Thương mại điện tử 'hốt bạc' khi người dân ASEAN ghiền mạng xã hội

Nghiên cứu của Google-Temasek cho thấy nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á sẽ có giá trị lên đến hơn 200 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử sẽ là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người dân ASEAN trực tuyến 3,6 giờ/ngày

Theo một báo cáo của Google và Temasek Holdings, dân số đô thị ở các thành phố Đông Nam Á đang tăng khoảng 2,2% mỗi năm và tầng lớp trung lưu đang tăng lên 70 triệu hoặc 9% CAGR vào năm 2020. Mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân được dự báo sẽ tăng 5% mỗi năm cho đến năm 2020, vượt mức tăng trưởng toàn cầu chỉ 3,5%.

Vào tháng 5/2016, Google và Temasek Holdings đã dự đoán nền kinh tế trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 20%/năm cho đến năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trực tuyến thực tế đã vượt xa dự đoán và đạt 27%, tăng đến 50 tỷ USD vào tháng 12/2017.

Nguyên nhân tác động tích cực nhất tới sự phát triển của thương mại điện tử là người dùng ở Đông Nam Á tương tác trực tuyến với 3,6 giờ mỗi ngày sử dụng Internet trên điện thoại, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Người dùng ở Thái Lan dẫn đầu thế giới với 4,2 giờ, Indonesia và 3,9 giờ mỗi ngày so với 2,0 giờ mỗi ngày của Hoa Kỳ.

Nghiên cứu của Google-Temasek cũng cho thấy nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á sẽ có giá trị lên đến hơn 200 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử sẽ là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất, dự đoán tăng trưởng tỷ lệ CAGR 30% trong 5-10 năm tới để đạt được 88 tỷ USD vào năm 2025. Trong hai năm qua, phân khúc này đã phát triển gấp đôi, từ 5,5 tỷ USD vào năm 2015 lên 11 tỷ USD vào năm 2017.

Các công ty công nghệ hút vốn khủng

Theo số liệu từ CB Insights, trong năm 2017, mảng công nghệ của Đông Nam Á thu hút lượng vốn lên đến hơn 6 tỷ USD, tăng từ mốc 300.000 USD năm 2012. Các nhà sản xuất phần cứng như Dell, Intel, Apple, Ericsson và Siemens đã hoạt động trong khu vực ASEAN trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng trong mười năm trở lại đây, các công ty trực tuyến như Google, Amazon và Facebook bắt đầu thâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Ví dụ, Google mở văn phòng tại Singapore chỉ với 24 người trong năm 2007, nhưng đến 2017 thì trụ sở Châu Á Thái Bình Dương này đã tăng lượng nhân lực lên hơn 1.000 nhân viên.

Tốc độ rót vốn đầu tư vào các công ty thương mại điện tử Đông Nam Á trong hai năm qua đang dần tăng cao. Điển hình là công ty công nghệ Sea, với trụ sở tại Singapore, điều hành Garena – nền tảng game và e-sport cùng trang thương mại điện tử Shopee vừa kiếm được hơn 1 tỷ USD vào năm 2017 thông qua đợt chào bán công khai ban đầu và thêm 575 triệu USD vào tháng 6 năm 2018.

Tencent, nhà sản xuất game và điều hành mạng xã hội Trung Quốc đã đầu tư vào Garena trong nhiều năm. Đầu năm 2018, Alibaba đã tăng lượng vốn đầu tư vào Lazada lên 2 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Tencent còn đầu tư 1 tỷ USD vào Tokopedia, hoạt động tại Indonesia.

Theo Niko Partners, khi thị trường trò chơi trực tuyến và thể thao điện tử phát triển ở Đông Nam Á, các công ty game như Garena, Ubisoft, Quest Drop và Blizzard sẽ bắt đầu tăng tốc. Số lượng PC và game thủ trên nền tảng di động ở Đông Nam Á dự kiến đạt 400 triệu vào năm 2021.

Cả hai nhà điều hành co-working quốc tế và nội địa cũng nhanh chóng gia tăng sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á, bắt kịp xu hướng toàn cầu. Wework đã mua lại Spacemob như một phần của kế hoạch xâm nhập thị trường Đông Nam Á vào tháng 8 năm 2017 và đã mở rộng quy mô với tốc độ chóng mặt kể từ đó. Justco bắt đầu hoạt động tại Singapore vào năm 2015 và từng bước mở rộng sang Bangkok và Jakarta.

Co-working “cháy hàng” với các công ty công nghệ

Qua quan sát của JLL, Đông Nam Á các công ty công nghệ toàn cầu lớn nhất như Google và Facebook… hiện chiếm khoảng từ 20.000 m2 đến 50.000 m2 diện tích văn phòng, trải rộng từ 3-5 thành phố. Tất cả đều có mặt tại Singapore, Bangkok và Jakarta. Hầu hết các công ty đã gia tăng số lượng nhân viên từ 30- 50% CAGR trong 5-10 năm qua.

Các công ty thương mại điện tử như Sea (điều hành Garena, Shopee và Airplay) và tập đoàn Alibaba (điều hành Lazada, Alipay và UC Web) đang hoạt động mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á và chiếm nhiều diện tích văn phòng ở Jakarta hơn Singapore, tiếp theo là Bangkok.

Ngoài Regus có mặt rộng khắp Singapore, Wework cũng đã mở rộng nhanh chóng trên toàn Đông Nam Á trong năm qua, và có thể có mặt tại 6 thành phố Đông Nam Á trong vòng 12 tháng tới.

Tại Đông Nam Á, không gian làm việc linh hoạt đã tăng 40% CAGR trong 2014-2017 (cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ là 25,7% và Châu Âu là 21,6%) và chiếm tỷ lệ 2% diện tích văn phòng (năm 2015 chỉ 0,5-1,0%). Singapore nhận được tỷ lệ hấp thụ văn phòng cao nhất, không gian linh hoạt chiếm 4,2% tổng diện tích văn phòng.

JLL dự đoán rằng khoảng 30% danh mục đầu tư của các công ty vào năm 2030 sẽ các là không gian co-working.

Sự xuất hiện của không gian linh hoạt giúp khách thuê tiết kiệm chi phí hơn so với không gian văn phòng truyền thống ở Singapore. Ước tính ban đầu tại Singapore cho thấy không gian linh hoạt có thể rẻ hơn tới 50% so với văn phòng truyền thống. Tuy nhiên, mật độ nhân viên trong không gian linh hoạt sẽ dày đặc hơn. Và khi được điều chỉnh về mật độ và các chi phí tương tự, chênh lệch chi phí giữa giá thuê văn phòng truyền thống chỉ cao hơn văn phòng linh hoạt khoảng 5%.

Tại Việt Nam, thị trường văn phòng linh hoạt, co-working đang trong thời kỳ sơ khai nhưng nhu cầu về văn phòng này đang tăng vọt và nguồn cung không đáp ứng đủ.

HOÀNG ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-hot-bac-khi-nguoi-dan-asean-ghien-mang-xa-hoi-3468835.html