Thượng đỉnh liên Triều: Nhiệm vụ không dễ dàng!

Cuộc gặp mặt lần thứ ba trong năm giữa Chủ tịch Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra trong kỳ vọng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.

Hôm qua (18-9), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã đến Bình Nhưỡng, chính thức bắt đầu chuyến thăm và làm việc kéo dài ba ngày với người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un trong bối cảnh vấn đề hạt nhân Triều Tiên không có tiến bộ, hai bên đều tỏ ra quyết tâm tìm kiếm giải pháp và thiết lập hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.

Đây là cuộc gặp mặt cấp cao lần thứ ba chỉ trong năm nay giữa hai lãnh đạo liên Triều - một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ nồng ấm nhất giữa hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên suốt từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950.

Bình Nhưỡng tiếp đón trọng thị Seoul

Theo CNN, cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju đều có mặt chào đón sự xuất hiện hiếm hoi của lãnh đạo Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng. Rất đông người dân Triều Tiên cũng có mặt với cờ, hoa chào đón Tổng thống Moon và phu nhân. Truyền hình Hàn Quốc phát sóng trực tiếp cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng. Để chuẩn bị cho thượng đỉnh liên Triều lần này, có khoảng 90 quan chức Hàn Quốc đã đến Bình Nhưỡng vào hôm Chủ nhật (16-9), theo Yonhap.

Trước chuyến thăm, tổng thống Hàn Quốc trong cuộc gặp với giới chuyên gia, cố vấn về vấn đề Triều Tiên đã phát biểu: “Một trong những mục đích của chuyến thăm lần này chính là tiếp tục phát triển mối quan hệ liên Triều, bên cạnh đó sẽ thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Triều Tiên với Mỹ nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên”.

Ngay trước khi khởi hành sang Triều Tiên, trợ lý cao cấp tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa nhắc lại chuyến thăm của ông và phu nhân đến Bình Nhưỡng sẽ thành công nếu có thể giúp ích việc tái khởi động chương trình đối thoại Mỹ-Triều. “Chuyến đi lần này của tôi đến Triều Tiên sẽ rất tuyệt vời nếu có thể giúp đối thoại Mỹ-Triều tiếp tục diễn ra” - Tổng thống Moon nói.

Trong khi đó, ông Kim Jong-un, theo bình luận của The Guardian, dường như đang nỗ lực tìm kiếm các chương trình hợp tác kinh tế quan trọng với Hàn Quốc. Đồng thời Bình Nhưỡng mong muốn tìm kiếm ủng hộ của Seoul trong việc hủy bỏ các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, cũng như thiết lập một hiệp định hòa bình chính thức thay thế cho hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS

Thử thách rất lớn

So với hai lần gặp trước trong năm 2018, thượng đỉnh lần ba giữa ông Kim và ông Moon đối mặt thách thức lớn nhất. Lần gặp đầu tiên diễn ra vào tháng 4 vừa qua, hai bên gặp nhau nhằm mục tiêu “phá băng” quan hệ hai nước, vốn kéo dài căng thẳng kể từ khi ông Kim Jong-un thay thế cha mình lãnh đạo Triều Tiên, không ngừng đẩy mạnh các chương trình phát triển hạt nhân, trong đó có chương trình tên lửa xuyên lục địa đầy rủi ro. Cuộc gặp lần thứ hai diễn ra vào khoảng hơn một tháng sau đó, khi quan hệ Mỹ-Triều bất ngờ xấu đi và cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Singapore có nguy cơ bị hủy. Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thượng đỉnh Trump-Kim diễn ra theo đúng dự kiến, mở đầu cho những hứa hẹn giữa hai bên về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược” ở bán đảo Triều Tiên.

Kể từ sau thượng đỉnh Singapore, vấn đề Triều Tiên trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết khi Bình Nhưỡng nhộn nhịp các cuộc gặp ngoại giao, chứng kiến các chuyến thăm và làm việc liên tục của các quan chức đến từ Mỹ, Hàn Quốc lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, điều dễ thấy nhất chính là Washington và Bình Nhưỡng dần đi vào bế tắc khi phi hạt nhân hóa vẫn chỉ dừng trên giấy, còn thực tế cả hai không tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện. Mỹ vẫn khẳng định sẽ không cắt giảm trừng phạt Triều Tiên cho đến khi nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn; trong khi Bình Nhưỡng tỏ ra mong muốn Mỹ cắt giảm cấm vận, thiết lập hiệp ước hòa bình tại khu vực trước khi phi hạt nhân hóa.

Cả hai dường như đang mắc phải vấn đề về niềm tin: Mỹ không tin Triều Tiên sẽ thực hiện lời hứa sau khi hết bị phong tỏa bởi phương Tây; trong khi Bình Nhưỡng lo lắng việc chủ động phi hạt nhân hóa trước dễ mắc phải bài học xương máu của Libya trước đây. Điều đó cần đến Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ và cũng được kỳ vọng như cầu nối, có thể “hòa giải” Mỹ-Triều. Việc thúc đẩy quan hệ Hàn-Triều sẽ góp phần không nhỏ để Washington và Bình Nhưỡng gia tăng niềm tin vào nhau.

Bản thân ông Moon cũng thẳng thắn rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không thể là chuyện đơn phương của chính quyền Kim Jong-un mà cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bên. Nhưng làm sao để tất cả các bên đều hành động tiến trình phi hạt nhân hóa, chắc chắn thượng đỉnh Hàn-Triều phải cần đến những quyết định đột phá.

Điều tôi mong muốn là đạt được hòa bình. Tôi không tìm kiếm một sự thay đổi ngắn hạn và bị ràng buộc bởi các điều kiện quốc tế. Tôi muốn hòa bình lâu dài, không thể bị đảo ngược, không thể bị lay chuyển bởi các điều kiện quốc tế.

Tổng thống MOON JAE-IN

THÙY ANH - HOÀNG PHÚ

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/thuong-dinh-lien-trieu-nhiem-vu-khong-de-dang-792881.html