019”.

Kinh tế được coi là "điểm mạnh" duy nhất của ông Trump

Còn theo tờ The Hill, số phận chiến dịch tái tranh cử của ông Trump có thể sẽ phụ thuộc vào các cử tri đang được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế vốn đã kéo dài cả thập kỷ nay nhưng dường như ông chủ Nhà Trắng lại ít quan tâm thuyết phục đối tượng cử tri này.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đã đạt được những dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế hơn là trong toàn bộ công việc chung của ông. Một cuộc khảo sát gần đây do hãng Economist/YouGov thực hiện cho thấy 51% cử tri được hỏi ủng hộ việc xử lý những vấn đề kinh tế của ông Trump, và 46% ủng hộ toàn bộ thành tích của ông.

Một cuộc khảo sát khác của hãng CNN cũng cho thấy 45% cử tri được hỏi ủng hộ thành tích công việc của ông, trong khi 52% cử tri tán thành những gì ông làm cho nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại có thể là một trong những con bài mà ông Trump cùng đội ngũ của mình nghĩ rằng sẽ giúp ông giành thêm lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực về kinh tế có thể khiến vài chục tỷ USD tiền thuế thu được và sự “cuồng nhiệt” ban đầu sẽ sớm tiêu tan. Thay vào đó là sự thất vọng của cử tri, cơ hội phản công của phe Dân chủ và cái kết không như mong muốn dành cho ông Trump.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thuong-chien-khi-lich-su-bau-cu-chong-lai-ong-trump-3385847/