Thượng đỉnh Mỹ-Triều mở ra cơ hội hòa bình cho khu vực

Vậy là cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra vào ngày 12-6 đúng như kế hoạch ban đầu, sau những lời đe dọa hủy bỏ từ cả hai phía cũng như nỗ lực và thiện chí từ tất cả các bên. Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore đã mở ra triển vọng đem lại hòa bình cho khu vực và thế giới.

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12-6 tại Singapore. Ảnh: Reuters

Cái bắt tay lịch sử

Đúng 9 giờ, giờ địa phương ngày 12-6 (tức 8 giờ, giờ Hà Nội), Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chính thức bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại khách sạn Capella trên hòn đảo Sentosa của Singapore.

Trước khi bước vào đàm phán, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cái bắt tay lịch sử, trở thành những nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đầu tiên gặp mặt trực tiếp nhằm tìm giải pháp chấm dứt vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong cuộc hội đàm riêng rẽ kéo dài 40 phút, Tổng thống Donald Trump khẳng định, Mỹ và Triều Tiên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nếu hợp tác và cho biết cuộc gặp đã diễn ra "rất, rất tốt", hai bên đã có "mối quan hệ tuyệt vời". Tổng thống Mỹ đồng thời khẳng định, ông cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ "giải quyết được một vấn đề to lớn".

Tại cuộc hội đàm song phương mở rộng diễn ra ngay sau đó với sự tham dự của các quan chức cấp cao hai bên, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã trao đổi những quan điểm sâu rộng về vấn đề thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước, xây dựng một cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên cũng như hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa ở khu vực và các vấn đề mà hai bên quan tâm.

Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump khẳng định, cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Châng Un là “thực sự tuyệt vời”. Ông Trump cũng bày tỏ lạc quan về khả năng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, sẽ cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un giải quyết những khác biệt liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố thế giới sẽ được chứng kiến "một sự thay đổi lớn lao".

Cuộc hội đàm song phương mở rộng với sự tham gia của các cố vấn cấp cao hai bên. Ảnh: Getty Images.

Trong khuôn khổ cuộc gặp lịch sử này, Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ký thỏa thuận về việc công nhận những tiến triển trong quá trình đàm phán và cam kết duy trì đà đối thoại.

Bước khởi đầu của "một tiến trình lâu dài"

Dư luận đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ngày 12-6, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvytkin cho biết, nước này hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore. Tuy nhiên, theo ông Shvytkin, một vòng đàm phán sẽ khó có thể dẫn đến những kết quả tích cực.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, hội nghị lần này thành công mới chỉ là bước khởi đầu của "một tiến trình lâu dài" nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài trên mảnh đất này. Ông cho rằng, vấn đề căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân sẽ không thể được giải quyết chỉ thông qua một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên mà đây sẽ là quá trình có thể kéo dài một năm, hai năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa.

Trong khi đó, Nhật Bản lại tỏ ra thận trọng về kết quả hội nghị. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định kể cả khi một cam kết chắc chắn được đưa ra tại hội nghị, các bên vẫn nên thận trọng, không nên hạ thấp cảnh giác cho đến khi xác nhận được việc triển khai các bước đi cụ thể.

Giới quan sát cho rằng, trong thời gian đầu, tiến trình đàm phán có thể chỉ dừng lại ở mức ý tưởng và các hành động bày tỏ thiện chí của mỗi bên. Mặc dù vậy, cuộc gặp đánh dấu một bước tiến rất lớn cho tiến trình bình thường hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thuong-dinh-my-trieu-mo-ra-co-hoi-hoa-binh-cho-khu-vuc/