Thương chiến Mỹ - Trung: Nhiều mối lo mới đang nảy sinh

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm nảy sinh những rủi ro khó lường cho tất cả những doanh nghiệp ở các nước có quan hệ thương mại với hai nền kinh tế lớn nhất này. Doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với điều đó? Dưới đây là đề xuất của các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo 'Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt?' do TBKTSG phối hợp với Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức.

Ông Matthew Smith, ông Trương Đình Tuyển, ông Phạm Sỹ Thành (từ phải sang) tại hội thảo. Ảnh: NGỌC LINH

Cơ hội ít thuộc về doanh nghiệp trong nước

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VCES), nhận định thương chiến Mỹ - Trung đang leo thang và các đe dọa luôn thành sự thật. Từ thời điểm hai nước bắt đầu áp thuế lẫn nhau, từ tháng 6-2018 đến nay, chưa có loại thuế nào được gỡ bỏ hoặc giảm xuống mà chỉ có tăng. Các bước đi của Mỹ ngày càng dồn dập và càng khó đoán, kể cả với giới nghiên cứu.

Cũng theo ông Thành, thực tế cho thấy, khi hai bên áp thuế lên hàng hóa của nhau thì mức độ phục hồi của hàng Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc đang tốt hơn chiều ngược lại. Thương chiến cũng mới tác động đến đời sống người dân Mỹ ở mức độ nhỏ, vì các công ty nhập khẩu vẫn đang tìm mọi cách để ổn định giá hàng hóa trên thị trường.

Tuy nhiên, với gói đánh thuế lên hàng hóa trị giá 267 tỉ đô la Mỹ (áp dụng từ ngày 1-9 và ngày 15-12), trong đó phần lớn là hàng tiêu dùng như quần áo, đồ điện gia dụng, điện thoại..., thì chắc chắn người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Việt Nam từng được đánh giá là một trong những nước có nguồn hàng hóa có thể thay thế Trung Quốc để cung ứng cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, với nguồn lực còn quá nhỏ, nhất là của doanh nghiệp trong nước, thì không dễ tận dụng được cơ hội này.

Theo ông Thành, những con số thống kê về xuất khẩu một số mặt hàng trong năm tháng đầu năm mà một người bạn của ông đã tính toán cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không thực sự hưởng lợi. Chẳng hạn, trong 4 tỉ đô la Mỹ đồ gỗ xuất khẩu vào Mỹ thì doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 43%. “Đây là ngành có thể tận dụng thương chiến. Nhưng các nước cũng nhìn thấy. Đó là chưa nói đến việc Trung Quốc đang có 23 dự án đầu tư mới trong ngành gỗ và chế biến gỗ ở Việt Nam”, ông Thành nói thêm.

Với mặt hàng dệt may, đợt áp thuế với 267 tỉ đô la Mỹ hàng hóa từ Trung Quốc, hàng dệt may cũng nằm trong số đó, có tạo cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu. Nhưng cũng như đồ gỗ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ lệ áp đảo về xuất khẩu nhóm hàng này. Còn các doanh nghiệp trong nước, cái được xem là cơ hội lại đang khiến họ lo lắng - lo có ai đó để cho các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng xuất xứ để xuất hàng vào Mỹ.

Tình trạng của các ngành xuất khẩu chủ lực khác, như hàng điện tử, điện thoại... cũng tương tự, thậm chí là phần của doanh nghiệp trong nước trong miếng bánh còn nhỏ hơn rất nhiều.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cũng khẳng định thương chiến Mỹ - Trung sẽ kéo dài trong thời gian không ai đoán định được và cả hai phía đều rất “rắn”. Công cụ dễ thấy nhất là thuế và không có gì cản trở để các bên nâng thuế, không chỉ là mức 25% như hiện nay.

Ngoài những tác động thuận như Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế hàng Trung Quốc, đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang... thì có nhiều tác động tiêu cực, như nhân dân tệ hạ giá làm hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh tốt hơn, gây khó khăn cho Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu quan trọng khác.

Riêng với thị trường tài chính, theo ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu và phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phải đến tháng 8 vừa rồi, những ảnh hưởng của cuộc thương chiến mới thấy được ở Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong nhiều tuần liền, giống như những gì đã xảy ra hồi quí 2-2018. Bốn quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã rút 45 triệu đô la Mỹ trong quí 3-2019, trong đó riêng tháng 8 là 35 triệu đô la Mỹ.

Doanh nghiệp có thể làm gì?

Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động phòng ngừa rủi ro để có thể chủ động trong bị động.

Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, tình hình thế giới nhiều năm qua vốn đã rất bất định và rủi ro, giờ đây sự bất định và rủi ro càng cao hơn, nhất là khi nhiều vấn đề khác cũng chưa được giải quyết như Brexit, căng thẳng quan hệ Nhật - Hàn. Lúc này, doanh nghiệp nên tìm đến những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như châu Âu, Nhật. Đơn giản vì họ đã cam kết trong hiệp định nên sẽ có trách nhiệm thực hiện và sẽ tạo ra sự ổn định cho doanh nghiệp.

“Chúng ta vừa ký EVFTA. Nếu xem châu Âu là một thực thể kinh tế thì đây là thị trường lớn với 500 triệu dân, rất cần đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những khu vực đang bỏ ngỏ như Đông Âu. Xuất khẩu nhiều hơn vào Nhật Bản, Hàn Quốc để không phụ thuộc vào một thị trường...”, ông Tuyển nói.

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, đa dạng thị trường là cách để giảm xuất siêu vào Mỹ, giảm nguy cơ bị Mỹ đánh thuế. Tại thời điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến, nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt Nam ở nhiều nội dung như xuất siêu lớn vào thị trường Mỹ và Mỹ cho rằng Việt Nam đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng lớn ngoại tệ. Ngoài ra, họ cũng cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam thể hiện trong một số điều khoản của Luật An ninh mạng...

Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng thị trường nội địa gần 100 triệu dân với sức mua lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên... Quan trọng không kém là phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.

Còn theo ông Phạm Sỹ Thành, lâu nay điểm yếu của doanh nghiệp là thiếu thông tin, nên các doanh nghiệp cần thông qua hiệp hội ngành nghề để có được những thông tin về kinh tế vĩ mô, ngành hàng. Với các FTA đã ký, doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý đến phần phòng vệ thương mại. Đây là xu hướng đang tăng cao và doanh nghiệp khó tự ứng xử và đối phó. Vì vậy, càng cần có vai trò của hiệp hội trong việc tìm kênh thông tin chính xác cũng như có những đề xuất chính sách với Chính phủ, như cách mà nhiều nước đang làm.

Ông Thành còn nhấn mạnh các FTA chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp được chứng nhận xuất xứ (C/O). Việc cấp C/O hiện nay mang tính thủ tục hành chính phức tạp, từng giao các địa phương thực hiện rồi thu về Bộ Công Thương, rồi thêm Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nay lại kiến nghị thu về một mối. “Tỷ lệ đạt được chứng nhận xuất xứ của doanh nghiệp thấp, chưa tới 50%. Việc này khiến cho nỗ lực đàm phán các hiệp định không phát huy được ý nghĩa”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng đề xuất, Nhà nước cần xóa bỏ các rào cản đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với vốn, thông tin, công nghệ, minh bạch và công bằng thuế...

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới. Đó là, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt; giữ lãi suất ổn định; hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; từng bước xây dựng “đệm tài khóa” thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có liên quan đến cả kinh tế và địa chính trị và khó có giải pháp nhanh chóng hay đơn giản để giải quyết. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải xem xét yếu tố này khi đầu tư.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294225/thuong-chien-my--trung-nhieu-moi-lo-moi-dang-nay-sinh.html