Thương mại điện tử: Doanh nghiệp phải sẵn sàng vào cuộc chơi mới

Trước sự bùng nổ của công nghệ số, kết nối toàn cầu, thương mại điện tử đang được phát triển mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch quen thuộc của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang nhận được nhiều sự đầu tư, phát triển. Ảnh: H.Dịu

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang nhận được nhiều sự đầu tư, phát triển. Ảnh: H.Dịu

Chiều ngày 2/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 do Ban Kinh tế Trung ương chỉ trì hội thảo có chủ đề “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam” đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình, xu hướng phát triển thương mại điện tử cũng như lắng nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ, khuyến nghị cho Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Điều này đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Việt Nam tận dụng hiệu quả những cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0.

Theo đó, thương mại điện tử đã bùng nổ và nhanh chóng phổ biến tại Việt Nam. Theo ông Thành, thương mại điện tử đang đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội, giúp tăng khả năng mở rộng thị trường, giảm chi phí và thời gian xử lý giấy tờ, tăng cường mối quan hệ với khách hàng thông qua mạng internet, kích thích công nghệ thông tin góp phần vào sự chuyển dịch và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu…

Với những lợi ích này, ông Lê Xuân Thành cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25%, lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, các quỹ đầu tư, các tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư vào các sàn, website thương mại điện tử trong nước. Xu hướng này sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, tiềm năng cho lĩnh vực này là rất lớn nhưng việc tận dụng vẫn chưa đúng mức. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, phần lớn doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc, còn cách khá xa so với khả năng phát triển cũng như tốc độ phát triển của các doanh nghiệp quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Fintech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media cho hay, phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM (chiếm 70% giao dịch) và một số tỉnh năng động liền kề nên các vùng miền khác còn rất nhỏ. Nguyên nhân do niềm tin của người tiêu dùng chưa cao, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn lớn cũng như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần có hệ thống chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là ứng dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.

Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước đang phải đối diện với nguy cơ mất cạnh tranh trên sân nhà, do phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn và cả xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới. Ví dụ như Alibaba có mục tiêu đưa hàng hóa đến các nước thế giới trong vòng 36 tiếng, hoặc nhiều công ty đang tiến tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo… để hỗ trợ tư vấn, thu hút khách hàng. Đây là cuộc chơi mới, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chấp nhận cuộc chơi đó.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Linh, môi trường kinh doanh cho thương mại điện tử tại Việt Nam dù đã thay đổi nhiều nhưng chưa đủ, cần phải cởi mở hơn nữa. Hiện 50% vốn đầu tư thương mại điện tử ở Đông Nam Á “chạy” vào Singapore, vì quốc gia này có môi trường thông thoáng, hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đưa ra các giải pháp như: đẩy mạnh phát triển dịch vụ đến thị trường nông thôn – bởi thị trường này có số lượng rất lớn, nhu cầu cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp phải mang đến các dịch vụ phù hợp, thấu hiểu khách hàng cũng như không ngừng thay đổi công nghệ, tìm kiếm nhân tài để điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuong-mai-dien-tu-doanh-nghiep-phai-san-sang-vao-cuoc-choi-moi-112554.html