Thương mại điện tử 'lên ngôi', mặt bằng tại các trung tâm thương mại liệu có 'hết thời'?

Xu hướng chuyển sang mô hình kinh doanh online ngày càng nở rộ nhưng mặt bằng tại các trung tâm thương mại vẫn có triển vọng tăng trưởng.

Trong 5 năm gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều nhãn hiệu trong nước, đa phần là các thương hiệu vừa và nhỏ đã thu hẹp dần các cửa hàng kinh doanh tại chỗ.

Ngay cả các trung tâm thương mại lớn, đã có lúc bị “ế” mặt bằng. Thay vào đó, các thương hiệu này chuyển sang kinh doanh online, thông qua các sàn thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí. Ở thời điểm hiện tại, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh tại chỗ sang kinh doanh online tiếp tục nở rộ.

Mặt bằng tại các trung tâm thương mại vẫn có triển vọng tăng trưởng. (Ảnh: NĐ)

Nhận định về vấn đề này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhận xét: Mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa. Các cửa hàng trực tuyến sẽ là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng, nơi nhãn hàng chạm đến công chúng và mở rộng nhận diện thương hiệu của mình. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng, mặt bằng tại các trung tâm thương mại vẫn có triển vọng tăng trưởng.

“Những cửa hàng truyền thống cần được nhãn hàng nhìn nhận là nơi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ, những tụ điểm vui chơi, giải trí và các trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể đem lại”, bà Minh nói.

Theo chuyên gia của Savills, các trung tâm thương mại có mặt bằng tốt, đặc biệt là các trung tâm thương mại đáp ứng tiêu chuẩn phê duyệt phòng cháy chữa cháy thu hút lượng khách thuê tốt, với giá thuê thậm chí cao hơn thời điểm cùng kỳ năm 2022.

Trích dẫn số liệu 6 tháng đầu năm 2023 tại Hà Nội, bà Minh nói, mặt bằng tại các trung tâm thương mại vẫn chiếm tỷ trọng cao trong phân khúc bán lẻ tại Hà Nội, chiếm 65% tổng nguồn cung. Công suất thuê trung bình của cả thị trường giảm 2% so với năm ngoái, tuy nhiên vẫn ở mức cao khoảng 87%.

Theo bà Minh, người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù lạc quan nhất thế giới, vẫn giữ thái độ thận trọng và đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng của mình. Họ có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ các ngành hàng cốt lõi như tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, cũng như các ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.

Sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.

Ngược lại, điều này giúp các chuỗi siêu thị hưởng lợi khi người tiêu dùng gia tăng chi tiêu đáng kể cho các sản phẩm gia dụng, chăm sóc cá nhân và thực phẩm. Các chuỗi siêu thị như AEON Mall (36%), Win Mart (27%) và Go! (19%) vẫn đang duy trì vị trí dẫn đầu thị phần đối với loại hình này. Các chuỗi bán lẻ lớn đang theo đuổi các chiến lược mở rộng nhằm đảm bảo vị thế trên thị trường và xây dựng nhận diện thương hiệu.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục và chăm sóc sức khỏe vẫn duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa đạt mức kỳ vọng.

Từ nay đến cuối năm, bà Minh cho rằng để duy trì hoạt động cũng như tiếp tục thúc đẩy động lực phục hồi trong ngành bán lẻ, các nhãn hàng sẽ cần thận trọng hơn và lên kế hoạch chi tiết trong giai đoạn sắp tới.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-mai-dien-tu-len-ngoi-mat-bang-tai-cac-trung-tam-thuong-mai-lieu-co-het-thoi-post258870.html