Thương chiến Mỹ-Trung: Bước chạy đà hoàn hảo của Trung Quốc

Chính sách tái cơ cấu đã 'lột xác' nền kinh tế Trung Quốc - chuyển từ tập trung vào xuất khẩu hàng giá rẻ sang lõi phát triển dịch vụ...

Chính sách tái cơ cấu đã giúp lột xác nền kinh tế Trung Quốc

Chính sách Đại nhảy vọt mà Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động trong thập niên 1950 của thế kỷ 20 để lại hậu quả nặng nề, khi tỷ lệ nghèo đói chiếm tới 53% dân số Trung Quốc vào cuối những năm 1970, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã phát động chương trình Cải cách và Đổi mới kinh tế. Đây được xem là lần tái cơ cấu thứ nhất cho nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi lập quốc.

Về nông nghiệp, Trung Quốc bỏ hợp tác xã và thực hiện khoán ruộng đất cho nông dân cùng với chính sách giảm thuế cho nông nghiệp. Điều đó đã giúp Trung Quốc nhanh chóng giảm tỷ lệ nghèo đói xuống còn khoảng 8% vào năm 2001, theo WB.

Phát triển nóng liên tục đã khiến Trung Quốc phải thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế

Phát triển nóng liên tục đã khiến Trung Quốc phải thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế

Về công nghiệp, chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Kinh tế nhà nước lúc này chỉ tập trung vào công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và dịch vụ công ích.

Đặc biệt, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các chính sách thông thoáng nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư của nước ngoài, cùng với đó là kích thích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, theo tài liệu của Bloomberg.

Cơ cấu kinh tế mới đã biến Trung Quốc thành "công xưởng của thế giới". Kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển cực nóng. GDP Trung Quốc tăng mạnh và nhanh chóng vượt qua Nhật Bản để chiếm vị trí thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, phát triển nóng gây nên nhiều hậu quả, trong đó tệ hại nhất là tiêu dùng nội địa sụt giảm. Chủ trương “tất cả cho phát triển” khiến cho nền kinh tế Trung Quốc “lớn nhưng không mạnh”.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu nền kinh tế Trung Quốc phải được tái cơ cấu lại, mà mục đích là "phải mạnh chứ không chỉ lớn". Lần tái cơ cấu thứ hai cho kinh tế Trung Quốc đã được Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu lên vào tháng 3/2011.

Sau khi nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, xem đây là nền tảng chuyển đổi không chỉ với kinh tế, mà với mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc.

Trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc lần thứ hai là kích thích tiêu dùng nội địa, phát triển thương mại và dịch vụ, thay cho chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài và kích thích sản xuất xuất khẩu trước đây.

"Chính phủ Trung Quốc quyết tâm hướng tới mô hình phát triển bền vững hơn, chú trọng tới chất lượng tăng trưởng thay vì chạy theo tốc độ tăng tưởng”, báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 14/11/2011.

Tái cơ cấu đã lột xác nền kinh tế Trung Quốc

Đến nay chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc đã phát huy tác dụng rõ rệt. Điều đó thể hiện qua tốc độ tăng trưởng liên tục chậm lại theo kế hoạch và cơ cấu tăng trưởng liên tục thay đổi theo định hướng.

Từ năm 2016, tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn nằm dưới ngưỡng 7% và gần đây nhất là năm 2018 chỉ tăng 6,6% - thấp nhất trong vòng 28 năm qua, với quy mô đạt 90.030 tỷ nhân dân tệ (CNY) - tương đương 13.280 tỷ USD, theo Reuters.

Giá trị nông nghiệp tăng 3,5%, đạt 6.473,4 tỷ CNY, tương đương 954,7 tỷ USD, công nghiệp tăng 5,8%, đạt 36.600,1 tỷ CNY, tương đương 5.398,2 tỷ USD, dịch vụ tăng 7,6% đạt 46.957,5 tỷ CNY, tương đương 6.925,9 tỷ USD.

Bắc Kinh "ngược đãi" đầu tư nước ngoài đã chứng tỏ, hoặc thiệt hại mà đầu tư nước ngoài gây ra cho kinh tế Trung Quốc quá lớn, hoặc kinh tế nước này không còn phụ thuộc vào quá lớn đầu tư nước ngoài.

Chính sách tái cơ cấu đã làm thay đổi căn bản cơ cấu tăng trưởng, giúp kinh tế dịch vụ liên tục đóng góp trên 50% vào tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Năm 2018 kinh tế dịch vụ đóng góp tới 51,04% vào tăng trưởng của Trung Quốc.

Sau 8 năm, chính sách tái cơ cấu đã "lột xác" nền kinh tế Trung Quốc - chuyển từ tập trung vào xuất khẩu hàng giá rẻ sang lõi phát triển dịch vụ. Điều này giúp kinh tế Trung Quốc giảm được nhiều thiệt hại khi xung đột thương mại nổ ra.

Tái cơ cấu-bước chạy đà hoàn hảo của Trung Quốc cho cuộc thương chiến

Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề nếu không chịu ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, vì khi đó sẽ diễn ra làn sóng công ty nước ngoài rời bỏ Trung Quốc sang nước khác, theo Reuters.

Tuy nhiên, thực tế là những năm qua làn sóng các công ty nước ngoài rời bỏ Trung Quốc đã diễn ra, chỉ có điều nó diễn ra theo ý đồ của Bắc Kinh, bởi tác động từ chính sách "ngược đãi" đầu tư nước ngoài.

Ngày 16/4/2016, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc đã công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách bảo vệ doanh nghiệp bản địa bằng cách gây trở ngại cho những nhà đầu tư nước ngoài.

Bắc Kinh ngược đãi đầu tư nước ngoài để bảo vệ đầu tư trong nước

"Lần đầu tiên trong 5 năm, những doanh nghiệp Mỹ cho rằng cách diễn giải bất nhất và không rõ những quy định quản lý và luật lệ bởi các cơ quan chức năng của Trung Quốc là thách thức hàng đầu cho việc kinh doanh của họ”, VOA tường thuật.

Chính sách tái cơ cấu khiến đầu tư nước ngoài không còn là ưu tiên cho phát triển kinh tế của kinh tế Trung Quốc như trước đây nữa. Vì vậy tầm quan trọng của những công ty đa quốc gia đối với nền kinh tế Trung Quốc đã bị xem nhẹ.

Có thể thấy, vốn của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố giúp cho kinh tế Trung Quốc nhanh chóng trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai trên thế giới. song lợi ích do nó mang lại cho kinh tế Trung Quốc không tỷ lệ thuận với quy mô ấy.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thuong-chien-my-trung-buoc-chay-da-hoan-hao-cua-trung-quoc-3380159/