Thương mại điện tử thúc đẩy doanh số, tăng tốc quá trình tiếp thị

Thương mại điện tử đem tới cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiếp cận trực tiếp với khách hàng quốc tế, thúc đẩy doanh số, tăng tốc quá trình tiếp thị và tiết kiệm chi phí.

Trong khuôn khổ Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng”, ngày 24/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty Innovative Hub tổ chức hội thảo “Xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua thương mại điện tử" với sự tham gia của đại diện một số cơ quan, ban ngành, các văn phòng luật sư, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc hội thảo, ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) nhận định, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thương mại điện tử đem tới nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiếp cận trực tiếp với khách hàng quốc tế, thúc đẩy doanh số, tăng tốc quá trình tiếp thị và tiết kiệm chi phí giao dịch tổng thể.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam, gây ra sự đứt gãy những chuỗi cung ứng, thương mại điện tử càng thể hiện rõ tính ưu việt cùng nhiều thế mạnh có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục công việc kinh doanh, duy trì hoạt động và tạo động lực bứt phá sau dịch bệnh.

Bà Zoe Zuo, Giám đốc điều hành Công ty Innovative Hub chia sẻ về thực tiễn của Singapore trong việc triển khai hiệu quả thương mại điện tử.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp thu và nên làm một số điều được cho là hữu ích, có thể đem lại giá trị tích cực giúp thúc đẩy việc triển khai thương mại điện tử và tạo thêm giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể như, chọn lọc và nhận diện kỹ khách hàng; đặc biệt là nhóm khách hàng trọng tâm; chọn lọc sản phẩm phù hợp với tùy từng đối tượng khách hàng; chọn lọc nền tảng và giao diện thương mại điện tử phù hợp với mục tiêu đề ra của doanh nghiệp; tìm kiếm và chỉ định một người đủ năng lực để quản lý gian hàng của bạn; phát triển các chiến lược truyền thông cộng đồng và liên tục cập nhật, đổi mới hình ảnh, nâng cấp chất lượng sản phẩm.

Đại diện các chuyên gia nghiên cứu, Luật sư Lê Trọng Thiêm, Công ty Luật LTT & Lawyers và là Hòa giải viên, Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam cho rằng, giao dịch thương mại điện tử vốn đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, như: rủi ro về dòng tiền, yêu cầu giữ tiền để đảm bảo, giao dịch thanh toán quốc tế, phải trả chi phí cho các giao dịch, rủi ro từ công nghệ hay lừa đảo, hackers; đồng thời, chịu tác động bởi các lệnh cấm vận về kinh tế...

Trước những vấn đề này, Luật sư Thiêm khuyến nghị, các doanh nghiệp cần xây dựng chính sách bán hàng đầy đủ, chi tiết và cụ thể, tìm hiểu và nắm bắt luật chơi, thực hiện đảm bảo thời hạn nhận tiền, trong giao dịch thì nên có thỏa thuận rõ ràng với phía đối tác; đồng thời, đầu tư cẩn thận về công nghệ và có sự hiểu biết nhất định về tình hình địa chính trị...Có như vậy mới hạn chế được tối đa những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ thiệt hại về kinh tế./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuong-mai-dien-tu-thuc-day-doanh-so-tang-toc-qua-trinh-tiep-thi/178804.html