Thương mại điện tử: Mảnh đất vàng cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thương mại điện tử đang là mảnh đất hấp dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử

Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong 5 năm qua đều đạt mức tăng trưởng trên 20%. Năm 2018 quy mô thị trường đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 30%, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 13 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng 25-30% hàng năm.

Ước tính có khoảng 39,9 triệu người đã tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018, gần gấp đôi năm 2016, bình quân giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt khoảng 202 USD. Tuy nhiên tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước chỉ đạt 4,2%, con số này các năm trước chỉ ở mức trên dưới 3%. Theo thống kê của Cục thương mại điện tử và kinh tế số, hiện Việt Nam có 24.247 website ứng dụng thương mại điện tử, 910 sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng trưởng 29% so với năm trước.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Thế Quang cho biết, thương mại điện tử đang là mảnh đất hấp dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dẫn chứng cho việc này, hiện Việt Nam đang có 143,3 triệu số thuê bao di động; số người sử dụng internet là 64 triệu người trong đó số người sử dụng mạng xã hội là 62 triệu người. Đây là nguồn Data khách hàng khổng lồ cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và các doanh nghiệp dịch vụ logistics.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển thương mại điện tử khi có tới 64 triệu người dùng internet (chiếm 66% dân số), 62 triệu người dùng mạng xã hội (64% dân số), số thuê bao di động đạt 143 triệu trong đó 72% dân số sử dụng smartphone. Độ tuổi trung bình trẻ 32 tuổi. Thị trường thương mại điện tử đang trở thành mảnh đất vàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh.

Nói thêm về những lợi thế khác để phát triển khởi nghiệp trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh, về tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Năm 2017 tổng số tiền đầu tư vào các startup Việt Nam xếp thứ 5 trên 6 quốc gia Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore về tổng giá trị thương vụ khởi nghiệp, 6 tháng 2019 đạt 264 triệu USD và ước 2019 tăng gấp đôi năm 2018.

Về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đến năm 2018 Việt Nam có hơn 600 doanh nghiệp. Chúng ta đã có nhiều chính sách hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp, hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện, các trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ thống phục vụ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm hơn.

Thêm vào đó, việc Bộ Công Thương chuẩn bị ban hành "Kế hoạch thương mại điện tử quốc gia 2021-2025" là cơ sở pháp lý tốt cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ông Quang kỳ vọng những hành động trên sẽ góp phần đổi mới chính sách, tạo ra môi trường tốt cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Phát triển thương mại điện tử không thể thiếu niềm tin

Ông Nguyễn Thế Quang cho rằng, mặc dù tiềm năng cũng như cơ hội phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ. Đầu tiên là tháo những nút thắt trong quá trình mua sắm trực tuyến.

Việc thanh toán điện tử hiện vẫn còn thấp, trong các giao dịch thương mại điện tử năm 2018, 88% các giao dịch thanh toán theo hình thức COD (thu hộ, khách hàng trả tiền mặt khi nhận hàng), con số này tăng so với năm 2017.

Nguyên nhân chủ yếu là do có tới 83% số người được hỏi không mua hàng trực tuyến do lo sợ sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo; 43% số người được hỏi lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ bởi quá trình mua hàng trực tuyến, đòi hỏi khách hàng phải đăng ký tên tuổi, số điện thoại, email, địa chỉ giao nhận…

Bên cạnh đó, website/ứng dụng bán hàng thiết kế không chuyên nghiệp, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém… cũng là những nguyên nhân khiến nhiều khách hàng chưa mặn mà với thương mại điện tử; thậm chí có tới 33% số người được hỏi chưa tham gia thương mại điện tử vì không tin tưởng người bán.

“Mặc dù số lượng website, ứng dụng thương mại điện tử đã được xác nhận thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương hiện tăng gấp khoảng 5 lần so với năm 2014, nhưng giá trị mua sắm của một người mới chỉ khoảng 202 USD – tăng 42 USD so với năm 2015. Mảng thanh toán qua ví điện tử còn rất thấp và đây là mảnh đất màu mỡ cho các startup thời gian tới”, ông Quang phân tích.

Ông Trương Quang Việt – Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công Ty dịch vụ số Viettel. Ảnh: ĐH Tài chính

Theo ông Trương Quang Việt – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, hiện có thực tế nhiều người không chấp nhận mua hàng trực tuyến vì phí vận chuyển cao, mà nếu mua bán theo cách truyền thống, người mua hàng có thể tiết kiệm được khoản chi phí này.

“Đây là ví dụ cho thấy, người mua hàng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng hàng hóa được cung cấp hoặc chưa hài lòng với chi phí vận chuyển, giao hàng”, ông Trương Quang Việt cho hay.

Không chỉ đại diện của Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, không ít các tổng công ty, doanh nghiệp thương mại điện tử cũng thừa nhận sự tin tưởng chính là yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định mua hàng trực tuyến hay không. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất hướng đến mục tiêu mang lại niềm tin của khách hàng với thương mại điện tử.

Trong đó, Viettel có hình thức thanh toán tạm giữ, tới đây là thí điểm Mobile monney; Lazada tăng cường lượng kho bãi để có thể giao hàng trong ngày hoặc sang ngày hôm sau; Chung xe chuẩn bị áp dụng công nghệ blockchain (Smart contract) để quản lý hợp đồng, xuất xứ xe…

Liên quan tới các giải pháp thúc đẩy niềm tin trong môi trường thương mại điện tử, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam đã chia sẻ về mô hình hệ sinh thái thương mại điện tử mà Lazada đang xây dựng, qua đó mở ra thêm góc nhìn và định hướng mới cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo ông James Dong, hệ sinh thái của Lazada mang đến các giải pháp đáp ứng nhu cầu của cả các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng khi được xây dựng dựa trên 3 yếu tố trọng tâm: Phát kiến công nghệ tiên tiến; hệ thống Logistics và các phương thức thanh toán đa dạng.

Đi cùng với xu hướng công nghệ IoT, vào đầu tháng 10 vừa qua, Lazada cũng đã hợp tác cùng iLogic Việt Nam để triển khai hệ thống các điểm lấy hàng tự động qua “tủ khóa thông minh” (smart locker). Người mua hàng có thể chủ động lấy hàng mọi lúc và hoàn toàn tự động sau khi đặt hàng trên Lazada. Người mua chỉ cần quét mã QR (nhận qua email) hoặc nhập số điện thoại và mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần) để mở tủ khóa và lấy hàng dễ dàng.

“Khác với công nghệ và logistics, vấn đề về thanh toán đang là một trở ngại đối với thương mại điện tử tại Việt Nam do phần lớn người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng thẻ tín dụng hoặc các ví điện tử. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với Chính phủ, các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử, Lazada đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân lựa chọn các phương thức thanh toán đa dạng hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiền mặt”, ông James Dong khẳng định.

Phong Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thuong-mai-dien-tu-manh-dat-vang-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-d166775.html