Thương mại điện tử đưa hàng Việt xuất ngoại

Xuất khẩu Việt Nam dự tính tăng trưởng 6% năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu này. Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ theo phương thức kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp Việt ngày càng chú trọng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới. Ảnh: Quang Vinh.

Báo cáo thị trường “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” của Alibaba.com cho biết, hơn 50% doanh nghiệp (DN) lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử (TMĐT) hoặc số hóa, mở rộng kênh bán hàng để “sống sót”. Thực tế cho thấy, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều DN Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc, vượt qua khó khăn.

Giảm chi phí, tăng doanh thu

Bà Hoàng Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương chia sẻ, trước sự phát triển của các sàn TMĐT, công ty đã lựa chọn đầu tư cho sản phẩm bán online. “Công ty chuyên xuất khẩu hàng mây tre đan, thị trường chính là Mỹ và châu Âu. Với hướng xuất khẩu online chúng tôi tập trung đầu tư phát triển cho sản phẩm, quảng bá trên các nền tảng bán hàng, xây dựng đội ngũ làm việc chuyên nghiệp. Chi phí quản lý giảm đáng kể. Trước đây công ty phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ lớn trên thế giới. Với cách này rất tốn kém về thời gian chuẩn bị (có khi mất vài tháng cho một lần tham gia), chi phí gian hàng, vận chuyển và nhân sự là rất lớn. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu giữa online và offline khá chênh lệch. Doanh thu từ online là 85% và offline là 15%” - bà Tâm cho biết.

Hoạt động TMĐT đã diễn ra khá lâu và không còn là chủ đề mới nhưng lại rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc tiêu thụ hàng hóa của DN từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và trong nước đều sụt giảm, tạo áp lực rất lớn lên doanh số bán hàng của DN. Xoay xở, tìm kiếm khách hàng ở thị trường mới phải có sự đổi mới trong tổ chức hoạt động phân phối, tiêu thụ hàng hóa, khai thác thị trường ngách. TMĐT chính là kênh tiếp cận khách hàng nhanh, ít tốn kém, có thể giúp DN thăm dò, nhận phản hồi từ khách hàng ở các thị trường mới, thị trường ngách, từ đó điều chỉnh, cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco) cho hay, DN xuất khẩu cà phê đến hơn 70 thị trường trên thế giới. Ngay từ tháng đầu năm 2023, lượng đơn hàng đã tăng trưởng 20% so với năm trước. Vì thế, kỳ vọng kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 15% trong năm 2023 sẽ trong tầm tay.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Huy, cùng với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, DN đã tích cực chuyển đổi số và đẩy mạnh hoạt động trên TMĐT xuyên biên giới. Từ năm 2021, Simexco đã tăng lượng bán hàng và giao dịch trên các sàn TMĐT lớn thế giới như Amazon, Alibaba… giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận, thương hiệu cà phê của DN cũng được lan tỏa. Ông Huy còn tiết lộ, hiện Công ty có gian hàng trên Amazon dành cho thị trường Mỹ với số lượng đơn hàng rất khả quan.

Còn theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), TMĐT là một kênh xuất khẩu tốt cho DN Việt. Đến nay nhiều DN đã quan tâm, đầu tư cho mảng kinh doanh này. Từ 1.000 DN được huấn luyện, đào tạo trong năm 2020 nay đã nâng lên hàng chục nghìn DN được hỗ trợ đào tạo và có tài khoản đăng ký trên các nền tảng TMĐT của một số sàn quốc tế lớn, trong số đó có một tỷ lệ khá cao là đã bán hàng và có doanh thu trực tiếp từ XK trực tiếp này trên nền tảng của Alibaba.

Số liệu từ Bộ Công thương cũng cho biết, chỉ riêng năm 2022, đã có hơn 10 triệu sản phẩm là hàng Việt Nam được bán trên Amazon và Alibaba.

Đầu tư đổi mới công nghệ đi cùng mở rộng hình thức thương mại điện tử đem đến thành công cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyển đổi số và cơ hội

Theo giới chuyên gia, giữa bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, TMĐT ngày càng phát triển không ngừng. Như vậy, nếu DN áp dụng chuyển đổi số thành công, hướng mạnh vào TMĐT, tức là vẫn có cơ hội để thúc đẩy doanh thu bán hàng.

Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, với mô hình xuất khẩu truyền thống, một sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng phải qua rất nhiều khâu, bắt đầu từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu - nhà nhập khẩu - đơn vị bán sỉ - bán lẻ, cuối cùng mới đến tay khách hàng. Tuy nhiên, với TMĐT, sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ cần từ cần nhà sản xuất và qua một trung gian là đơn vị cung cấp dịch vụ. TMĐT đã giúp rút ngắn thời gian tối đa, tối ưu hóa phản hồi của khách hàng với các sản phẩm của nhà cung cấp.

Hiệp hội TMĐT Việt Nam thông tin, hàng hóa của các DN Việt hiện đã có mặt ở các sàn TMĐT như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global… chủ yếu là nông sản thành phẩm, thủ công mỹ nghệ, nội thất, gia dụng…

Chia sẻ với báo giới, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, xuất khẩu online là sự kết hợp của toàn cầu hóa và số hóa, tức là DN tham gia toàn cầu hóa theo con đường số thay vì hình thức truyền thống. Do đó xuất khẩu online hứa hẹn sẽ là một “bình thường mới” cho các DN Việt Nam và là một động lực mạnh mẽ của nền kinh tế xuất khẩu trong thời gian tới.

Cũng theo ông Gijae Seong, việc DN Việt Nam bán hàng trên Amazon không đơn thuần là một kênh tăng doanh thu, mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế thương hiệu cho các DN Việt Nam. Người bán hàng sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu mà vẫn chú trọng đến chất lượng sản phẩm.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (VCCI) đánh giá, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội lớn để xuất khẩu hàng Việt đến nhiều thị trường lớn trên thế giới. Song việc tìm kiếm khách hàng vẫn luôn là khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải. Hiện nhiều DN quan tâm tìm kiếm khách hàng thông qua TMĐT, nhất là DN nhỏ và vừa.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương), để DN tìm kiếm khách hàng qua kênh TMĐT, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển TMĐT như: hạ tầng, nhân lực, khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng TMĐT; chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa thông tin..

Xác định đúng mục tiêu

Những năm gần đây, Chính phủ đã không ngừng phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy cho sự phát triển của TMĐT. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645 ngày 15/5/2020 phê duyệt tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, các chương trình hợp tác với các DN lớn như Alibaba hay Amazon và Cục Xúc tiến thương mại liên tục được triển khai, nhằm hỗ trợ không ngừng cho DN Việt Nam trong việc thay đổi tư duy, đào tạo nhân lực, khắc phục hạn chế tồn đọng và tiếp cận với sàn giao dịch TMĐT toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng được môi trường TMĐT đưa hàng xuất khẩu đến các thị trường, các DN cần xây dựng hình ảnh, cung cấp đầy đủ thông tin về DN, về năng lực thương mại, xuất khẩu cùng các giấy tờ chứng minh. DN cũng nên tham gia đa dạng sàn TMĐT, sử dụng nhiều kênh thương mại để tìm kiếm thông tin khách hàng từ mạng xã hội, truyền thông hoặc thông tin từ các hiệp hội, cơ quan nhà nước. Ngoài ra, để gia tăng hiệu quả, DN nên dần tiếp cận, ứng dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như tận dụng khả năng tương tác, thông tin rộng rãi của các mạng xã hội để quảng bá, truyền thông thương hiệu…

Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc DN phải đầu tư phát triển năng lực sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giúp sản phẩm có xuất xứ rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng và đối tác quốc tế.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM):

Cần áp dụng thương mại điện tử nhiều hơn

Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho DN. Tuy nhiên nền kinh tế nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các DN phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là TMĐT cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp DN tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Thế mạnh của thương mại điện tử

Theo báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam do Hãng Amazon công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tăng trưởng trên 20%/năm, đạt 75.400 tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256.100 tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Trong đó, hơn 64% doanh số do các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tạo ra. Báo cáo cũng cho rằng, nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

T.Hằng-M.Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuong-mai-dien-tu-dua-hang-viet-xuat-ngoai-5717185.html