Thương hiệu - chuyện không chỉ của doanh nghiệp lớn

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa muốn trụ vững, bứt phá, không thể không xây dựng và gìn giữ thương hiệu. Bởi chỉ khi xây dựng được thương hiệu, mới tạo được dấu ấn và niềm in trên thị trường, đó là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Xây dựng thương hiệu không chỉ quan trọng đối với doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp nhỏ cũng phải chú trọng

Không phải đến bây giờ, khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế mạnh mẽ, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, câu chuyện xây dựng thương hiệu mới được các DN để ý. Tuy nhiên lâu nay, hầu hết việc xây dựng thương hiệu chỉ được các DN lớn chú tâm trong khi đó, các DN nhỏ và vừa hầu như không mặn mà.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, xây dựng thương hiệu phải là yếu tố đầu tiên mà mỗi doanh nhân khi bước chân vào thương trường đều phải tính đến. Song, dường như với các DN nhỏ và vừa Việt Nam, vấn đề này lại không quan trọng lắm. Phần lớn DN nhỏ và vừa đang rất lúng túng trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Nhiều DN khi đã thành công trên thương trường và ghi được dấu ấn với khách hàng, có được tên tuổi, vị trí của mình mới nhận ra rằng thương hiệu không đơn thuần là cái tên mà còn chứa đựng nhiều thông điệp, ý nghĩa mà mỗi DN muốn gửi đến cho khách hàng. Trong khi đó, không ít DN lại cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là quá trình tốn kém và chỉ phù hợp cho những DN lớn “mạnh gạo, bạo tiền”.

Chính tư duy đó mà nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay đã dẫn đến nhiều hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh cả trong và ngoài nước đang ngày càng trở nên khốc liệt. Và thực tế là nhiều khách hàng đã quay lưng lại với các sản phẩm của chính DN trong nước sản xuất, ưu tiên hơn cho các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài cho dù sản phẩm không khác nhau về chất lượng, hình thức, giá cả…

Bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc điều hành Công ty Thanhs đồng thời là cố vấn cao cấp về thương hiệu chia sẻ, một số người cho rằng thương hiệu đơn giản bao gồm một vài yếu tố như màu sắc, font chữ, logo, slogan… Nhưng trên thực tế, thương hiệu là tất cả những gì có trong đầu của khách hàng hiện tại và tiềm năng, khi họ nghĩ đến một công ty, nghĩ đến một sản phẩm hoặc một cá nhân. Chiến lược thương hiệu được định nghĩa là toàn bộ quy trình, công cụ và phương pháp biến một sản phẩm, dịch vụ, hay một tên gọi (của tổ chức) trở thành một dấu ấn độc quyền, khác biệt, cảm xúc trong tâm trí khách hàng và công chúng.

“Thương hiệu giúp người tiêu dùng trung thành lựa chọn sản phẩm của DN trước sự đa dạng, phong phú của sản phẩm trên thị trường như hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ là vấn đề của các DN lớn, mà cả đối với các DN nhỏ và vừa. Muốn thành công và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, các DN nhỏ và vừa cần phải đặt việc phát triển thương hiệu lên ưu tiên hàng đầu” - bà Vân chia sẻ.

Yếu tố để nâng sức cạnh tranh

Cho rằng việc xây dựng thương hiệu là động thái không thể bỏ qua của mỗi DN, ông Trần Anh Tuấn, phụ trách lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm Công ty MesLab cho rằng, một thương hiệu có ấn tượng, uy tín với khách hàng là thương hiệu phải lấy khách hàng làm trung tâm. Phải nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, chi phí của khách hàng ở mức nào... từ đó mới đưa ra được sản phẩm cũng như dịch vụ phù hợp.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, người làm thương hiệu không nên quá áp đặt rằng, sản phẩm mới, thương hiệu mới phải hoành tráng, phức tạp… Nhiều khi thương hiệu của mỗi DN lại được xây dựng từ những thứ rất nhỏ, đơn giản nhưng lại được thị trường chấp nhận.

Theo ông Tuấn, khi xây dựng thương hiệu về một sản phẩm và dịch vụ, muốn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, DN cần có tư duy thiết kế sản phẩm mới. Một sản phẩm mới khi sắp được tung ra thị trường cần phải trường cần phải trả lời được ba vấn đề: Khách hàng có nhu cầu về sản phẩm đó hay không, năng lực của của DN có làm được sản phẩm đó không và yếu tố cũng rất quan trọng phải lưu ý, đó là chi phí làm ra sản phẩm đó có hợp lý hay không.

“Để làm một sản phẩm hay dịch vụ để đưa ra thị trường, muốn chào mời được khách hàng theo một cách giản lược cần đi theo 5 bước: Đồng cảm đặt mình vào khách hàng, đặt khách hàng vào trung tâm; xác lập, khoanh vùng đối tượng khách hàng; có ý tưởng tối ưu nhất để tìm phương án khả thi; lắng nghe phản hồi từ khách hàng; thử nghiệm và sửa theo ý muốn thay đổi liên tục của khách hàng và quan trọng phải luôn lạc quan với sản phẩm của mình”- ông Tuấn cho biết.

Những nhận định trên cho thấy, các DN nhỏ và vừa ngày càng quan tâm đến câu chuyện xây dựng thương hiệu, bởi hơn ai hết, họ đều đã và đang nhận thức rõ ràng hơn về vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Xây dựng thương hiệu không chỉ giúp DN ghi được dấu ấn đối với khách hàng, gây dựng chữ tín của DN trên thị trường mà còn là yếu tố giúp DN nâng sức cạnh tranh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu, một khi đã nỗ lực xây dựng được thương hiệu, các DN cũng cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, bằng việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, mua tên miền website để hạn chế thấp nhất những hành vi đánh cắp thương hiệu của các đối thủ cạnh tranh.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/thuong-hieu-chuyen-khong-chi-cua-doanh-nghiep-lon-tintuc401049