Thương chiến Mỹ-Trung đặt thế giới trước hai sự lựa chọn

Tờ SRF của Thụy Sĩ nhận định, thương chiến Mỹ-Trung sẽ tiếp tục 'nóng' hơn nữa trong thời gian tới.

Cụ thể, SRF cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. Lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh sẽ không thay đổi ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể tiếp tục nắm quyền. Theo thời gian, Mỹ sẽ chỉ tăng áp lực lên các quốc gia khác, đặt họ trước hai sự lựa chọn: “hoặc hợp tác với chúng tôi, hoặc chống lại chúng tôi”.

Theo phóng viên Sebastian Ramspeck của tờ SRF, đây không phải là một viễn cảnh dễ chịu, kể cả đối với Thụy Sĩ. Khi được hỏi về những lệnh trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc ở mức nào, ông Ramspeck cho rằng: “Tôi không nghĩ lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến giới lãnh đạo Trung Quốc”.

Thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa thể hạ nhiệt. (Ảnh: Reuters)

Thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa thể hạ nhiệt. (Ảnh: Reuters)

“Tất nhiên có nhiều thứ bị đe dọa hơn. Chúng ta đang nói về cuộc xung đột lớn nhất, sự cạnh tranh của thời đại chúng ta. Một mặt, Mỹ là siêu cường vẫn thống trị trên trường quốc tế, nhưng đang mất dần sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Mặt khác, có một đối thủ là Trung Quốc, một siêu cường mới tương lai không chỉ thể hiện tham vọng kinh tế, mà cả tham vọng địa chính trị và địa chiến lược”, ông Ramspeck nhận định về các mối đe dọa từ phía Mỹ.

Ông Ramspeck cho biết thêm, sự cạnh tranh này thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: Chúng tôi đã đưa tin về công ty Huawei, nhà cung cấp các giải pháp viễn thông và mạng 5G của Trung Quốc. Mỹ sẽ muốn loại bỏ hãng này khỏi các mạng di động phương Tây. Hoặc, nếu quan tâm lắng nghe hơn, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng trong tòa nhà trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới sự cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc cũng là một chủ đề rất quan trọng.

Trong bốn tháng nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu, liệu Tổng thống Mỹ sẽ có thể giúp giảm bớt xung đột với Trung Quốc? Phóng viên Ramspeck nhận định: “Tôi nghĩ điều đó không phụ thuộc quá nhiều vào người điều hành đất nước. Tôi không nghĩ việc thay tổng thống sẽ ảnh hưởng đến bất cứ điều gì. Xin lưu ý rằng chính lập trường này trong chính sách đối ngoại của ông Trump đã nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của các chính trị gia”.

“Thực tế là trong tương lai của nước Mỹ, bất kể ông Trump sẽ tiếp tục nắm quyền hay không, Hoa Kỳ vẫn sẽ tăng áp lực lên các quốc gia khác và đặt họ trước hai sự lựa chọn: hoặc đứng về phía chúng tôi, đứng về phía Mỹ và tiếp tục hợp tác kinh doanh hoặc chống lại chúng tôi, đứng về phía Trung Quốc. Đối với một quốc gia nhỏ trung lập như Thụy Sĩ, đây không phải là một triển vọng dễ chịu”, ông Ramspeck nhấn mạnh.

Mới đây, Tổng chưởng lý Mỹ William Barr cảnh báo Trung Quốc đang cố thực hiện “một chiến lược kinh tế chớp nhoáng” nhằm hạ nước Mỹ khỏi vị thế siêu cường của thế giới. “Cách nước Mỹ đối phó với thách thức này sẽ có ý nghĩa lịch sử, và sẽ xác định liệu Mỹ và các đồng minh có còn tự quyết được vận mệnh của mình hay tương lai hay sẽ bị Trung Quốc lấn át,” ông Barr nói.

“Trung Quốc đang tiến hành một đòn kinh tế chớp nhoáng, một chiến dịch hung hăng, đầy toan tính, huy động toàn bộ toàn xã hội nhằm giành được vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu và vượt Mỹ để trở thành siêu cường số 1 thế giới,” Tổng chưởng lý Mỹ nói thêm.

Cũng theo Tổng chưởng lý Mỹ, sáng kiến “Made in China 2025” của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao như robot, công nghệ thông tin và các phương tiện chạy điện đang là mối đe dọa thực sự đối với vị thế lãnh đạo công nghệ của Mỹ.

“Made in China 2025 là sự lặp lại mới nhất của mô hình kinh tế trọng thương, do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc. Đối với các công ty Mỹ trên thị trường toàn cầu, một sự cạnh tranh tự do và công bằng với Trung Quốc từ lâu đã là một điều viển vông”, ông Barr nhấn mạnh.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/thuong-chien-my-trung-dat-the-gioi-truoc-hai-su-lua-chon-258917.html