Thương chiến Nhật – Hàn lan sang lĩnh vực an ninh

Cuộc thương chiến giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vẫn đang leo thang căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Từ lĩnh vực thương mại, căng thẳng giữa hai nước hiện đã lan sang lĩnh vực an ninh khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ cân nhắc về số phận của Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự Hàn – Nhật (GSOMIA), còn Tokyo thì nhấn mạnh khả năng giảm vai trò của Seoul trong hợp tác an ninh.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 20-8 cho biết họ sẽ chờ xem kết quả đàm phán cấp cao với Nhật Bản diễn ra tại Trung Quốc trong tuần này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có giữ thỏa thuận song phương về chia sẻ thông tin quân sự hay không.

Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay: “Vẫn chưa có quyết định về GSOMIA, và vấn đề này cần được quyết định sau khi xem xét toàn diện”. Quan chức này cũng cho biết quyết định sẽ được đưa ra sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm thái độ của Nhật Bản và đánh giá về chất và lượng của các thông tin tình báo quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo (phải) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine (trái) ký GSOMIA tại Seoul ngày 23-11-2016. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo (phải) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine (trái) ký GSOMIA tại Seoul ngày 23-11-2016. Ảnh: TTXVN

Khi được hỏi liệu kết quả của cuộc họp ngoại trưởng tại Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Seoul về số phận của GSOMIA hay không, ông này khẳng định Hàn Quốc sẽ “tích cực giải thích” quan điểm của chính phủ trong cuộc họp.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trước đó đã đến Bắc Kinh để tham gia cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và Nhật Bản Taro Kono. Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc hội đàm song phương vào ngày 21-8 để thảo luận về cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước, khởi đầu bởi chính sách hạn chế xuất khẩu của Tokyo đối với Seoul nhằm đáp trả những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề lịch sử. Lý do Nhật Bản đưa ra cho hành động này là bảo vệ an ninh quốc gia khỏi những nguy cơ tiềm tàng.

Đáp lại, để đối phó lệnh kiểm soát xuất khẩu này, Seoul tuyên bố đang cân nhắc việc nên duy trì hay hủy bỏ GSOMIA. Tuần này là hạn chót để đưa ra quyết định giữ hay bỏ, trước khi hiệp định hết hạn vào tháng 11. Để hủy bỏ hiệp định này, mỗi bên phải thông báo bên còn lại về ý định của mình 90 ngày trước khi hiệp định hết hạn.

Tuyên bố của Hàn Quốc được đưa ra không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, trong dự thảo Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Nhật Bản, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 9 tới, Tokyo sẽ hạ cấp vai trò của Seoul như là đối tác hợp tác an ninh quan trọng, qua đó phản ánh quan hệ song phương đang trở nên xấu đi.

Trong năm 2018, trong chương đề cập hợp tác an ninh giữa Nhật Bản với các nước ngoài đồng minh thân cận nhất là Mỹ, nước đứng vị trí hàng đầu là Hàn Quốc. Nhưng trong dự thảo Sách Trắng Quốc phòng 2019 của Nhật Bản, vị trí của Seoul đã rơi xuống số 4, xếp sau Australia, Ấn Độ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định về mặt ý nghĩa, trật tự này được hiểu là sự “hạ cấp” đối với Hàn Quốc.

Dự thảo tài liệu cũng kêu gọi Seoul giải quyết các quan ngại của Tokyo “một cách thỏa đáng”, dẫn những vụ việc mới đây, bao gồm một vụ hồi tháng 12-2018 khi một khu trục hạm của Hàn Quốc bị cáo buộc khóa mục tiêu radar điều khiển hỏa lực vào một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật Bản.

Những diễn biến trên cho thấy, quan hệ song phương Nhật – Hàn đã xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1965 và để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa, cần có một cường quốc thân thiết bên ngoài như Mỹ can thiệp và hòa giải.

Người ta muốn nhắc lại vai trò trung gian của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2014 tại La Haye trong nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai nước. Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện quan hệ khi cho rằng, gia tăng căng thẳng giữa hai nước này đã đặt Washington vào một “vị thế xấu”.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết: “Hàn Quốc và Nhật Bản luôn đối đầu nhau. Họ phải sát cánh cùng nhau bởi vì họ đang đặt chúng ta vào một thế khó. Họ có nhiệm vụ là các đồng minh”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc để giảm căng thẳng song phương và thúc giục hai bên chấp nhận một “thỏa thuận ngừng bắn” để có thời gian tìm ra một “con đường đối thoại”.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản dường như không muốn có bên thứ ba tham gia, ngay cả Mỹ, do lo ngại việc cho phép hòa giải của bên thứ ba có thể gây áp lực buộc họ phải nhượng bộ.

Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh cho thấy sự thấu hiểu quan điểm của Seoul về các vấn đề lịch sử cũng là một mối lo ngại đối với Tokyo. Về phía Hàn Quốc, theo Phó Giáo sư Lee Chanwoo tới từ Đại học Cộng đồng Teikyo ở Tokyo, Seoul có thể hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc, vì nước này có thể tạo thành mặt trận chung với nước láng giềng lớn hơn về các vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, sự hòa giải Trung Quốc có ít tác động đến quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vẫn biết rằng mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay căng thẳng do các vấn đề lịch sử và lãnh thổ, nhưng lần này, đó không phải là một cuộc tranh cãi lịch sử thông thường mà là một vụ tranh chấp thương mại thực sự và nghiêm trọng hơn, đặt ra thách thức đối với mối quan hệ giữa hai nước. Không những thế, cuộc thương chiến này đang ngày một diễn biến khó lường khi nó đang lan sang các lĩnh vực khác như an ninh và chuỗi cung ứng khu vực.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/thuong-chien-nhat-han-lan-sang-linh-vuc-an-ninh-558206/