Thương chiến Mỹ-EU: 'Phát súng' từ WTO

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU đang đứng bên bờ vực rạn nứt sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận việc Mỹ tăng thuế với đồng minh.

Quan hệ giữa Mỹ và EU đang dần chuyển sang thế đối đầu sau quyết định của WTO

Quan hệ giữa Mỹ và EU đang dần chuyển sang thế đối đầu sau quyết định của WTO

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng khởi động việc đánh thuế các công ty nước ngoài gây ô nhiễm, trong một động thái được dự báo là sẽ tác động tới các công ty của Mỹ và làm gia tăng tranh cãi thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU).

Động thái này được cho là xuất phát từ việc WTO đã chấp thuận để Mỹ đánh thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 7,5 tỷ USD từ EU bao gồm máy bay, thực phẩm và nhiều loại sản phẩm khác.

Trước đó, Mỹ cũng đã thông báo sẽ áp thuế 10% đối với các máy bay Airbus do EU sản xuất và 25% đối với nhiều mặt hàng khác của châu lục này như một biện pháp trừng phạt những khoản trợ cấp bất hợp pháp của EU dành cho Airbus.

Đây được cho là lần trả đũa có giá trị thiệt hại lớn nhất mà WTO từng thông qua. Một quan chức cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thậm chí còn gọi đây là một chiến thắng lịch sử.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết biện pháp thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 18/10/2019, mức thuế 10% sẽ được áp với máy bay và 25% áp với một số sản phẩm khác trong đó có bao gồm rượu của Ireland và rượu Scotland, pho mát và sản phẩm cầm tay. Washington cũng lưu ý, danh sách sắp tới chưa phải là danh sách cuối cùng, các mặt hàng vẫn có thể được nhấc ra hoặc đưa vào theo thời gian.

Có thể thấy, các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU đã trở nên ngày một gay gắt hơn bao giờ hết và dự kiến sẽ khó có thể được giải quyết trong nay mai. Ngay trước khi Mỹ công bố quyết định, EU đe dọa sẽ "ăn miếng, trả miếng" nếu Washington nhất quyết tăng thuế nhập khẩu chống liên minh.

So với cuộc chiến với Trung Quốc, Mỹ có nhiều thứ để mất trong một cuộc chiến tổng lực với EU khi cả hai bên có mối sự kết nối bền chặt và gắn bó. Thương mại giữa EU-Mỹ luôn là mối quan hệ thương mại song phương lớn nhất thế giới. Nếu bao gồm cả thương mại hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch song phương giữa Mỹ và EU năm 2018 lớn hơn 70% kim ngạch song phương giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặt khác, kinh tế Mỹ và EU đều đang gặp khó khăn và trong giai đoạn này, hai bên đều không đủ sức để hứng chịu thêm một cuộc chiến thương mại nào nữa. Fredrik Erixon - Giám đốc viện nghiên cứu ECIPE, nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mặc dù đã diễn ra một thời gian nhưng cho đến nay mới bắt đầu có tác động lên toàn bộ nền kinh tế, chưa kể, một số tác động từ cuộc chiến còn được kiềm hãm lại nhờ vào môi trường kinh tế trong nước đang trong trạng thái tốt.

"Tuy nhiên, nếu Mỹ và EU tăng thuế lẫn nhau trong mùa thu tới, mọi thứ sẽ không diễn ra như vậy. Bởi vì nền kinh tế của cả hai đang tụt giảm, và hiệu ứng chu kỳ của các mức thuế có khả năng sẽ khá mạnh”, ông cho biết.

Đồng thời, việc áp thuế cao sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn cũng như trở thành lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi thuế quan với hàng hóa Trung Quốc đang khiến giá thành các sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn.

Căng thẳng giữa các đồng minh đang leo thang một cách không cần thiết. Và điều này sẽ nhân đôi sức ép lên niềm tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, làm dấy lên những bất ổn về chính sách, tăng rủi ro trên thị trường tài chính và gây phương hại cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Từ trước đến giờ, Tổng thống Donald Trump luôn xem EU là một đối tác thương mại “không đẹp,” và ông luôn mong muốn chấm dứt việc châu Âu “kiếm lợi bất chính” trong thương mại với Mỹ. Với "phát súng" từ WTO, cuộc chiến giữa Mỹ và EU sẽ xóa bỏ hết tất cả các lợi thế cấu trúc mà các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ đã tạo dựng nên kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thuong-chien-my-eu-phat-sung-tu-wto-158821.html