'Thượng đế' Việt chốt đơn trên livestream, chất lượng hàng phải ngang tiêu chuẩn Mỹ, Nhật

Thị trường tiêu dùng trong nước không còn dễ tính, người dùng có những tiêu chí lựa chọn cao hơn, khắt khe hơn từ chất lượng cho tới các tiêu chuẩn xanh, cũng như tiếp nhận mua hàng đa kênh. Và đặc biệt, doanh nghiệp cần bỏ suy nghĩ hàng không tốt bán trong nước, hàng chất lượng đem xuất khẩu.

Báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) chỉ ra trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải là hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động.

Đòi hỏi cao về chất lượng

“Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hóa tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng”, Cục Đăng ký kinh doanh cho biết.

Thị trường tiêu dùng trong nước không còn dễ tính, người dùng có những tiêu chí lựa chọn cao hơn, khắt khe hơn từ chất lượng cho tới các tiêu chuẩn xanh.

Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) được thực hiện vào cuối tháng 4/2023 với trên 9.556 doanh nghiệp tham gia cũng chỉ ra, 59,2% doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng.

Dẫn những con số trên để thấy rằng, nếu giải được bài toán thị trường, doanh nghiệp sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, nhất là đối với thị trường trong nước – vốn được xem là trụ đỡ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường trong nước luôn có mức tăng trưởng ở mức hai con số. Năm 2022, tăng trưởng hơn 19%, 5 tháng đầu năm 2023 đạt 12,6%. Hy vọng kết quả 6 tháng 2023 sẽ giữ được đà tăng trưởng này.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lưu ý, thị trường trong nước không còn dễ tính khi người tiêu dùng có những yêu cầu cao hơn. Bà dẫn chứng một siêu thị mới khai trương đang triển khai mô hình bán sản phẩm Việt Nam nhưng được phân phối ở Mỹ, Nhật Bản, nhãn hàng hóa ghi song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

“Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam cũng rất quyền lực, đòi hỏi phải được mua hàng chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản… Chứ không còn là thời cái gì tốt thì xuất khẩu, còn sản phẩm nào chất lượng kém hơn thì để bán trong nước”, bà Nga cho biết.

“Tủi thân” – là chia sẻ mà ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) bình luận trước câu chuyện của Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khi đã từng có thời kỳ hàng ngon, tốt thì đem đi xuất khẩu, còn chưa ngon thì tiêu dùng trong nước.

Đồng quan điểm với bà Nga, ông Tiến nhìn nhận, câu chuyện trên không còn đúng với hiện nay. Người tiêu dùng của Việt Nam đang ngày càng yêu cầu khắt khe với sản phẩm trong nước, đặc biệt là chất lượng phải đạt chuẩn xuất khẩu, thậm chí cao hơn. Tầng lớp trung lưu của người Việt tăng lên, kèm theo đó người tiêu dùng muốn được dùng các sản phẩm đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Bắt xu hướng tiêu dùng online

Đặc biệt, ông Tiến đánh giá, ngoài những kênh phân phối truyền thống, trong thời gian gần đây và trong tương lai, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng nhiều các nền tảng thương mại điện tử để giao dịch, mua bán nông sản. Tại Việt Nam, việc livestream bán hàng cũng đang có những bước phát triển nhanh chóng. Hiện nay, trong các sự kiện Hội chợ, phiên chợ… của Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức đã thí điểm tổ chức các phiên livestream song song cùng các sự kiện offline và bước đầu đã thu được kết quả khả quan, thậm chí có những mặt hàng trên livestream có doanh số tăng đột biến ví dụ như: Vải tưởi, vải sấy dẻo, trà…

Nói về kênh online, ông Đỗ Văn Việt, Ban Phát triển nguồn nhân lực Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), dẫn các thống kê cho thấy tại Việt Nam, dự kiến đến 2025 tăng trưởng doanh thu dự kiến đạt 32 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2022 là 37%.

Theo ông Việt, trong khi Google mất 6 năm để đạt 100 triệu người dùng thì Facebook mất 2 năm, Tiktok mất 9 tháng… Chúng ta đã thấy những nông dân Trung Quốc thu về cả triệu USD nhờ livestream bán hàng trên các nền tảng số, thì giờ Việt Nam cũng có thể làm việc này.

Vừa qua, UBND của tỉnh Bắc Giang đã quy tụ được hơn 40 người có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng TikTok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, tương La, đông trùng hạ thảo… Theo thống kê, trong vòng 4 tiếng các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút tổng cộng gần 1,7 triệu lượt xem. 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm 23 tấn vải thiều. Ngoài ra, mỳ chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút livestream.

Dẫn chứng những câu chuyện trên, ông Việt cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được xu hướng bán hàng thông qua thương mại điện tử, nhưng với quan điểm là đón đầu xu hướng để tạo lợi thế cạnh tranh, tạo ra nguồn khách hàng mới, từ đó phát triển hoạt động kinh doanh.

Theo ông Bùi Cao Học, CEO & Founder Công ty TNHH Công nghệ CloudGO, sau đại dịch COVID-19, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi, đây có thể là nguyên nhân “giết doanh nghiệp” nhưng chính họ không biết. Hành vi khách hàng thay đổi nhưng DN vẫn hành động theo lối cũ, vì vậy, mỗi doanh nghiệp nên thiết kế lại hoạt động phù hợp với hành vi tiêu dùng.

"Ngày xưa, người dùng có thể ra chợ mua cá, mua rau… nhưng giờ đây họ đặt mua trên kênh online. Doanh nghiệp thích nghi tốt, đi tiên phong sẽ tồn tại và phát triển. Đây là trào lưu, xu hướng không thể đảo ngược", CEO CloudGO lưu ý.

Ông Võ Trí Thành

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh

Khuynh hướng tiêu dùng là câu chuyện muôn thuở của nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người dân. Thời điểm này càng có ý nghĩa đặc biệt khi trong những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, thì cái khó lớn nhất là không bán được hàng, không có thị trường. Do vậy, hiểu được sự chuyển dịch của xu hướng tiêu dùng thì có ý nghĩa rất quan trọng để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tìm kiếm cơ hội mới. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ DN, kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT, hỗ trợ sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.

Bà Đặng Thúy Hà

Giám đốc bộ phận Consumer Insight NielsenIQ Việt Nam

Theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững khi mua sắm. Theo dữ liệu khảo sát sát mới của NielsenIQ, 46% người tiêu dùng đang tìm đến và lựa chọn các thương hiệu đi đầu trong việc tạo ra thay đổi bền vững. Họ kỳ vọng các doanh nghiệp có sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Do vậy, các doanh nghiệp phải chủ động chứng minh các hành động và kết quả phát triển bền vững. Theo đó, không chỉ chờ đợi sự giám sát mức độ tuân thủ luật của các cơ quan quản lý về môi trường. Doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm với tuyên bố xanh của mình và chủ động đưa ra các bằng chứng hoạt động.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long

Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings

Việc xây dựng và theo đuổi mô hình kinh tế xanh phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn tài chính dồi dào, nguồn nhân lực có trình độ, hiện đại. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần trợ lực về chính sách từ Chính phủ. Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các dự án bền vững, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Canada, Luxembourg đang thực hiện.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/apos-thuong-de-apos-viet-chot-don-tren-livestream-chat-luong-hang-phai-ngang-tieu-chuan-my-nhat-1093512.html