Thưởng lãm sông nước hữu tình Cù Lao Giêng

Cù lao Giêng là dãy đất nằm giữa sông Tiền, có chiều dài khoảng 12km, chiều rộng khoảng 7km gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân ( thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Địa danh này còn có nhiều tên gọi khác nhau như Cù lao Đầu Nước, Dinh Châu, cù lao Diên (Riêng, Den, Ven)…

Theo nhiều tài liệu giải thích: dọc theo sông Tiền có nhiều cồn bãi, trong đó cù lao Giêng là nơi được hình thành đầu tiên nên gọi là “giêng” (ý nói đến tháng giêng là tháng đầu tiên của năm). Nhiều giả thiết khác cho rằng : tên gọi “cù lao Giêng” do chữ “Doanh” (hay “Dinh”), nghĩa là nơi đóng quân lâu ngày đọc trại ra thành chữ Giêng (?).

Thánh đường cù lao Giêng

Ông Võ Văn Cư, 85 tuổi ngụ xã Tân Mỹ kể : “Nghe nói vùng đất nầy hình thành hàng trăm năm trước, không có người sinh sống. Từ khi hòa ước Giáp Tuất giữa triều đình Huế và Pháp được ký kết, người Pháp bắt đầu sang tìm kiếm vùng đất mới để giảng đạo Thiên Chúa và cù lao nầy được chọn làm điểm tập kết mà khởi đầu là việc xây dựng thánh đường Cù Lao Giêng năm 1877 ( tính đến nay đã 141 năm) hiện là nhà thờ có tuổi đời lớn nhất tại ĐBSCL”

Có rất nhiều câu chuyện kể rằng: lúc sang đây xây dựng thánh đường, người Pháp đã mang theo hàng chục nữ tu để chuẩn bị hình thành một bệnh xá chuyên chăm sóc cho người bị bệnh cùi (phong) tại miền Nam. Toàn bộ vật tư xây dựng nhà thờ được người Pháp chở sang bằng tàu, thuyền. Đây được xem là chiếc nôi đào tạo rất nhiều linh mục chủ lực của Nam Kỳ và sau đó hoạt động ở khắp các tỉnh Nam kỳ. Đây còn là địa điểm liên lạc của đạo Thiên Chúa Nam bộ và giáo hội Thiên chúa Cao Miên (nay là CamPuChia).

Cạnh nhà thờ cù lao Giêng hiện còn lưu giữ 2 địa điểm thể hiện sự có mặt rất sớm của người Pháp tại đây (cách nhà thờ khoảng 500 mét) là Tu viện Phan-xi-cô, Tu viện chúa Quan phòng; kế đó là đền tưởng niệm Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, những người có công khai phá vùng đất hoang vu giữa vùng sông nước, giúp người dân có cuộc sống an cư, lạc nghiệp.

Cột dây thép

Thời Pháp thuộc, vùng cù lao Giêng có bến đò lớn, bến xe ngựa để người dân đi lại. Lúc nầy không có cầu nối liền cù lao giêng và cù lao ông Chưởng như hiện nay khiến cù lao nầy sống biệt lập với đất liền (huyện Chợ Mới). Để thông tin liên lạc được nhanh chóng, người Pháp cho xây dựng 2 cột dây thép ở hai bên sông nhằm thiết lập liên lạc giữa cù lao và đất liền. Tại đây, lực lượng cách mạng đã mở nhiều cuộc tấn công làm tiêu hao sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện liên lạc. Địa điểm nầy đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Cột dây thép là điểm treo lá cờ Đảng đầu tiên của phong trào cách mạng tỉnh An Giang. Từ năm 1930 về sau là điểm tập hợp quần chúng nhân dân đấu tranh của chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cách nay hàng trăm năm, các chuyến tàu thủy đi Nam Vang (Phnom Penh - Campuchia) – Sài Gòn thường ghé trạm cù lao Giêng để đưa thư, rước khách, chuyên chở hàng hóa, chủ yếu là trái cây và thủy sản. Lợi dụng địa hình sông nước, lực lượng cách mạng của ta đã xây dựng nhiều cơ sở hoạt động để chống lại thực dân Pháp, tiêu biểu là đồng chí Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thị Hưởng và nhiều cán bộ khác. Đây còn từng là căn cứ địa của Xứ Ủy Nam Kỳ, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân từ thời thuộc Pháp.

Đình Tấn Mỹ

Ngoài những công trình kiến trúc có tuổi đời trên 100 năm (đa phần là công trình của người Pháp xây dựng để truyền đạo), cù lao Giêng còn có rất nhiều cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo, tâm linh rất nổi tiếng khác như: Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), một di tích lịch sử cách mạng đã được nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia. Cạnh đó là Thành Hoa Tự (còn gọi là chùa Đạo Nằm), xây dựng vào năm 1953. Song song đó, du khách sẽ được ghé thăm chùa Phước Minh (còn gọi là chùa Bà Vú); lăng mộ “Ba quan Thượng đẳng” với câu chuyện kể về ba anh em người cù lao Giêng đã theo phò chúa Nguyễn Ánh và lập nhiều chiến công; đình Tấn Mỹ với nhiều câu chuyện bi hùng về những chiến sỹ cách mạng đã từng sống, chiến đấu ngay trong đình, dưới sự che chở của nhân dân và ban tế tự đình.

Về Cù lao Giêng hôm nay, nhiều du khách lại được thưởng ngoạn thêm một công trình kiến trúc nghệ thuật rất hoành tráng, đó là chùa Phước Thành ( tọa lạc tại xã Bình Phước Xuân) với nhiều hạng mục đã được công nhận kỷ lục Việt Nam, trong đó có tượng Phật tổ A Di Đà cao nhất Viêt Nam ( 40 mét) xây dựng rất tinh xảo, kỳ công cùng quần thể 48 tượng Bồ Tát Thánh Chúng ( mỗi tượng cao 5 mét). Còn nhiều và rất nhiều địa điểm để tham quan, thưởng lãm trên cù lao sông nước hữu tình.

Về thế mạnh kinh tế hiện nay, cù lao Giêng được biết đến với thế mạnh du lịch miệt vườn sông nước gắn với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tâm linh đa tôn giáo như : Phật giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương…Ngoài ra, cù lao Giêng đã và đang phát huy thế mạnh nuôi thủy sản do địa hình tiếp giáp với các nhánh sông lớn. Một lĩnh vực kinh tế cũng cần được nhắc đến là các làng nghề truyền thống rất nổi tiếng như làng đóng xuồng nghe Mỹ Hiệp, nghề làm tranh kiếng ở Bình Phước Xuân; nghề chuyên canh rau màu ở Tấn Mỹ…Tất cả đã và đang tạo thế và lực mới để cù lao Giêng từng ngày, từng giờ khoác lên mình một chiếc áo mới rất riêng trên vùng đất có nhiều điều kỳ bí, lạ thường.

Cù lao Giêng xưa và nay có lắm điều thú vị đến nao lòng và luôn để lại những dấu ấn đẹp, khó quên cho những ai có dịp đến đây dù chỉ một lần.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/dau-an-dep-cu-lao-gieng-106158