Thưởng lãm thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn

Sáng 3-1, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khai mạc Triển lãm 'Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn', nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc khóa thi Nho học cuối cùng (1919 - 2019) và chào mừng Ngày Lưu trữ Việt Nam 3-1.

Châu bản triều Nguyễn không chỉ là di sản quý báu của quốc gia mà đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Một trong những điều làm nên giá trị đặc sắc của Châu bản triều Nguyễn là bút tích phê duyệt của các vị hoàng đế còn lưu trên những văn bản hành chính này.

Qua bút phê của các hoàng đế, có thể thấy, mặc dù lời phê đều được viết hết sức tự nhiên, không gò ép như khi sáng tác một cách chính thức nhưng chữ viết thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao. Vì vậy, bút phê của các hoàng đế ngoài ý nghĩa về nội dung, thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước, còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc, như những bức thư pháp sống động.

 Lễ cắt băng khai mạc triển lãm.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm.

Đại biểu tham dự lễ khai mạc nghe thuyết minh về triển lãm.

Qua bút tích phê duyệt của Hoàng đế Gia Long, có thể thấy, mặc dù Hoàng đế Gia Long với quá nửa cuộc đời bôn ba chinh chiến nhưng chữ của ông vẫn thể hiện sự hàm dưỡng cao.

Minh Mạng là vị hoàng đế năng động quyết đoán. Phê duyệt của ông trên Châu bản ở nhiều lĩnh vực: Từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, luật pháp nhằm củng cố chế độ quân chủ tập quyền. Đặc biệt, lời phê của Hoàng đế Minh Mạng trên những bản tấu của địa phương báo cáo tình hình thu hoạch mùa màng và giảm thuế cho dân, đã thể hiện sự quan tâm của ông đối với nền nông nghiệp của nước nhà cũng như đời sống nhân dân lao động. Qua bút tích hiện còn, có thể thấy chữ của ông có đường nét đầy đặn, cân xứng, kỹ thuật bài bản, uyển chuyển.

Là người siêng năng việc nước, mọi công việc nội trị và ngoại giao, Hoàng đế Thiệu Trị đều noi theo đời trước, mong giữ gìn những thành quả đạt được. Ông còn là người yêu thích thơ ca. Độc đáo nhất có lẽ là là bài thơ bằng chữ Hán có tên “Vũ trung sơn thủy”. Bài thơ được xếp theo hình bát quái với kỹ xảo hồi văn liên hoàn, chỉ có 56 chữ nhưng có đến 64 bài thất ngôn bát cú với 128 cách đọc khác nhau. Lời phê của Hoàng đế Thiệu Trị trên Châu bản rất dung hòa, nhẹ nhàng. Ở góc độ thư pháp, ông chú trọng việc nhấn nhá ở đầu các nét và sử dụng liên bút nhiều.

Bút phê của Hoàng đế Thiệu Trị.

Hoàng đế Tự Đức tại vị lâu nhất trong số 13 hoàng đế nhà Nguyễn, vì vậy khối lượng Châu bản triều Tự Đức chiếm gần một nửa khối Châu bản triều Nguyễn bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Qua nội dung Châu phê thời vua Tự Đức, có thể thấy rõ bối cảnh lịch sử đầy biến động của nước ta lúc bấy giờ. Đặc biệt, vua Tự Đức quan tâm đến giáo dục, đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho nhà nước. Vì vậy các văn bản có châu phê về lĩnh vực này khá phong phú.

Nét đặc sắc trong bút phê của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn - Hoàng đế Bảo Đại là ông phê bằng cả chữ Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Triển lãm với hơn 100 văn bản Châu bản triều Nguyễn được lựa chọn và giới thiệu trưng bày với hy vọng đem đến cho người xem một góc nhìn khác, đó là một loại hình văn bản hành chính nhưng đẹp như những bức thư pháp cổ.

Tin, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thuong-lam-thu-phap-cua-cac-hoang-de-nha-nguyen-606864