Thương Hà Nội qua từng con ngõ nhỏ

Ngày 2-10-2019, Sống - thương hiệu sách của tác giả Việt cùng nhà văn Trung Sỹ sẽ có buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách 'Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu' tại Hoàng Thành Thăng Long. Cuốn sách đã phác họa một Hà Nội những năm 60-70 của thế kỷ trước: Khó khăn, bình dị và lấp lánh vẻ đẹp của tình người. Hà Nội trong nỗi nhớ của nhiều người có lẽ cũng hiện lên qua từng con chữ và những mốc lịch sử lớn lao đó. Nhưng với một số người, ký ức về thành phố này lại dừng ở những con ngõ nhỏ. Bởi, như nhà văn Uông Triều đã từng viết trong 'Hà Nội - quán xá phố phường': 'Kể về Hà Nội nhiều khi bị chê là đã cũ, đã nhàm rồi. Hà Nội quanh đi quẩn lại có mấy ngõ, mấy phố, hai cái hồ, đâu có còn gì nữa mà nhà văn, nhà thơ cứ mất công viết lại? Đúng là Hà Nội chỉ có từng ấy thôi. Nhưng mỗi ngõ, mỗi phố, mỗi phường,... đều có nhiều câu chuyện mà ngay cả những người con của Hà Nội đôi khi còn chẳng biết rõ.'

Ngõ Tạm Thương: “Thương một đời, đâu phải tạm thương”

Phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng như bao con phố khác, được chiếc áo thời gian trùm lên mình vẻ sầm uất, nhộn nhịp. Nhưng lọt thỏm ở một ngã rẽ của Hàng Bông, ngõ Tạm Thương vẫn giữ lại cho mình những nét riêng và mang sắc thái của một trong những con ngõ hiếm hoi đậm chất Hà Nội xưa, sót lại đến ngày nay.

Ngõ Tạm Thương vào sớm thu Hà Nội

Ngõ Tạm Thương vào sớm thu Hà Nội

Cái tên Tạm Thương, nhiều người sẽ nhắc tới tích truyền miệng "trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương" về chuyện tình của mấy anh lính trạm xa nhà với những cô gái... hay thương người để lý giải.

Nhưng cách giải thích được nhiều người đồng tính nhất là: Từ đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn, ngõ có tên là Trạm Thương, vì tại đây đặt một kho chứa tạm thóc thuế của dân nộp trước khi chuyển vào kho chính. Về sau, cái tên Trạm Thương bị đọc chệch thành Tạm Thương.

Nhưng dù sao, cái tên Tạm Thương cũng đã để lại cho người ta cảm giác rất đỗi dịu dàng, thân thuộc như trong vần thơ của Chế Lan Viên.

“Sương giăng mắc mờ trên ngõ Tạm Thương,

Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm.

Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm,

Thương một đời đâu phải tạm thương.”

Ngõ Tạm Thương thực rất "cụt" như trong câu thơ Chế Lan Viên viết. Chiều dài của ngõ chỉ chừng 800m, ăn thông với ngõ Yên Thái. Ở chính giữa ngõ còn gấp khúc hình chữ "chi", nơi mà ngày nay còn lưu giữ ngôi đình thờ Nguyên phi Ỷ Lan (1107-1177), vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông. Nên, ngõ Tạm Thương giữ lại đủ kết cấu đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ: Cây đa, giếng nước, sân đình.

Đền Yên Thái là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân ngõ Tạm Thương

Vào các ngày mùng một đầu tháng, ngày rằm hay những ngày lễ, Tết người dân Tạm Thương thường treo cờ trước cửa và lên đền thắp nhang, cầu khấn phước lộc, bình yên.

Nhịp sống ở ngõ Tạm Thương vào ban ngày diễn ra rất chậm với những nếp sinh hoạt bình dân.

Nhưng về đêm, từ khoảng 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, ngõ Tạm Thương trở thành điểm đến hút khách với món nem rán nổi tiếng.

Tuy ngõ Tạm Thương có nhiều nét cũ-mới đan xen nhưng có một thứ không bao giờ đổi, đó là tâm tình con người. Người Hà Nội thâm trầm, thanh lịch, người Tạm Thương cũng thế.

Bởi vậy, ghé chân tới ngõ Tạm Thương, người ta không chỉ thấy thanh thản mà còn có cảm giác quyến luyến như thể đã nặng lòng với nó cả đời.

Ngõ Phất Lộc: Ước vọng về phước lộc, bình an.

Ngõ Phất Lộc đặc biệt ở chỗ, ngõ vừa mang hình thái đô thị, vừa mang chiều sâu về tâm linh, lại vừa mang nét dung dị của cuộc sống sinh hoạt đời thường.

Ngõ Phất Lộc vào sáng sớm

Ngõ vốn chỉ là một con hẻm nhỏ thuộc địa phận của phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), gần với chợ Bắc Qua phía bờ sông nơi có cầu Chương Dương qua bên phía Gia Lâm. Ngõ dài 300m, gồm ba nhánh nhỏ ăn thông ra ba con phố khác nhau: Hàng Mắm, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Hữu Huân. Ba nhánh này hội tụ ở cổng ngôi đền Tiên Hạ, một ngôi đền nổi tiếng của Hà Nội có kiến trúc đặc sắc, lưu giữ nhiều di vật văn hóa có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Ngõ có tên này là do một ông họ Bùi từ làng Phất Lộc thuộc tỉnh Thái Bình ra Hà Nội làm ăn và định cư tại đây từ lâu. Cái tên Phất Lộc vốn mang hàm nghĩa cầu tài lộc, như ước nguyện vốn có của những người đi làm ăn xa.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Phất Lộc chính là căn cứ quân sự của Liên khu I Hà Nội.

Ngoài ra, ngõ còn là nơi thu hút khá đông tín đồ đạo Mẫu gắn với đền Tiên Hạ thờ Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), một danh nhân thời Trần, tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Việt.

Ngõ Phất Lộc còn nổi tiếng thu hút nhiều người bởi đây là nơi hội tụ ẩm thực của Hà Nội với các món ngon nổi tiếng như: Bún chả que tre, bún riêu cua Phất Lộc, bún đậu mắm tôm,...

Ngõ Hội Vũ: Chuyện người đàn bà tài hoa nhất xứ Bắc Kì

Tên Hội Vũ làm người ta dễ liên tưởng tới những màn ca vũ có từ thời Pháp thuộc. Sức liên tưởng đó có lẽ xuất phát từ không gian đậm chất Pháp của ngõ.

Ở đây tọa lạc nhiều căn biệt thự cổ xây theo phong cách Pháp, trong đó có căn biệt thự từng là nơi ở của nhân vật lẫy lừng nhất xứ Bắc Kì (giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX): Cô Tư Hồng.

Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, một nữ doanh nhân thành đạt. Đời cô Tư Hồng thăng trầm, gắn với nhiều giai thoại và cả những biến cố đổi thay của lịch sử Hà Nội. Cô Tư Hồng chính là người trúng thầu phá thành Hà Nội theo yêu cầu của người Pháp và là người phụ nữ đầu tiên mở được công ty ở xứ Bắc Kỳ. Cô có công xây dựng kiến thiết phố phường mà dấu ấn để lại là những ngôi nhà ở các phố Cửa Đông, Đường Thành, Hàng Da, trường Việt Đức...

Cũng vì truân chuyên chuyện tình duyên và là một doanh nhân thành đạt, cô Tư Hồng đã trở thành nhân vật trong một số sách văn học và lịch sử viết về Hà Nội.

Cô Tư Hồng trước tòa nhà ở Hội Vũ, Hà Nội (trái) và cuốn tiểu thuyết tư liệu "Me Tư Hồng" của Nguyễn Ngọc Tiến (phải)

Ngõ Hội Vũ nổi tiếng không chỉ bởi gắn với tên người đàn bà tài hoa nhất bấy giờ, mà do những quán cà phê trong biệt thự Pháp với không gian đẹp và thoáng đãng đã làm mê đắm bất cứ ai ghé chân tới đây.

Nói là ngõ nhưng Hội Vũ cũng như phố, bởi ngõ có 3 nhánh tỏa ra 3 phố: Hàng Bông, Tràng Thi và Quán Sứ. Nên không thể một ngày mà thăm thú hết vẻ đẹp của nó. Bởi thế, nếu bước chân đã mỏi, bạn có thể dừng chân ở ngay đầu ngõ, nhánh sát với phố Tràng Thi để thưởng thức những món ngon như sủi cảo, mì vằn thắn, bánh cuốn, miến ngan…

Nét đẹp độc đáo của Hà Nội liệu có biến mất?

Những con ngõ như trên trở thành một phần tất yếu tạo nên sinh thể của Hà Nội. Cùng với những di tích lịch sử, những di sản văn hóa,... tất cả gộp lại để tổng hòa nên nét đẹp độc đáo của Hà thành.

Nhưng đáng tiếc, nước thời gian chảy trôi đã khiến sự thanh bình của ngõ phố xưa dần bị xâm thực, bị bào mòn, phá hoại bởi nhịp sống hiện đại. Nhiều con ngõ thênh thang giờ đã bị thu hẹp lại để xây dựng nhà cửa, hay những đền, chùa,... bị xóa tên chỉ bởi xuống cấp.

Đứng trước nguy cơ đó, Việt Nam đang nỗ lực tìm ra các giải pháp để giúp Hà Nội giữ lại những nét riêng vốn thuộc về mình.

Trả lời cho vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: "Các cơ quan đoàn thể vẫn đang triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch ngành Văn hóa giai đoạn 2015-2020 mà nhà nước đưa ra, với các khâu như xây dựng đề án, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; Khai thác và phát huy giá trị các di tích vào khai thác du lịch, khuyến khích việc duy trì phong tục tập quán lành mạnh, các lễ hội truyền thống, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, nghề thủ công… để trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương".

Nhưng, công cuộc trên cũng cần sự chung tay, góp sức của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Vì như thế mới có thể đẩy nhanh tiến độ mà đạt được hiểu quả mong muốn là: Một Hà Nội đẹp đúng "chuẩn" có thể làm say lòng cả bạn bè quốc tế lẫn người Việt Nam.

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/thuong-ha-noi-qua-tung-con-ngo-nho/826707.antd