Thương chiến!

Nhìn lại đời sống quốc tế năm 2018, có thể thấy trên cái nền của những bất ổn, những va chạm giữa các siêu cường, lồ lộ hai chữ: Thương chiến!

Đấy là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

MỘT MỐI QUAN HỆ KHÓ KHĂN

Là hai trong số những siêu cường hàng đầu thế giới, từ nhiều thập niên qua, tình trạng "ấm-lạnh" giữa Bắc Kinh với Washington có tác động không nhỏ đối với đời sống chính trị quốc tế. Dù muốn hay không, người ta vẫn buộc phải thừa nhận một thực tế là mỗi một biến chuyển trong mối quan hệ đó đã tạo ra những bước ngoặt trong lịch sử.

Sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đã khởi đầu cho tình trạng căng thẳng triền miên giữa hai bên, thậm chí có cả những xung đột quân sự khốc liệt trực tiếp như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Năm 1972, với sự xếp đặt của Henry Kissinger, khi ấy là Cố vấn an ninh quốc gia, một chính trị gia lão luyện với những trò "đi đêm", Mỹ và Trung Quốc đã bắt tay nhau dẫn tới sự điều chỉnh căn bản trong mối quan hệ "tam giác chiến lược" Mỹ-Trung-Xô, làm thay đổi hoàn toàn cục diện địa chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Chưa đầy một thập niên sau, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đội mũ cao bồi trắng tham dự một sự kiện ở bang Texas của Hoa Kỳ đã chính thức bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung và cũng khởi đầu cho quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc.

Dẫu vậy, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vẫn cẩn thận căn dặn rằng, Trung Quốc cần phải triệt để tuân theo chính sách "thao quang dưỡng hối", náu mình chờ thời, bởi ông Đặng Tiểu Bình hiểu rằng bất cứ một sự trỗi dậy nào của Trung Quốc cũng sẽ khiến các cường quốc phương Tây khiếp sợ và các nước láng giềng cảm thấy bất an. Trung Quốc cần có thời gian và không gian để phát triển trước khi bị lôi kéo vào những tranh chấp có khả năng biến các cố gắng cải cách mở cửa thành công cốc.

Chính quá trình cải cách mở cửa đó đã dẫn tới sự thay đổi căn bản nước Trung Hoa mới. Từ một quốc gia bị đánh giá là lạc hậu, kém phát triển, Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc khu vực. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục hàng chục năm, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Khi cái áo đã trở nên quá chật, điều không tránh khỏi là Trung Quốc bắt đầu từ bỏ "thao quang dưỡng hối". Bắc Kinh ngày càng cứng rắn hơn với các đòi hỏi vô lý của mình về chủ quyền ở Biển Đông, thực hiện cạnh tranh quyết liệt với các nền kinh tế lớn. Các kế hoạch đầy tham vọng như "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" hay dự án khổng lồ "Nhất đới, nhất lộ" - "Vành đai và Con đường" - là những ví dụ điển hình.

Đấy cũng là lúc nước Mỹ của ông Donald Trump giật mình.

"CUỘC CHIẾN" CỦA ÔNG DONALD TRUMP

Mối quan hệ Mỹ-Trung vốn chồng chất những sự ngờ vực lẫn nhau trong nhiều thập niên qua, đã phát triển đến một giai đoạn mới, khi mà sức mạnh của Trung Quốc tăng lên bao nhiêu thì khả năng xung đột với Mỹ cũng tăng lên bấy nhiêu.

Mà trái với suy nghĩ của nhiều người, xung đột Trung-Mỹ ngày càng trở nên khó có thể tránh khỏi không phải vì sự khác biệt, mà do ngày càng tương đồng giữa hai bên!

Trung Quốc có dự án "Vành đai và Con đường" thì Mỹ có sáng kiến "Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do và rộng mở", cùng để duy trì tầm ảnh hưởng địa chính trị-kinh tế trên những không gian rộng lớn trải dài trên các lục địa. Mỹ tăng cường chi tiêu quốc phòng để kiềm chế Trung Quốc thì Trung Quốc, nước có mức chi tiêu quốc phòng đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, cũng đẩy mạnh trang bị các loại vũ khí ngày càng hiện đại để thực hiện các biện pháp răn đe nhằm hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ trong khu vực. Ông Donald Trump có câu thần chú "Nước Mỹ trên hết" thì Chủ tịch Tập Cận Bình tung ra khẩu hiệu "Trung Hoa mộng"-giấc mơ Trung Hoa-nhằm chấn hưng dân tộc, theo đuổi "sự vĩ đại của quốc gia"...

Thế nên đụng độ là không tránh khỏi, lên đến đỉnh điểm trong năm 2018 với cuộc thương chiến bắt đầu từ tháng 7.

Khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng đầu năm 2017, vị tân tổng thống Mỹ, vốn là một doanh nhân, đã cho rằng "không thể chấp nhận" tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong cán cân thương mại giữa hai bên, với lợi thế xuất siêu nghiêng mạnh về phía Trung Quốc. Cùng đó là những vấn đề nghiêm trọng trong sở hữu bản quyền trí tuệ, chính sách cạnh tranh công nghệ của Bắc Kinh, an ninh mạng và cả những đòi hỏi lãnh thổ vô lối có khả năng đe dọa tự do an toàn hàng không, hàng hải, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông.

Trong những tình thế như thế, việc thương thảo nhằm đạt tới một thỏa hiệp có thể thỏa mãn được cả hai bên hầu như là chuyện khó tựa lấy sao trên trời!

Ông Donald Trump quyết định ra đòn.

Tiến trình phát triển của nước Mỹ cận đại cho thấy, mỗi tổng thống Mỹ đều có ít nhất một cuộc chiến tranh để ghi dấu ấn vào lịch sử. Thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt có hẳn một cuộc đại chiến thế giới mà vị tổng thống phải ngồi xe lăn mất chỉ ít lâu trước ngày chiến thắng cuối cùng. Người kế nhiệm Harry Truman có cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Lần lượt các Tổng thống: Dwight Eisenhower, John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford đều dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Đến ngay một tổng thống được coi là "bồ câu" như Jimmy Carter cũng bị dính vào cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, rồi tiếp đó bắt đầu dính líu vào Afghanistan. Tổng thống "diều hâu" Ronald Reagan "bỏ túi" cuộc chiến tranh ở Grenada và cuộc không kích vào Libya năm 1986.

Tổng thống Bush (cha) chỉ đạo cuộc chiến ở Panama, sau đó là cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất tấn công Iraq. Gắn với Tổng thống Bill Clinton là các cuộc triển khai quân Mỹ ở Somalia và Haiti, tiếp đó cùng NATO thực hiện chiến dịch không kích Nam Tư kéo dài 18 tháng.

Tổng thống Bush (con) phát động cuộc chiến tranh Afghanistan để trả đũa vụ khủng bố 11-9, tiếp đó là cuộc chiến tranh Iraq (Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai) lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Đến thời Tổng thống Barack Obama là chiến dịch không kích vào Libya dưới danh nghĩa thực hiện một nghị quyết của Liên hợp quốc...

Ông Donald Trump không cần những cuộc "chiến tranh nóng" như vậy. Bằng việc phát động cuộc thương chiến với Trung Quốc, ông có riêng một cuộc chiến tranh cho mình.

QUYẾT CHIẾN ĐIỂM: ÁP THUẾ!

Khi khai hỏa thương chiến với Bắc Kinh, ông Donald Trump lựa chọn một quyết chiến điểm: Áp thuế đối với các mặt hàng, sản phẩm của Trung Quốc. Nói cách khác, bằng đòn áp thuế trên diện rộng, với giá trị cực lớn, ông Donald Trump muốn qua đó đánh trực tiếp vào nền sản xuất hàng hóa của Trung Quốc, trong nhiều năm được coi như "công xưởng của thế giới".

Không phải ông Donald Trump không biết rằng áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc thì đương nhiên là Trung Quốc cũng sẽ có các đòn đáp trả, áp thuế ngược lại đối với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ theo quan điểm của ông Donald Trump, đây là cuộc chiến "có tổng bằng 0", khi thiệt hại của bên này trở thành lợi thế của bên kia.

Nói cách khác, đây là cuộc đua tranh về tiềm lực giữa hai nền sản xuất, khi bên nào bền bỉ chịu đựng được lâu hơn, nhiều hơn những tổn thương do phía bên kia gây ra thì sẽ có cơ may bước ra khỏi cuộc chiến trong tư thế của kẻ chiến thắng!

Các con số nhanh chóng tăng lên một cách đáng ngại. Gần 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã phải chịu lệnh tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ, trong khi phía Trung Quốc cũng áp thuế lên gần 110 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.

Nhưng liệu khi quyết định lao vào cuộc thương chiến với Trung Quốc, ông Donald Trump muốn đạt tới một mục tiêu duy nhất là buộc phía Trung Quốc phải nhượng bộ bằng cách tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và bằng cách đó, dần cân bằng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên?

PHẦN CHÌM CỦA TẢNG BĂNG

Nếu như vậy thì quá đơn giản, bởi rõ ràng là Bắc Kinh sẵn sàng có những nhượng bộ trên "mặt trận" kim ngạch thương mại hai chiều này.

Phần chìm của tảng băng thương chiến Mỹ-Trung nằm ở chỗ khác: Cuộc chiến công nghệ.

Bởi đó chính là "mặt trận" mà Mỹ có ưu thế hơn hẳn so với phía Trung Quốc, trong khi Mỹ cũng thừa biết rằng Bắc Kinh có một ưu thế vượt trội so với Mỹ, đó là lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ.

Các công ty, tập đoàn công nghệ nhà nước của Trung Quốc đã hưởng lợi rất lớn từ những chương trình tài trợ từ nguồn dự trữ ngoại hối của nhà nước và bằng cách đó, tìm cách nâng cao trình độ công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh với các công ty của Mỹ. Chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" là một chỉ dấu cho tham vọng này.

Cùng với đòn áp thuế, ông Donald Trump đặc biệt hướng trọng tâm vào việc siết chặt các quy trình chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc, quyết liệt chống xâm phạm sở hữu trí tuệ, kiểm soát gắt gao các trường hợp công ty Mỹ liên doanh với những công ty công nghệ của Trung Quốc mà một trong những đòi hỏi thường trực của phía Trung Quốc là phải chuyển giao công nghệ của Mỹ, thậm chí còn cực đoan hơn khi cắt giảm việc trao đổi sinh viên với Trung Quốc theo học một số lĩnh vực công nghệ nhạy cảm...

Bằng cuộc chiến công nghệ đi sau cuộc chiến thương mại này, ông Donald Trump muốn Bắc Kinh phải khuất phục trước ưu thế công nghệ của Mỹ, phải dùng lượng tiền ngoại hối dự trữ để nâng đỡ cho những công ty, tập đoàn nhà nước và qua đó làm xói mòn ưu thế này của phía Trung Quốc.

"Nhất tiễn hạ song điêu", việc Trung Quốc phải đổ tiền, đổ của vào để "chạy đua" công nghệ với Mỹ cũng sẽ khiến cho giá thành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao tăng lên, làm mất đi ưu thế cạnh tranh hàng hóa bằng giá rẻ và như thế, hàng hóa Mỹ sẽ có thêm ưu thế trên thị trường Trung Quốc.

Chính bằng cách này chứ không phải dựa vào những nhượng bộ nhỏ giọt từ phía Bắc Kinh mà cán cân thương mại giữa hai bên mới có cơ may tiến đến sự cân bằng trở lại.

Cũng vì "tảng băng ngầm" cạnh tranh công nghệ này nên vào dịp cuối năm 2018, khi ông Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Buenos Aires của Argentina bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, mặc dù hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời hưu chiến nhưng đó mới chỉ là cuộc chiến thương mại; cuộc chiến công nghệ chắc chắn sẽ còn kéo dài và chính nó mới là yếu tố quyết định ai sẽ giành chiến thắng trong cạnh tranh Trung-Mỹ./.

Yên Ba (qdnd.vn)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/the-gioi/thuong-chien-118773