Thương hiệu quốc gia: Vị thế mới - Giá trị mới

Ngày 19/4, Bộ Công Thương tổ chức 'Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021' tại Tp. Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam được xem là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Đại diện Bộ, ngành và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021.

Đại diện Bộ, ngành và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021.

Giá trị thương hiệu quốc gia

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Sơn Trà, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, việc chủ động, tích cực hội nhập và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã góp phần nâng cao vị thế, cũng như giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, việc ký kết và đưa vào thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa Việt Nam vào nhóm những nước đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay, Việt Nam có một vị trí rất đặc biệt bởi các FTA này đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực và trên trường quốc tế, tạo cơ hội hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng với chủ nghĩa bảo hội ngày càng leo thang.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Brand Finance, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng so với năm 2020 trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 trong năm 2020 lên 47/105 năm 2021.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Secoin cho biết, nhờ vào sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value), nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, cũng như giá trị doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có cơ hội xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ một cách chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong đó, Secoin là một điển hình trong việc đưa sản phẩm gạch nghệ thuật của Việt Nam chinh phục hơn 60 thị trường xuất khẩu trên thế giới. Những giá trị được kết tinh trong sản phẩm là đảm bảo chất lượng, sản xuất tại Việt Nam, khai thác thị trường xuất khẩu, bảo vệ mội trường và an toàn sức khỏe. Cùng với đó, Secoin đáp ứng chuẩn mực về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự, nhờ những nỗ lực của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đóng góp lên đến 17 tỷ USD xuất khẩu của cả nước. Còn ngành công nghiệp dệt may chiếm hơn 22 tỷ USD xuất khẩu.

Những đóng góp kinh tế của một số ngành kể trên, vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng chung của Việt Nam và cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong qua trình xây dựng thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp và hàng Việt trên thị trường toàn cầu. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quản lý tốt sẽ là chìa khóa thành công và có thể mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước nói chung và cộng đồng xã hội nói riêng.

Theo ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Tổ chức Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, giá trị của các thương hiệu mạnh đối với doanh nghiệp, quốc gia được thể hiện qua sự thu hút (sức kéo) của thương hiệu. Tiếp theo, có thể kể đến là các yếu tố gợi nhớ, đảm bảo và tin tưởng, khả năng phục hồi trong những giai đoạn khó khăn...

Một thương hiệu mạnh được đánh giá cao hơn bao giờ hết là ở sự tin cậy và vững vàng đối phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, muốn đạt được những điều này, doanh nghiệp phải quản trị tốt, tận dụng sức mạnh khoa học và công nghệ...

Tạo đòn bẩy nâng cao giá trị

Liên quan đến truyền thông thương hiệu, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group cho rằng, với tầm nhìn xúc tiến thương mại quốc gia dài hạn, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được ra đời nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, hướng đến khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi những giá trị cốt lõi của chương trình là "chất lượng - đổi mới sáng tạo - năng lực tiên phong". Giai đoạn 2020-2030, trọng tâm của chương trình là nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp theo các tiêu chí của chương trình, nhất là quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt danh hiệu Vietnam Value.

Năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá bởi Tổ chức Brand Finance là 319 tỷ USD và con số này tăng 29% so với năm 2019, giúp Việt Nam tăng 9 bậc lên vị trí 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị thế giới. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế mà giá trị Vietnam Value mang lại, cũng như sử dụng Vietnam Value như một yếu tố cốt lõi trong hoạt động truyền thông nhằm xây dựng và gia tăng giá trị, tầm ảnh hưởng của thương hiệu doanh nghiệp là bài toán cần giải quyết trên thị trường toàn cầu hiệu nay.

Hiện nay, chiến lược thương hiệu xây dựng dựa trên khuôn mẫu chung chưa tạo được sự khác biệt, không đưa ra các hành động thực tiễn như cam kết. Do đó, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand cho rằng, trong xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần hiểu biết dữ liệu về rào cản, đặc hiểu và xu hướng chính của ngành hàng. Đồng thời, các năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp liên quan tới thương hiệu.

Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand chia sẻ thêm, kết hợp chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng cho doanh nghiệp tạo thành đòn bẩy giúp nâng cao giá trị cho thương hiệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, vấn đề tiềm ẩn của doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia là thiếu phương pháp đo lường và đánh giá hiệu quả đầu tư, xây dựng thương hiệu.

Còn theo ông Thue Quist Thomasen, Thành viên Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bằng giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia. Đây là hướng đi đúng đắn cho các quốc gia định hướng xuất khẩu, nhất là muốn chinh phục thị trường châu Âu.

Đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng thương hiệu tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021.

Khi tiếp cận thị trường, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt và khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa. Về phía EuroCham luôn nỗ lực cung cấp thông tin, kết nối thương mại... để thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Âu hơn nữa, nhất là tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Một số chuyên gia khác cũng cho hay, một thương hiệu quốc gia cần phải được nuôi dưỡng, bảo vệ phát triển bởi một văn hóa doanh nghiệp xứng tầm, phù hợp. Điển hình, văn hóa doanh nghiệp của một thương hiệu quốc gia là tầm nhìn của một thương hiệu, sản phẩm đại diện cho Việt Nam, nên không chỉ dừng lại là một sản phẩm mà còn là một đại sức văn hóa.

Riêng tại thị trường nội địa, thương hiệu quốc gia sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngành, củng cố vị trí thương hiệu và lợi thế cạnh tranh rõ rệt trên thị trường. Hình ảnh quốc gia là hình ảnh thương hiệu sản phẩm với những chuẩn mực và có tính dẫn dắt doanh nghiệp, đối tác, nhà cung cấp phát triển theo.

Bài và ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuong-hieu-quoc-gia-vi-the-moi-gia-tri-moi-20210419230927696.htm