Thương hiệu mới của tỉnh Quảng Ninh

Vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO 2018 dành cho Chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) trao thưởng tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 8/11, tỉnh Quảng Ninh là địa phương cấp tỉnh đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng này.

Còn nhớ từ thời điểm trước năm 2010, một số đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi đầu trong thực hiện chủ trương văn phòng không giấy tờ, khi toàn bộ hồ sơ, văn bản của thư ký, chuyên viên trình duyệt đều được thực hiện liên thông trên hệ thống mạng nội bộ. Thời điểm đó lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự được nhận giải thưởng cấp quốc gia về đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin. Đi đầu cả nước triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số, Đề án Chính quyền điện tử được tỉnh xây dựng năm 2013 là mô hình chính quyền điện tử tiêu biểu của cả nước. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công kết nối liên thông 4 cấp với Văn phòng Chính phủ, với trục tích hợp dữ liệu liên thông kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh và kết nối với Chính phủ, bộ, ngành trung ương.

Đến nay, 100% các thủ tục hành chính của tỉnh được tiếp nhận, giải quyết và được máy tính hóa trên môi trường mạng. Việc quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện tập trung, thống nhất, công khai minh bạch, từ chỗ hầu như không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (năm 2015), đến nay tỉnh đã cung cấp trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (1.515 dịch vụ), trong 2 năm triển khai đã có trên 33.000 hồ sơ trực tuyến.

Trong 3 năm gần đây (2016, 2017, 2018), Quảng Ninh liên tiếp giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX). Năm 2017, Quảng Ninh xếp thứ 1/63 về Chỉ số PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời đứng ở vị trí thứ 1/63 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).

100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết và thủ tục hành chính được máy tính hóa trên môi trường mạng cùng sự vận hành 15 Trung tâm hành chính công trên toàn tỉnh đã làm thay đổi căn bản hình ảnh, môi trường, cách thức tương tác với người dân, doanh nghiệp; giúp giảm trên 40% thời gian và số lần đi lại, giao dịch cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 70 tỷ đồng/năm. Với những hiệu quả đó, mô hình Chính quyền điện tử Quảng Ninh đang được coi là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình chính quyền điện tử quốc gia.

Sau chính phủ điện tử, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước triển khai xây dựng chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh, công nghệ thông tin được ứng dụng để tăng cường minh bạch hóa, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo nền tảng chủ động trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Trong xu hướng phát triển chung của thế giới, mỗi quốc gia bắt buộc phải hội nhập để phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong các chỉ đạo của mình thời gian qua đã nêu rất rõ, việc xây dựng chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Việc hoàn thành chính quyền điện tử và xây dựng chính quyền số, không chỉ là cơ hội mà còn là xu thế bắt buộc. Và tin rằng chính quyền số sẽ là một thương hiệu mới của của tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.

Ngọc Lan

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/201811/thuong-hieu-moi-cua-tinh-quang-ninh-2407751/